Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bắt giữ hàng chục tấn hạt nêm nhãn hiệu Knorr giả

DTVN 16:48 24/11/2019

Tại thời điểm kiểm tra, trong kho của bà Vy có chứa 11,72 tấn hạt nêm nhãn hiệu Knorr và Bột ngọt với nhiều biểu hiện nghi vấn.

Sáng 25/10, Công an thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, cơ quan điều tra vừa khởi tố và bắt tạm giam Huỳnh Phước Hải (39 tuổi, trú huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) về hành vi Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm.

Trước đó, qua một thời gian theo dõi, nắm tình hình, một tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra kho chứa hàng của gia đình bà Trần Võ Đan Vy (SN 1985, ở phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột).

Công an kiểm tra kho hàng

Tại thời điểm kiểm tra, trong kho của bà Vy có chứa 11,72 tấn hạt nêm nhãn hiệu Knorr và Bột ngọt với nhiều biểu hiện nghi vấn.

Sau đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đã gửi các mẫu sản phẩm tại cơ sở của Vy đến Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an khu vực phía Nam để giám định. Kết quả, các sản phẩm thu tại nhà Vy đều là hàng giả. Sau đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chuyển hồ sơ vụ việc cho đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP Buôn Ma Thuột) tiếp tục điều tra.

Sau quá trình điều tra, đấu tranh với Vy và thu thập thêm các chứng cứ, lực lượng công an đã chứng minh được đối tượng Huỳnh Phước Hải là người đã bán số hàng trên cho Vy.

Bước đầu, Hải khai nhận đã mua số hàng giả từ một người phụ nữ tên Loan ở Chợ Lớn, quận 6, TP HCM, sau đó, mang về đóng gói rồi bán cho Vy để kiếm lời.

Theo lãnh đạo Công an TP Buôn Ma Thuột, vụ án sau một năm mới được khởi tố vì liên quan đến nhiều thứ cần phải giám định. Hiện Công an TP Buôn Ma thuột đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ hành vi của Vy và xác minh vai trò của người phụ nữ tên Loan.

Trước đó, Sở hữu trí tuệ đưa tin, kể từ ngày 01/01/2018, BLHS 2015 sẽ áp dụng mức phạt tù cho hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm, quy định tại Điều 193.

Cụ thể, Điều 193 của Bộ luật quy định về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” nêu rõ người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm không kể số lượng và giá trị hàng hóa.

Trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì mức án tù cũng tăng tương ứng từ 5-10 năm, 10-15 năm, 15-20 năm và cao nhất là mức án chung thân. Cá nhân phạm tội còn bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hay tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tòa án Nhân dân Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh vừa tuyên phạt bị cáo Đ. V. X. (SN 1984, trú tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) hai năm tù về tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018.

Trước đó, vào ngày 03/01/2019, tổ công tác Công an Quận 12 phát hiện xe mô tô do bị cáo Đ.V.X điều khiển có biểu hiện nghi vấn.

Tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 06 thùng carton, bên trong có 43 gói hạt nêm loại 175gr; 107 gói bột ngọt với tổng trọng lượng hơn 34kg được in sẵn tên các thương hiệu nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Khai nhận với cơ quan chức năng, đây là các loại hàng giả do Đ.V.X tự sản xuất tại Quận 12. Đ.V.X đã mua bột ngọt xá có hiệu, chữ nước ngoài và hình 02 con tôm loại 25kg/bao với giá 780.000 đồng/bao và hạt nêm Việt với giá 230.000 đồng/bao (loại 10 kg) được mua từ các tiệm tạp hóa, sau đó cho vào vỏ bao bì đã được in sẵn những thương hiệu nổi tiếng, rồi dùng máy ép nhựa, ép dính miệng bao bì.

“Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018 là tín hiệu thể hiện sự quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực hàng giả, hàng nhái và vệ sinh an toàn thực phẩm. Một trong những điểm thay đổi quan trọng nhận được nhiều quan tâm của người dân là tăng mức chế tài trong việc xử lý hình sự đối với các vấn đề vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm từ mức cao nhất chỉ là 5 năm tù lên mức mức án cao nhất là phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân. Tại điều 76 luật này cũng quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại khi vi phạm điều 193 thì mức xử phạt hành chính từ 01-18 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm” - luật sư Đặng Văn Sơn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ.

Minh Châu/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/bat-giu-hang-chuc-tan-hat-nem-nhan-hieu-knorr-gia-d61750.html

Bạn đang đọc bài viết Bắt giữ hàng chục tấn hạt nêm nhãn hiệu Knorr giả tại chuyên mục Tin tức 24h. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h