Mỗi ngày Viwasupco "đút túi" 700 triệu đồng từ bán nước sạch
Lĩnh vực kinh doanh nước sinh hoạt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM được ví là địa hạt màu mỡ do các doanh nghiệp lớn thâu tóm, quản lý sau quá trình cổ phần hoá, chuyển giao doanh nghiệp kinh doanh nước sạch từ Nhà nước sang tay tư nhân. Thế nhưng, các doanh nghiệp tư nhân đang sản xuất, kinh doanh nước sạch ra sao, có thực sự đảm bảo an toàn chất lượng nước sinh hoạt cho người dân sử dụng hay không, lại đang đặt ra nhiều nghi ngờ? Trong khi đó, những thông tin được công bố về con số lãi siêu "khủng" của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) trong 3-4 năm gần đây lại khiến người tiêu dùng choáng váng.
Theo báo cáo thường niên, trong 4 năm gầy đây, doanh thu từ hoạt động cung cấp nước sạch cho khu vực Tây Nam Hà Nội của Viwasupco đạt hơn 1.700 tỉ đồng và lãi ròng xấp xỉ 700 tỉ đồng.
Kết quả này có được nhờ Viwasupco có thị phần kinh doanh rộng lớn với phạm vi cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội, gồm ba quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm và một số đơn vị nằm dọc hệ thống truyền tải nước Đại lộ Thăng Long. Công ty bán nước cho 13 khách hàng, trong đó 90% lượng nước bán cho 3 khách hàng lớn nhất là Viwaco, Hawaco và Công ty Nước sạch Hà Đông.
Nhờ hoạt động này, mỗi năm Viwasupco đều ghi nhận hàng trăm tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế, lãi năm sau tăng cao hơn trước. Đặc biệt, mảng kinh doanh nước sạch của công ty cũng có biên lợi nhuận gộp lên tới 57,2% trong năm 2018.
Nguồn nước bẩn màu đen hòa vào dòng kênh cấp nước của Nhà máy nước sông Đà. (Ảnh minh họa) |
Tính từ năm 2012 đến nay, doanh thu của Viwasupco đã tăng gần 1,7 lần và lợi nhuận sau thuế tăng gấp hàng trăm lần (năm 2012 công ty chỉ lãi 215 triệu đồng).
Năm 2018, Viwasupco đã bán ra 91 triệu m3 nước, đem về doanh thu 468 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế lên tới 218 tỉ đồng. Đây là mức siêu lợi nhuận của một công ty nước sạch khi cứ 2 đồng thu về, công ty lại lãi 1 đồng. Và tính chung bình, mỗi ngày công ty này lãi ròng 700 triệu đồng/ngày.
Năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu 534 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 183 tỉ đồng. Cập nhật kết quả kinh doanh 6 tháng năm nay cho thấy, tổng doanh thu đã đạt 263 tỉ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng chỉ ở mức 113 tỉ đồng. Trong khi các chi phí tài chính, chi phí bán hàng không đáng kể khiến lợi nhuận từ kinh doanh tăng lên 133 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng đạt 126 tỉ, tăng 37% so với cùng kỳ.
Dân phải gánh hộ lãi vay cho Nhà máy Nước mặt sông Đuống
Nhắm thấy lĩnh vực kinh doanh nước sạch kiếm lợi nhuận "khủng", nhiều đại gia khác cũng nhanh chân nhảy vào lĩnh vực này, đầu tư các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt quy mô lớn. Tại khu vực phía Bắc Hà Nội, Nhà máy Nước mặt sông Đuống do Tập đoàn Aqua One đầu tư, được đưa vào vận hành cung cấp nước sạch cho người dân từ tháng 9/2019. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng Bộ Xây dựng chưa hoàn thành nghiệm thu nhà máy.
