Ngày 21/11, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, bước đầu tại cơ quan Công an, nữ tài xế Vũ Thị Hồng Thái (sinh năm 1972, ở phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội), người điều khiển ô tô Mercedes GLC 250 mang BKS 30G-007.85 đã khai nhận nguyên nhân gây tai nạn liên hoàn ở Hà Nội khiến một người tử vong.
Bà Thái cho biết, khoảng 7h20 ngày 20/11, bà điều khiển xe đến ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì đạp phanh khi thấy một số phương tiện phía trước.
Tuy nhiên, do bà đi giầy cao gót, lại mất bình tĩnh nên đạp nhầm chân ga làm xe Mercedes tăng tốc, lao thẳng vào dòng phương tiện phía trước, cuốn 3 xe máy, 1 xe đạp vào gầm.
Nữ lái xe Mercedes đi giầy cao gót, lại mất bình tĩnh nên đạp nhầm chân ga làm xe Mercedes tăng tốc gây tai nạn ở Lê Văn Lương. |
Đây không phải là vụ tai nạn giao thông đầu tiên liên quan đến giày cao gót. Trước đó, vào tháng 10/2018, nữ doanh nhân đã lái BWM tông 6 người thương vong ở ngã tư Hàng Xanh. Tại cơ quan công an, nữa doanh nhân khai nhận, lúc di chuyển chân từ chân ga sang chân phanh, quai của chiếc giày cao gót mà bà đang đi vướng vào chân ga. Bà liên tục cố rút chân ra nhưng quýnh quáng nên đạp chân xuống chân ga, khiến chiếc xe lao về phía trước, không kiểm soát được đã gây nên vụ tai nạn liên hoàn khiến 1 phụ nữ tử vong tại chỗ, 5 người bị thương.
Mới đây, tháng 8/2019, gần nút giao Nguyễn Trãi - Láng, một chiếc xe BMW khi đang lưu thông trên đường bất ngờ tông vào nhiều phương tiện phía trước. Tại trụ sở Công an phường Thượng Đình (Thanh Xuân), nữ tài xế này cho biết quai giày cao gót bất ngờ vướng vào chân ga khiến chiếc xe lao về phía trước đâm liên hoàn vào xe máy, xe đạp điện đang lưu thông ở phía trước. Vụ tai nạn khiến một nạn nhân bị thương nặng.
Trước đó còn nhiều vụ tai nạn khác mà theo cơ quan chức năng, nguyên nhân đều là do nữ tài xế để giày cao gót vướng vào chân ga.
Chưa có luật cấm đi giày cao gót khi điều khiển ô tô
Trước thực trạng trên, trao đổi với VietnamNet, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, trong luật Giao thông đường bộ không quy định cấm đi giày cao gót khi điều khiển ô tô. Tuy nhiên, thực tế trong đào tạo sát hạch lái xe đều có khuyến cáo tới các học viên ngay từ khi bắt đầu thực hành.
“Việc đi giày cao gót khi kỹ năng lái xe chưa thuần thục sẽ rất dễ xảy ra tai nạn. Chỉ cần luống cuống, đạp phanh, ga trật giày thì tai nạn là khó tránh. Do vậy khi học thực hành học viên đều được thầy dạy lái xe của các trường khuyến cáo”, ông Thống nói.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, bản thân người học nếu nhận thức tốt, học bài bản và nắm bắt tốt kỹ năng thì đều thấy đi giày cao gót lái xe sẽ rất nguy hiểm.
“Học viên được dạy chân chỉ nhích gót, xoay từ ga sang phanh. Việc quay gót như vậy xử lý tình huống thực tế sẽ nhanh và thuần thục. Ngược lại, nếu đi giày cao gót thường phải nhấc chân lên đạp phanh, ga nên thao tác sẽ chậm, nhiều khi thao tác không thuần thục chân phanh nhầm chân ga… rất dễ xảy ra tai nạn”, ông Thạch nói.
Ông Thạch cũng thông tin thêm, hiện tại trên thế giới chỉ có vài nước quy định lái xe không được đi giày, dép cao gót, trong đó điển hình là Úc. Còn lại đa số không quy định.
Giày cao gót thủ phạm gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. |
Tránh sử dụng trang phục gây vướng víu
Chia sẻ với báo Lao động, ông Lê Văn Tạch - kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ôtô cho rằng, một số chủ xe thường “độ” thêm các phụ kiện sẽ dẫn đến việc quá tải dòng điện trong xe và xảy ra chập cháy. Không chỉ vậy, việc đấu nối các đầu dây điện lâu ngày sẽ dẫn đến hiện tượng ôxy hoá, có thể không gây chập cháy ngay lập tức mà một thời gian sau mới gây ra sự cố.
Ngoài ra, nguy cơ cháy nổ sau va chạm giao thông giữa ôtô và xe máy là rất lớn. Bởi khi xe máy bị cuốn vào gầm thường kéo lê một đoạn dài, xảy ra hiện tượng ma sát đánh lửa kim loại và kết hợp với nhiên liệu bị rò rỉ. Do đó, dễ dàng phát ra ngọn lửa rồi bùng cháy.
Hơn nữa, người điều khiển phương tiện cũng phải có ý thức trong việc đảm bảo an toàn, tránh sử dụng trang phục gây vướng víu, ảnh hưởng đến quá trình lái xe.
“Một lỗi phổ biến của phụ nữ khi lái xe là thường hay đi giày cao gót. Hoàn toàn không nên như vậy. Bởi nguyên tắc lái xe an toàn là gót chân phải của tài xế luôn luôn chạm mặt sàn, việc chuyển đổi chân phanh hay chân ga chỉ cần xoay nhẹ cổ chân. Nhưng nếu đi giày cao gót thì không thể tiếp xúc gót chân với mặt sàn, thậm chí còn gây kẹt chân phanh, chân ga do xử lý không chuẩn” - kỹ sư Lê Văn Tạch nói.
Bên cạnh đó, kỹ sư Tạch cũng chỉ ra rằng, nhiều chị em phụ nữ lên xe là vội vàng nổ máy lái ngay. Trong khi đó, việc đầu tiên của người điều khiển trước khi lên xe là phải điều chỉnh ghế lái cho phù hợp với tầm đạp chân phanh, chân ga.
Đồng thời, chị em cần quan sát gương chiếu hậu đã thấy hết xung quanh đuôi xe chưa. Tuyệt đối không nên mang giày cao gót, hãy chuẩn bị trong xe một đôi giày đế thấp để cảm nhận được chân ga, chân phanh. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ lo sợ đen da nên đã mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang kín mít. Điều này, vô tình làm giảm góc quan sát và rất nguy hiểm.
Theo kỹ sư Tạch, nhiều chị em vừa lái xe vừa nhắn tin hoặc trang điểm luôn trên xe. Việc này rất nguy hiểm, bởi tâm lý phụ nữ thường không vững vàng như đàn ông nên khi xảy ra va chạm giao thông thường rất hốt hoảng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các vụ “xe điên” gây tai nạn liên hoàn trong thời gian qua.
Theo Nhật Hạ (t/h)/MTDT