Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Dịch Covid-19 bùng phát đã làm nền nông nghiệp phía Nam gặp khó ra sao?

DOANH NHÂN VIỆT NAM 09:05 27/07/2021

16 tỉnh miền Nam phải giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg làm nhiều sản phẩm nông nghiệp gặp khó trong quá trình tiêu thụ, vận chuyển giữa các địa phương.

Giết mổ gia cầm điêu đứng, không tiêu thụ được phải đem tiêu hủy

Theo phản ánh của báo Vietnamnet thì một chủ trại chăn nuôi gia cầm lớn tại tỉnh Đồng Nai cho biết thống kê thì mỗi ngày người này phải chứng kiến số lượng gà chết: Trại 1, 26 con chết. Trại 2, 50 con chết. Trại 3, 44 con chết. Trại 4, 79 con chết. Trại 5, 120 con chết,...

Hiện tại, số gà công nghiệp nuôi không thể xuất chuồng đem bán, kẹt cứng. Theo người chủ trại trả lời với phóng viên thì trớ trêu thay, ở điểm nguồn cung thịt dồi dào nhưng đầu ra không ai mua do khâu giết mổ đã bị đứt gãy.

Bối cảnh các trung tâm giết mổ gia cầm lớn phải dừng hoạt động để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Các lò mổ nhỏ, vệ tinh không hoạt động hết công suất hoặc công suất thấp khiến hàng vạn con gà không ai mua vì thiếu nơi sơ chế đủ sức tải.

Gà chết không tiêu thụ được. Ảnh: Vietnamnet

Tp.HCM rồi đến Đồng Nai, Bình Dương và sau đó là 16 tỉnh, thành khác ở khu vực phía nam hình thành chuỗi phong tỏa đang có tác động lớn tới chăn nuôi gia cầm.

Nhiều hộ nông dân phải chịu lỗ hàng tỷ đồng bởi lượng tiêu thụ gia cầm giảm - đó là lời của ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai trả lời trước báo giới. Giá gà tại trại giờ còn 6.000-7.000 đồng/kg mà chưa chắc đã có thương lái xuống mua vì khó khăn trong khâu vận chuyển. Trong khi giá thành chăn nuôi hiện nay đã khoảng 28.000-29.000 đồng/kg.

Nghịch lý tiếp tục nảy sinh khi hiện tại giá xuống quá thấp nên nhiều hộ chăn nuôi không muốn bán ra, chờ đợi diễn biến giá mới bất chấp việc giá thịt gà trên TP.HCM vẫn 50.000-60.000 đồng/kg.

Nông sản miền Tây khốn khổ bởi giá thu mua thấp

Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết trong vụ rau màu hè thu 2021, nông dân trong tỉnh xuống giống gần 14.000 ha. Đến thời điểm này đã thu hoạch 7.276, còn hơn 6.700 ha rau màu như bắp, dưa hấu, sen và rau ăn lá các loại đang trong giai đoạn thu hoạch hoặc chuẩn bị thu hoạch trong giai đoạn tới.

Hiện tại, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên trong thời gian đây giá mặt hàng các loại ra, củ, quả giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Một số mặt hàng chủ chốt đem lại nguồn thu cho người nông dân bị xuống giá như: ớt 16.000 đồng/kg, củ cải 3.000 đồng/kg, hành lá 12.000 đồng/kg, khoai môn 17.000 đồng/kg, khoai lang có giá 1.000 đồng/kg, chanh 4.000 đồng/kg.

Theo phản ánh của báo Thanh Niên, các thương lái thông tin rằng việc vận chuyển lên Tp.HCM bị kiểm tra khó khăn nên phải chuyển hướng sang cung cấp cho một số tỉnh khác như An Giang, Kiên Giang. Hằng ngày, thương lái đi mua nông sản bỏ mối cho nhiều trung gian. Thực tế, khi hàng đến tay người tiêu dùng ít nhất 4 - 5 cấp. Ngoài ra, thời gian này chi phí vận chuyển lên Tp.HCM đang có xu hướng tăng giá hơn hẳn.