Nhà máy Nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỉ đồng, công suất 300.000 m3/ngày đêm. Dự kiến nhà máy sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Đáng nói, dù chưa được nghiệm thu, Sở Tài chính Hà Nội chưa quyết toán chi phí đầu tư Nhà máy Nước sông Đuống, thì mức giá bán nước của Aqua One cho TP.Hà Nội được tạm tính là 10.246 đồng/m3, cao gấp vài lần giá nước của các nhà máy khác. Trong khi đó, thành phố đang bán nước cho dân là 5.000 đồng/m3 thì sẽ phải bù lỗ rất lớn cho mỗi m3 nước mua từ Nhà máy nước sông Đuống.
Trả lời báo Tuổi trẻ về nghi vấn Hà Nội "ưu ái" cho Aqua One về giá mua nước, bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước mặt sông Đuống khẳng định: "Chúng tôi không được ưu đãi gì cả. Nếu nói đúng ra, đáng lẽ khi Hà Nội mời chúng tôi đầu tư thì phải ưu đãi về đất khi làm dự án, nhưng thực tế thì công ty chúng tôi đã phải bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng, phải tự mang tiền đi trả cho người dân để có mặt bằng làm dự án. Vì vậy, đây là dự án chúng tôi tự hào vì còn giá trị cho nhiều đời sau mới có thể đánh giá hết được".
Theo bà Kim Liên, giá 10.246 đồng/m3 là giá TP.Hà Nội tạm tính để công ty có điều kiện để đi vay vốn ngân hàng khi mức đầu tư dự án đòi hỏi lên tới gần 5.000 tỉ đồng, trên cơ sở các nhà tư vấn đã tính toán rất kỹ cùng với thành phố Hà Nội, Sở Tài chính để đưa ra mức giá này. Hiện, giai đoạn 1 vẫn chưa xong nhưng công ty đã mời kiểm toán vào làm. Còn Sở Tài chính thì chưa vào và phải chờ cơ quan này quyết toán thì mới xác định giá bán nước chính thức.
Trước băn khoăn Nhà máy nước sông Đuống đầu tư vốn lớn, chi phí lãi vay cao nên giá thành bán nước bị đội cao và người dân mua nước phải "gánh" phần lãi vay này, bà Kim Liên cho rằng, TP.Hà Nội mua giá hơn 10.000 đồng/m3, nếu Hà Nội đang bán cho người dân giá ví như hơn 5.000 đồng/m3 thì thành phố phải bù cho người dân.
"Hà Nội hiện tạm tính cho chúng tôi hơn 10.000 đồng/m3 thì đã tính tất cả các chi phí, chỉ cho chúng tôi lợi nhuận chút ít để trả lãi cộng với vận hành nhà máy", bà Kim Liên giải thích và thừa nhận doanh nghiệp có lợi nhuận nhưng ở mức vừa đủ để "cảm thấy vui vẻ".
Tuy nhiên, giữa lúc Công ty CP nước mặt Sông Đuống của Shark Liên vướng lùm xùm giá nước được TP.Hà Nội mua cao gấp đôi so với giá nước của đối thủ cạnh tranh là Nhà máy Nước sạch sông Đà của đại gia Tuấn "Gelex" thì tối ngày 15/11, trên trang Facebook cá nhân bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) viết: "Câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Anh thời thế chiến thứ 2 Winston Churchill: "Bạn sẽ không bao giờ đạt đến đích nếu Bạn cứ dừng lại và ném đá vào mỗi con chó trên đường, chỉ vì tiếng sủa của chúng!" Câu nói hay và rất ý nghĩa mình muốn chia sẻ với cả nhà".
