Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhỏ và vừa

vietq 21:52 06/09/2022

Việc chuyển đổi số cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là yếu tố quyết định tới việc Việt Nam có hay không một nền kinh tế số toàn diện.

Theo thống kê, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME) đang chiếm tới 98% tổng số DN đang hoạt động. Do đó, việc chuyển đổi số cho khối này có thành công hay không sẽ là yếu tố quyết định tới việc Việt Nam có hay không một nền kinh tế số toàn diện. Bởi với việc khối DN SME đang sử dụng 70% lực lượng lao động và đóng góp khoảng 50% GDP, nếu chuyển đổi số thành công cho khối này, GDP sẽ tăng thêm khoảng 30 tỷ USD. Đồng thời, DN chuyển đổi số sẽ có năng suất cùng lợi nhuận gấp đôi so với DN tương tự nhưng chưa chuyển đổi số.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) cho thấy, có tới 72% không biết phải bắt đầu chuyển đổi số từ bộ phận nào trong đơn vị mình, 92% không biết phải chuyển đổi số thế nào cho phù hợp và 69% không biết có mong muốn thuê ngoài để chuyển đổi nhưng không biết đối tác nào để triển khai. Do đó, theo ước tính, tới hiện tại chỉ mới xấp xỉ 20% DN chuyển đổi số thành công trong tổng số toàn bộ các đơn vị SME tham gia chuyển đổi số.

Theo một chuyên gia tại Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên thực tế, có nhiều DN SME nhận thức chuyển đổi số sẽ giúp họ có được mô hình hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn nhưng khi thực hiện lại không biết bắt đầu từ đâu. Thậm chí có nhiều DN còn tỏ ra chưa quan tâm hoặc chưa chú trọng đến chuyển đổi số khi cho rằng DN nhỏ ít chịu tác động từ quá trình thay đổi này.

Đối với DN SME, rào cản cho chuyển đổi số không chỉ nằm ở các yếu tố như quyết tâm của lãnh đạo, lộ trình phù hợp mà quan trọng nhất là nằm tại chi phí. Hiện chi phí ứng dụng các giải pháp công nghệ số, đặc biệt là các dịch vụ của nước ngoài đang ở mức quá cao so với tiềm lực tài chính của DN SME. Bên cạnh đó, các yếu tố về bảo mật như rò rỉ dữ liệu, lộ lọt thông tin cũng khiến nhiều DN chưa sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh của mình.

Trước thực trạng trên, ngay từ năm 2021, Bộ TT&TT và một số DN công nghệ hàng đầu trong nước đã triển khai Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx). Đây được xem là hoạt động quan trọng và cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong DN SME thông qua ứng dụng các nền tảng số Make in Viet Nam.

Ảnh minh hoạ

Tính đến hiện tại đã có hơn 318.000 DN SME được hỗ trợ chuyển đổi số thông qua Chương trình SMEdx. Đáng chú ý, con số trên đã tăng tới 760% so với 37.000 DN được tiếp cận Chương trình trong cả năm 2021. Theo kế hoạch, dự kiến đến hết năm 2022, sẽ có khoảng 360.000 DN SME được tiếp cận và tham gia Chương trình SMEdx.

Với việc sử dụng các nền tảng số qua SMEdx, DN được chuyển giao quy trình chuẩn, cho phép vừa ứng dụng công nghệ, vừa thay đổi, tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động. Các nền tảng số được tích hợp thành hệ sinh thái số đầy đủ, DN SME không cần đầu tư nhiều thiết bị, hạ tầng; thời gian triển khai nhanh, chỉ từ vài giờ đến 1 ngày là có thể áp dụng.

Về các nền tảng số Make in Viet Nam cũng đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Cụ thể, đã hình thành được hệ sinh thái nền tảng số quốc gia với 35 nền tảng, trong đó có 23 nền tảng được triển khai thực tế. Những nền tảng này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số, tạo ra hạ tầng mềm nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn. Bên cạnh đó là 182 nền tảng số từ 22 DN công nghệ đã được đăng ký nhằm hỗ trợ toàn diện quá trình chuyển đổi số.

Không chỉ có mức giá chỉ bằng 1/3, thậm chí là 1/5 so với giải pháp chuyển đổi số đến từ các DN nước ngoài, các nền tảng số Make in Viet Nam còn có nhiều chương trình hỗ trợ dành cho DN SME. Có thể kể đến như dùng thử miễn phí 6 tháng đầu, sau đó nếu ký hợp đồng 1 năm trở lên sẽ tiếp tục có 6 tháng miễn phí kế tiếp, đồng thời mức phí phải bỏ ra sẽ được hỗ trợ giảm giá 50%. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ là đơn vị hỗ trợ đầu ra, trợ giúp DN mở rộng thị trường nhằm giới thiệu sản phẩm của mình rộng rãi hơn cả ở trong nước và quốc tế.

Cũng trong năm 2022, Bộ TT&TT đã ra mắt Bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số của DN (DBI), trong đó SME là nhóm DN được đánh giá chính. Với nhiều thước đo cụ thể và chi tiết, thông qua DBI, DN SME có thể chủ động xác định tình hình chuyển đổi số của mình, qua đó nhận được tư vấn từ các chuyên gia để đưa ra lộ trình chuyển đổi số phù hợp.

Link gốc : https://vietq.vn/thuc-day-qua-trinh-chuyen-doi-so-tai-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-d203658.html

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chuyên mục Đời sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống