Là một nhân viên sáng tạo nội dung, chị Ngọc Hà (35 tuổi, TP HCM) cho biết, do tính chất công việc khiến chị gõ máy tính và di chuyển chuột suốt 8-10 tiếng mỗi ngày. "Gần đây, phần cổ tay và ngón tay của tôi thường xuyên đau, thậm chí sưng, tê. Cơn đau tay khiến tốc độ đánh máy, thao tác di chuột chậm hơn đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc", chị Hà nói.
Trong thời đại công nghệ số, tình trạng đau nhức xương khớp do sử dụng máy tính, điện thoại quá nhiều như trường hợp chị Hà ngày càng trở nên phổ biến.
Một khảo sát thực hiện trên 150 người, bao gồm cả sinh viên và nhân viên văn phòng (tuổi từ 17 đến 60 tuổi), đăng trên Tạp chí Y khoa Quốc gia Mỹ (NCBI) cho kết quả, 44.7% số người tham gia khảo sát gặp các vấn đề cơ xương khớp, chủ yếu ở 4 vị trí là lưng, cổ, vai, cổ tay/ bàn tay. Trong đó, tỷ lệ sử dụng máy tính bàn, máy tính xách tay và thiết bị di động hơn 6 giờ/ngày là 58,7%.
Dùng máy tính, điện thoại nhiều có nguy cơ mắc bệnh xương khớp. Ảnh minh họa
Tương tự, khi tiến hành khảo sát 415 sinh viên thường xuyên sử dụng máy tính, một trường đại học ở Estonia công bố rằng, 77% người được khảo sát bị đau cơ xương khớp trong suốt 12 tháng. Phổ biến nhất là đau cổ (51%), đau thắt lưng (42%), đau cổ tay/bàn tay (35%) và đau vai (30%).
Theo Ths.BS CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giống như hoạt động thể thao, thao tác gõ phím, di chuột, nhắn tin và vuốt màn hình lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ tạo ra căng thẳng quá mức lên các khớp, từ đó hình thành vi chấn thương ở sụn khớp và mô mềm xung quanh khớp. Theo thời gian, những tổn thương này sẽ kích hoạt phản ứng viêm, bào mòn sụn khớp khiến khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, cổ, vai gáy và thắt lưng bị đau, sưng, cứng, tê bì, dần dần giảm biên độ và phạm vi cử động.
Nếu không được khắc phục kịp thời, quá trình viêm có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề xương khớp nghiêm trọng như thoái hóa khớp ngón tay, viêm điểm bám lồi cầu ngoài xương cánh tay (tennis elbow), hội chứng De Quervain, hội chứng ngón tay cò súng (hay còn gọi là ngón tay lò xo) và hội chứng ống cổ tay. Phản ứng viêm tại khớp cũng làm trầm trọng thêm các triệu chứng đau, sưng tấy và tê bì ở những người có tiền sử bệnh xương khớp, điển hình là viêm khớp dạng thấp (RA), bệnh gút và bệnh Lupus ban đỏ.
Liên quan tới việc dùng máy tính, điện thoại nhiều có nguy cơ mắc bệnh xương khớp, các bác sĩ tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, dùng máy tính, điện thoại hàng ngày còn gây thoái hóa đốt sống cổ.
Cụ thể, theo nghiên cứu trên nhiều người bệnh bị thoái hóa đốt sống cổ nhận thấy, những nhân viên văn phòng ngồi máy tính nhiều, ít vận động là một trong những đối tượng hay mắc thoái hóa đốt sống cổ, vôi hóa cột sống. Việc không thay đổi tư thế góp phần làm các khớp xương cứng thêm, không còn dẻo dai, lâu dần sẽ thấy hiện tượng cứng cổ, khó xoay đầu.
Trước đây, do công việc của nhiều nhân viên phải di chuyển nên việc dùng máy tính ưu tiên hàng đầu là màn hình nhỏ gọn. Những nhân viên dùng máy tính này một thời gian tự nhiên thấy cổ cứng, đau. Nguyên nhân là máy tính màn hình nhỏ chỉ nên dùng khi phải di chuyển nhiều, nếu dùng cố định lâu dài, các cơ ở cổ phải căng giúp nhìn thuận lợi, gây bất lợi cho đôi mắt và cho cả hệ thống xương cổ.
Theo các chuyên gia, khi dùng máy tính nên chọn loại màn hình lớn, nếu sử dụng màn hình nhỏ thì nên phóng to chữ để cơ cổ không phải căng nhiều. Để chấn đoán chính xác nhất thoái hóa đốt sống cổ người ta phải chụp X-quang. Nếu thấy hình ảnh hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, mọc gai xương (mỏ xương) thì bệnh nhân đã bị thoái hóa.