Thông tin chia sẻ trên Facebook cá nhân được cho là của bà Đỗ Thị Kim Liên |
Những chia sẻ cá nhân của bà Kim Liên lập tức làm "dậy sóng" cộng đồng mạng và nhận nhiều phản hồi tiêu cực, khi nhiều người cho rằng nữ doanh nhân này muốn "đáp trả" những ý kiến không đồng tình về giá bán nước của Nhà máy nước sông Đuống quá cao.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do Hà Nội phải trợ giá hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch khi mua của Công ty Nước mặt sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, khẳng định, thành phố chưa cấp bù một khoản kinh phí nào cho doanh nghiệp này và các đơn vị liên quan. Giá nước sạch sông Đuống được “tính đúng, tính đủ” theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Nhà máy Nước mặt sông Đuống. (Ảnh: Vietnamnet) |
Ngoài ra, ông Hà cho biết, lãi vay cũng ảnh hưởng đến giá thành bán nước của doanh nghiệp sản xuất. Trong đó, nhà đầu tư dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống hiện vay 80% tổng vốn đầu tư, tương ứng số tiền khoảng 3.995 tỉ đồng. Khi dự án này hoàn thành, đi vào sử dụng tính giá nước thì chi phí lãi vay sẽ phải được tính vào trong giá nước.
Cụ thể, chi phí lãi vay có hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là chi phí lãi vay trong quá trình thực hiện dự án, được tính vào trong giá thành đầu tư dự án và được vốn hóa vào tổng chi phí dự án. Còn sau khi nhà máy đi vào hoạt động, phần vốn vay công ty phải trả hàng năm, lãi vay ấy được tính vào trong giá thành.
“Theo báo cáo của công ty thì riêng phần chi phí lãi vay ở đây khoảng 20%, tức rơi vào khoảng hơn 2.003 đồng trong mức giá tạm tính 10.246 đồng/m3”, ông Hà nói.
Sự cố nước sạch nhiễm dầu bẩn của Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà xảy ra khiến hàng vạn người dân Thủ đô phải sống trong trạng thái hoang mang, lo lắng khi phải dùng nguồn nước không đảm bảo chất lượng, cuộc sống bị đảo lộn và gánh chịu thiệt hại không hề nhỏ. Để phòng ngừa, người dân phải tự mua nước đóng bình về để phục vụ sinh hoạt, lắp đặt thiết bị lọc nước để có nước sạch sử dụng. “Hàng năm, nước bẩn giết nhiều người hơn cả chiến tranh và các hình thức bạo lực khác cộng lại. Nói một cách thẳng thắn, ô nhiễm nước ảnh hưởng đến tính mạng con người thế nhưng tôi không hiểu vì sao Công ty CP Đầu tư Nước sạch Sông Đà vẫn tiến hành sản xuất và cấp nước về Thủ Đô trong khi đã biết trước nước bị ô nhiễm. Theo tôi đó là một sự vô cảm, là thiếu trách nhiệm trầm trọng, coi thường tính mạng sức khỏe người dân” - Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ với Báo điện tử VOV. |
Người dân xếp hàng chờ lấy nước sạch về dùng. (Ảnh minh họa) |
Trao đổi với Báo Tiền phong, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nêu vấn đề: “Việc Hà Nội đề xuất mua nước sạch sông Đuống giá cao đang đặt ra rất nhiều vấn đề về tính công khai, minh bạch. Thứ nhất, Hà Nội phải trả lời rõ cho dư luận biết về những căn cứ để đưa ra mức giá tối đa 10.000 đồng/m3. Thứ hai, cũng là tư nhân nhưng vì sao giá nước sông Đà chỉ có hơn 7.000 đồng/m3 đã có lãi, mà sông Đuống lại cao hơn? Có ưu ái gì ở đây không? Còn nếu nói sông Đuống “sạch” hơn nên giá phải cao hơn sông Đà thì dựa trên căn cứ nào? Tất cả những cái này, Hà Nội phải trả lời một cách rõ ràng, minh bạch, chứ không thể chung chung được”.
Trong khi người dân những khu vực chịu ảnh hưởng bởi sự cố nước bẩn do Viwasupco cung cấp còn chưa được đền bù và vẫn còn lo lắng... thì nay, những cư dân khác đang phải đối mặt với giá nước cao khi phải gánh lãi vay hộ doanh nghiệp. Phải chăng nhóm lợi ích nào đang "ẩn mình" trong dự án nước sạch với thế kinh doanh độc quyền, thao túng giá nước sạch?