Các tỉnh miền Tây đang bước vào thời kỳ thu hoạch nhã. Ảnh: Báo Pháp Luật Tp.HCM

Hiện tại nông sản trên tỉnh Đồng Nai vẫn còn rất lượng nông sản bị ách, chưa tiêu thụ được. Tỉnh này kết nối với ngành chức năng TP.HCM để hỗ trợ cho 600 phương tiện vận tải có mã QR để có "luồng xanh" để nhanh chóng qua các Chốt kiểm soát dịch Covid-19, gỡ khó trợ giúp nông dân tiêu thụ nông sản mùa dịch.

Không chỉ rau củ mà trái cây tại miền Tây cũng đang bị dịch bệnh cản trở sức tiêu thụ. Hiện tại, nhiều vùng trồng hoa quả đã bị phong tỏa khiến việc thu hoạc và vận chuyển trở nên hết sức khó khăn. Vụ mùa nhãn ở Đồng Tháp, Bến Tre đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các thương lái cũng tiết lộ thêm, giá trái cây đã giảm mạnh, có loại còn giảm đến 90% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhãn xuồng cơm vàng tại nhà vườn ghi nhận mức giá 6.000 - 7.000 đồng/kg (cùng thời điểm năm trước là 30.000 - 40.000 đồng/kg); mít Thái chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg (cùng kỳ năm 2020 là 30.000 - 35.000 đồng/kg), chôm chôm Java 6.000 đồng/kg (thời điểm năm ngoái dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg); chôm chôm Thái 12.000 -13.000 đồng/kg (cùng thời điểm năm trước 40.000 - 45.000 đồng/kg) tùy loại.

Giải pháp nào để gỡ khó cho người nông dân?

Theo các chuyên gia, các tỉnh miền Nam có thể học tập kinh nghiệm từ việc tiêu thụ trái vải Bắc Giang. Thứ Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, các địa phương nên chủ động phối hợp với trung ương thì điểm nghẽn sẽ được tháo gỡ. Vì vậy, ông Tiến cho rằng các loại nông sản khác ở Tp.HCM và các tỉnh ĐBSCL cũng vậy, cần được đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ

"Ví dụ như thông qua các sàn thương mại điện tử, giao thương trực tuyến… Qua đó để xử lý kịp thời lượng nông sản đang tới vụ thu hoạch, đảm bảo được chất lượng và giá cả cho bà con nông dân", vị thứ trưởng trả lời với báo giới.

Hiện Bộ NN&PTNT cũng lập tổ công tác tại Tp.HCM. Với nhiệm vụ nắm bắt tình hình, sau đó sẽ đề xuất những giải pháp, kiến nghị kịp thời tháo gỡ khó khăn trong khâu sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản lên các cơ quan trung ương.

Tổ công tác cũng đề nghị bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo làm ngay việc đưa hàng hóa là giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp vào danh mục hàng hóa thiết yếu. Trên thực tế từ lúc giãn cách một số tỉnh phản ánh việc vận chuyển cây con giống, vật tư đầu vào qua các chốt kiểm duyệt gặp khó khăn, gây bất ổn trong việc duy trì sản xuất, đảm bảo sản lượng nông sản cung cấp cho thị trường ổn định, lâu dài.

Bên cạnh đó cần tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho lực lượng lao động có đăng ký danh sách tham gia thu hoạch, vận chuyển lúa hè thu năm 2021 cho các thương lái, doanh nghiệp. Các tỉnh miền Tây hiện tại cũng có văn bản kết nối với các địa phương, vùng miền tạo điều kiện cho con người, phương tiện vận chuyển nông sản của tỉnh đi qua địa bàn, đến nơi tiêu thụ trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/dich-covid-19-bung-phat-nen-nong-nghiep-phia-nam-gap-kho-35934.html

Bạn đang đọc bài viết Dịch Covid-19 bùng phát đã làm nền nông nghiệp phía Nam gặp khó ra sao? tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội