Gần 2 năm qua, dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp dẫn đến nguy cơ xáo trộn cơ cấu thị trường lao động. Theo một khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện vào đầu tháng 8/2021 đối với trên 69 nghìn người lao động cho thấy, có đến 62% đang bị mất việc làm và cuộc sống của họ đang gặp rất nhiều khó khăn kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021 đến nay.
Trong bối cảnh khó khăn, thời gian qua, Chính phủ cũng kịp thời chỉ đạo và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp ở quy mô, mức độ nhất định phù hợp với dư địa tài khóa cũng như đặc điểm, điều kiện của từng ngành nghề, khu vực bị ảnh hưởng.
Cụ thể, về phía người lao động, các chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng được ban hành rất sớm ngay trong làn sóng bùng phát dịch đầu tiên và đã có những điều chỉnh kịp thời mở rộng đối tượng thụ hưởng tới lao động tự do, F0, F1, cũng như các đối tượng thuộc một số ngành nghề đặc thù; người thực hiện “3 tại chỗ”; lực lượng y tế chống dịch. Đặc biệt, đã có biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng bổ sung như lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ và trẻ em ảnh hưởng bởi đại dịch.
Nhóm chính sách miễn, giảm các khoản đóng góp như miễn đóng phí công đoàn; tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ khoản giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của doanh nghiệp... cũng góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người lao động bị sụt giảm thu nhập.
Bên cạnh đó, nhóm chính sách giảm chi phí sinh hoạt cho dân cư các vùng áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg như giảm giá điện; hỗ trợ dịch vụ viễn thông, giảm giá nước sạch; hỗ trợ chi phí cách ly, xét nghiệm Covid-19; giảm phí, lệ phí một số dịch vụ công… đã góp phần không nhỏ bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn yên tâm phòng chống dịch.
Về phía doanh nghiệp, người sử dụng lao động cũng được giảm các khoản đóng góp như bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Đáng chú ý, vào tháng 7/2021, Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được ban hành đã tạo cơ chế hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để vừa duy trì việc làm vừa nâng cao trình độ người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong thời gian tới. Nguồn kinh phí được lấy từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền ước tính khoảng 4.500 tỷ đồng.
Đồng thời, những chính sách liên quan tới nghĩa vụ thuế và hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, vay trả lương phục hồi sản xuất cũng được triển khai và phần nào giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn về áp lực tài chính để duy trì bộ máy sản xuất - kinh doanh.
Trong bối cảnh thị trường lao động Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, mất cân bằng cung cầu lao động cả về cơ cấu ngành nghề, địa lý cũng như tuổi tác dẫn đến sự gián đoạn trong thị trường lao động trong trạng thái “bình thường mới”, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ sẽ cần ban hành tiếp các chính sách hỗ trợ thị trường phục hồi nhằm nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu việc làm theo hướng bền vững hơn, đảm bảo "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.