Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 06/12/2024

Chùa Địa Ngục Tam Đảo ở đâu? Chùa Địa Ngục có từ bao giờ?

Theo SKCĐ 15:17 23/09/2019

Được coi là ngôi chùa cổ nhất của thiền phái Tây Thiên tại Việt Nam, chùa Địa Ngục không chỉ trở thành điểm đến tâm linh mà còn là địa điểm du lịch khám phá.

Chùa Địa Ngục ở đâu?

Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 40km, chùa Địa Ngục nằm sâu trong rừng quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ngôi chùa ẩn hiện trong rừng trúc âm u, sương sớm bảng lảng từ sáng sớm đến chiều tối trở thành địa điểm du lịch bụi được nhiều người lựa chọn.

Để đặt chân đến ngôi chùa này, nhất định sẽ phải đi qua khu rừng với tên gọi ma quái - Rừng ma áo dứa. Con đường vào rừng là một lối mòn hun hút, xanh cây, không khí thì lãng đãng sương, gió thổi lạnh qua từng kẽ tóc.

Nằm giữa đại ngàn núi rừng Tam Đảo, chùa Địa Ngục trở thành điểm đến tâm linh của nhiều du khách.

Con đường từ cửa rừng đi vào dài khoảng 4km nhưng càng sâu càng hẹp, có chỗ hẹp nhất chỉ còn khoảng 1 mét, hoàn toàn là đường mòn. Đi sâu vào rừng là đường lên núi, dốc dựng đứng, khoảng 1 cây số là 2 con dốc. 25 cây số là 50 con dốc. Nhiều đoàn người lên chùa Địa Ngục phải quay về mệt và chân bỏng rộp.

Băng qua rừng trúc là đến với rừng của những gốc cây cổ thụ lâu năm. Qua hết những con đường xanh mê mải của trúc, lại đi tiếp đến những lối đi đầy những thân cây cao lớn, gốc đã già và lâu năm.

Bước chân lạo xạo trên lá khô, tiếng chim hót vang khắp bốn bề, tiếng ve rừng râm ran đan xen, tiếng suối chảy róc rách,... Ngôi chùa ẩn hiện trong rừng trúc âm u, sương sớm bảng lảng từ sáng sớm đến chiều tối trở thành địa điểm du lịch bụi được nhiều người tìm đến khám phá.

Đến con dốc thứ 49 thì chùa Địa Ngục hiện ra. Đó là một chiếc lán dựng tạm trên nền gạch đổ nát được bao quanh bởi rừng cây âm u. Nếu không thấy tiếng tụng kinh chắc không ai nghĩ đó là chùa.

Ngay cái tên “chùa Địa Ngục” đã mang đến cho mọi người cảm giác một nơi đầy sự bí ẩn, chút liêu trai và chút hoang mang. Đúng như tên gọi khiến người nghe phải “dựng tóc gáy”, con đường dẫn vào Địa Ngục Tự rậm rạp cây cối, đặc biệt là những cây cổ thụ to.

Chùa Địa Ngục có từ bao giờ?

Nhà sử học Lê Quý Đôn, “nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến”, đã từng nhắc tới chùa Địa Ngục trong các công trình nghiên cứu của mình. Ông viết, chùa Địa ngục là một ngôi chùa vuông vắn, cao hơn một trượng, tường nhà toàn bằng đá, cửa hai bên khóa chặt bằng khóa sắt, bên trên có viên đá khắc chữ triện “Địa ngục tự” (chùa địa ngục). Chùa Địa Ngục trong hình dung của Lê Quý Đôn là một ngôi chùa bí ẩn, không biết xây dựng từ khi nào, không biết ai cai quản, cứ nằm chìm khuất sau những tầng tầng lớp lớp sương giăng kỳ ảo nơi miền sơn cước Tam Đảo – Vĩnh Phúc.

Trong sách Kiến văn Tiểu lục, nhà sử học Lê Quý Đôn có nhắc đến Địa Ngục tự: “Chùa vuông vắn, phỏng hơn một trượng, tường nhà toàn bằng đá, cánh cửa hai bên khóa chặt lại bằng khóa sắt bên trên có viên đá khắc chữ triện là: “Địa ngục tự” (chùa địa ngục) không biết xây dựng từ thời nào?”.

Cùng với các danh thắng khác như suối Bạc, khe Giải Oan, chùa Tây Thiên, chùa Đổng Cổ, Đền Bà chúa Thượng ngàn hợp thành vùng đất linh thiêng núi Tam Đảo.

Tác giả Thích Kiến Nguyệt trong tài liệu "Tây Thiên - Chiếc nôi của Phật Giáo Việt Nam" cũng đã khẳng định: "Tây Thiên phát xuất từ ý nghĩa nơi các nhà sư "Tây Thiên" từ Ấn Độ đến tu hành. Vì theo trong kinh từ Tây Thiên chỉ cho nước Ấn Độ, cũng như từ Đông Độ chỉ cho nước Trung Hoa".

Tác giả Thích Kiến Nguyệt cũng cho rằng: "Chùa Địa Ngục là một trong những chùa cổ nhất của thiền phái Tây Thiên tại Việt Nam".

Theo nghiên cứu của nhiều nhà sử học, chùa Địa Ngục là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất của thiền phái Trúc Lâm Tây Thiên – một trong những dòng thiền hình thành từ đời nhà Trần.

Sâu xa hơn, chùa Địa Ngục được hình thành từ thời Lĩnh Nam (một vùng đất trong truyền thuyết, bao trọn gồm phía Nam Trung Quốc và khu vực Bắc Bộ Việt Nam ngày nay, xuất hiện trong khoảng thời gian thời Hồng Bàng và thời nhà Triệu nước ta). Lĩnh Nam là một mảnh đất chứa đựng nhiều điều huyền bí, là nơi ra đời của rất nhiều những hình thức tôn giáo khác nhau. Theo truyền thuyết, chùa Địa Ngục (hay Địa Ngục tự) còn có tên gọi là Niết Bàn tự. Nói cách khác, đi về cõi chết chính là đi về cõi niết bàn, bỏ đi những vương vấn, hỷ nộ ái ối nơi trần thế xô bồ. Đằng sau sự tích chùa Địa Ngục cũng là cả một câu chuyện mang nhiều tính ẩn ý, chứa đựng sự huyền bí kích thích trí tò mò của du khách gần xa.

Những câu chuyện xung quanh chùa Địa Ngục

Theo ghi nhận của PV Phật Giáo, Anh Nguyễn Văn Tú, người Lập Thạch, một công nhân xây dựng bị tai nạn tật một chân, ở lại trông chùa cho hay "Tớ chưa được tu chính thức. Chỉ ở lại trông chùa giúp sư trụ trì (sư thầy Thích Thanh Toàn) thôi. Nhưng vẫn phải ăn chay và lo nhang khói khi sư thầy vắng nhà", anh Tú cho biết.

"Đừng tưởng trên núi không có ao. Chiếc ao rộng hàng nghìn mét, nước xanh, sâu thẳm. Xung quanh là những bụi dứa dại gọi là dứa ma mọc um tùm. Trên ao mười mét, lúc nào cũng có mây mù giăng kín, mưa rơi không ngớt. Ao được một nhóm thợ săn bản địa phát hiện từ lâu nhưng chỉ còn một người thoát ra được kể lại câu chuyện..." - Anh Tú mở lời.

Theo lời anh Tú, mấy chục năm trước, khi rừng Tam Đảo vẫn chưa là vườn Quốc gia, người dân quanh vùng vẫn vào rừng đốn củi, săn bắt. Nghi rừng có hổ, một nhóm thợ săn lần theo dấu chân tìm đến một chiếc ao. Họ nằm mai phục chờ con hổ ăn mồi khát nước tìm đến. Một ngày, hai ngày, ba ngày, hổ vẫn không xuất hiện trong khi cơm nắm chỉ còn những hạt cuối cùng.

Nhưng khi tìm ra, đi theo những dấu buộc lại trên thân cây từ trước nhưng kỳ lạ thay, đi cả ngày mà vẫn quay lại chỗ cũ. Mòn mỏi, đói khát những người thợ săn thiếp dần cạnh những bụi dứa.

Vợ những người thợ săn phát hiện ra chồng mình không về nhà đổ xô đi tìm. Đề phòng lạc, những người vợ đã ròng dây từ chân núi đi lên. "Cả nhóm thợ săn chỉ còn đúng một người tóc tai bù xù như người rừng hóa điên, hóa dại. Tất cả những người còn lại đều không thấy dấu vết. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng vẫn có người bị lạc không về. Người trong chùa vẫn nghe thấy những tiếng hú trong đêm khuya, không rõ của ma hay người đi lạc!", Anh Tú nói...

Người chấp tác lặng lẽ bỏ thêm củi vào bếp, tiếp lời: "Cách đây chưa lâu, hai người nước ngoài cắt rừng đi vào trong núi. Mê cung của “rừng ma ao dứa” lại không cho ra. Tín hiệu cấp cứu liên tục phát ra và chỉ đến khi hàng chục cán bộ vườn Quốc gia tỏa đi tìm kiếm mới thoát nạn.

Cũng tại họ vào rừng với ý không tốt. Họ đem theo những thiết bị dò tìm khoáng sản quý. Đến khi ra đến cổng rừng mà đôi mắt của họ vẫn lạc thần".

Theo một người dân làm công quả ở chùa cho biết, chùa Địa Ngục được sư thầy trụ trì Thích Thanh Toàn tìm ra từ năm 2008. Từ đó đến nay, sư thầy chỉ một tháng hai lần vào thỉnh kinh còn trông chùa lo nhang khói chính vẫn là những người làm công quả.

Người này cũng cho biết, chuông chùa Địa Ngục chỉ vang lên 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng sớm và chiều. Chuông chùa có trọng lượng 2,2 tấn, một trong những chiếc chuông lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Người chấp tác nói chuông chùa Địa Ngục chỉ vang lên hai lần mỗi ngày vào 19h và 5h . Chuông chùa có khối lượng 2,2 tấn, một trong những chiếc chuông lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Đánh chuông, thỉnh kinh xong, người chấp tác tuổi chỉ tầm hai mươi khẽ đọc bài thơ trên đại hồng chung: "Nghe chuông phiền não tan mây khói/ Giác ngộ tâm từ một hướng đi"...

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/chua-dia-nguc-tam-dao-o-dau-chua-dia-nguc-co-tu-bao-gio-d62038.html

Bạn đang đọc bài viết Chùa Địa Ngục Tam Đảo ở đâu? Chùa Địa Ngục có từ bao giờ? tại chuyên mục Đời sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống
Ngày 21/9, Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, sẽ tiến hành thu phí qua hầm Hải Vân kể từ ngày 27/9. Tuy nhiên, mức thu phí sẽ thấp hơn mức quy định cho phép tại hợp đồng dự án.
Đồ ăn chay hiện đã trở thành thực đơn được ưa chuộng trong văn hóa ẩm thực của người Việt, và cũng được xem là một trong những sự lựa chọn cho sức khỏe khi mà thực phẩm bẩn đang tràn lan tại các chợ.