Thời gian gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) liên tục đưa ra cảnh báo về việc xuất hiện các bản tin, phóng sự giả, mạo danh các chương trình của VTV. Những clip này thường được tung lên mạng xã hội, các website bán hàng nhằm lừa dối và trục lợi người tiêu dùng.
Theo tìm hiểu của Pháp luật Plus, trên mạng xã hội của hai nhãn hàng thực phẩm chức năng An phụ khang An Châu và Phương Đông Đại Tràng đều cắt ghép, thêm thắt nội dung quảng cáo sản phẩm vào chương trình gốc của VTV. Từ đó thay đổi bản chất từ một chương trình chính luận thành một bản tin quảng cáo cho hai sản phẩm này nhằm trục lợi.
Trên mạng xã hội về sản phẩm An phụ khang đã đăng tải clip chỉnh sửa nội dung bản tin của VTV. |
Theo bản gốc, chương trình Y tế 24h phát sóng lúc 13h00 ngày 26/7/2020 trên kênh VTV1 đưa tin về Hội thảo ứng dụng hoạt chất Pregnenolone tổng hợp từ Diosgenin trong củ mài đắng hỗ trợ và điều trị u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u tuyến vú lành tính ở nữ giới.
Nội dung tin do BTV đọc nêu rõ: “U xơ tử cung, u nang buồng trứng, u tuyến vú lành tính là căn bệnh do sự cường Strogen gây ra. Phụ nữ sau tuổi dậy thì đều có nguy cơ mắc phải.
Mới đây, tại Hội thảo ứng dụng hoạt chất Pregnenolone tổng hợp từ Diosgenin trong củ mài đắng vào phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các căn bệnh trên ở nữ giới, các chuyên gia đã chỉ ra rằng việc bổ sung Pregnenolone giúp cân bằng nội tiết progesterone và strogen ở nữ giới, qua đó giúp hình thành và kìm hãm sự phát triển của các khối u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u tuyến vú lành tính ở nữ giới.
Đoạn clip được chèn thêm nhưng vẫn gắn logo và các hiệu ứng khác trên màn hình của VTV. |
Sự kết hợp của trinh nữ hoàng cung, xạ đen, curcumin ở dạng nano và tam thất cũng có khả năng làm mềm khối u, cắt nguồn nuôi khối u và hỗ trợ tiêu diệt tế bào khối u lành tính.”
Một tin hội thảo chỉ vẻn vẹn hơn 30 giây trên sóng Truyền hình Quốc gia với những hình ảnh được quay tại cuộc hội thảo.
Tuy nhiên, clip này đã được “nhào nặn”, “nhồi nhét” thêm nội dung cho bản tin với thời lượng dài hơn trước khi được đăng tải lên mạng xã hội.
Những hình ảnh và nội dung không có trên bản gốc của VTV. |
Đặc biệt, clip ngang nhiên chèn đoạn phỏng vấn Bác sĩ Lê Thế Vũ, Trưởng khoa C3 - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội PR giới thiệu về sản phẩm An phụ khang và An phụ khang Plus của Công ty CP Dược phẩm An Châu và hình ảnh quay sản phẩm:
“Sản phẩm An phụ khang An Châu và An phụ khang Plus, đó là những sản phẩm hỗ trợ và điều trị trong u xơ và u nang rất là tốt. Chính vì nó có hoạt chất Pregnenolone lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam được chiết xuất từ củ mài đắng và phối hợp với các thảo dược quý như trinh nữ hoàng cung, xạ đen, nó có tác dụng hợp đồng để hạn chế phát triển khối u, tránh sự phát triển ung thư.”
Trên trang quảng cáo của sản phẩm Phương đông Đại tràng cũng cắt ghép nội dung bản tin Y tế 24h của VTV. |
Dù được cắt ghép nhưng clip đã được xử lí rất tinh vi, sử dụng một giọng nữ khác để đọc thay thế lời của BTV VTV. Tuy nhiên, logo của kênh truyền hình và những hiệu ứng, kỹ xảo trên màn hình vẫn được giữ nguyên, nếu khán giả không được xem và so sánh với chương trình gốc thì khó mà phát hiện.
Tương tự, tại Chương trình Y tế 24h ngày 1/8 trên VTV1, đã giới thiệu về công trình nghiên cứu của PGS.TS.BS Trần Văn Tuấn về Ứng dụng dược liệu dân gian trong hỗ trợ điều trị viêm đại tràng.
Nhưng clip đã được xử lí lại, biên tập, cắt ghép lời của MC và cho đọc lại để khéo léo chèn nội dung dung quảng cáo sản phẩm Phương đông Đại tràng vào trong clip.
Được biết, hai sản phẩm trên của Công ty CP Dược phẩm An Châu, có địa chỉ tại Số nhà 87, TT12 khu đô thị Văn Phú, Phường Phú La, Quận Hà Đông, Hà Nội. Người đại diện theo Pháp luật là ông Ngô Thanh Hải.
Tại bài viết “Lợi dụng hình ảnh MC của VTV để trục lợi” trên báo điện tử VTV nêu rõ: Theo quy định của pháp luật, mọi hành vi sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại mà không được sự đồng ý sẽ là vi phạm pháp luật. Ngoài mức phạt tiền, người vi phạm còn buộc tháo gỡ quảng cáo, thậm chí là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Nhiều luật sư cho rằng, việc tạo dựng lời dẫn của biên tập viên, gắn logo mạo danh đài truyền hình để quảng cáo là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính. Nếu người quảng cáo gây ảnh hưởng dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng thì còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
Về phía khách hàng, trong trường hợp sau khi xem đoạn quảng cáo và tìm đến mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ ở những nơi quảng cáo sai sự thật với số tiền lớn, họ có thể làm đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức đó gửi cơ quan công an.
Xuân Thái/PLVN