Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật BVMT) đã được Quốc hội thông qua. Lần đầu tiên xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm của Luật là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và thay đổi phương thức quản lý, cắt giảm thủ tục hành chính...
Theo đó, Luật BVMT gồm 16 chương 171 điều, quy định về hoạt động BVMT; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động BVMT. Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời. Cùng với đó, Luật này đã quy định cụ thể 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động BVMT.
Các thông tin liên quan về vấn đề môi trường sẽ được công khai minh bạch từ các cơ quan chức năng và doanh nghiệp. |
Để Luật BVMT 2020 được triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, chuyên gia có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hiện Dự thảo đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến góp ý. Được biết, Dự thảo này gồm có 13 chương 197 điều.
Đối với Dự thảo Nghị định này, một trong những điều người dân quan tâm là việc công khai, minh bạch các thông tin về môi trường. Bởi đây là một trong những điểm mới trong Luật BVMT 2020.
Dự thảo Nghị định quy định, các chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có trách nhiệm công khai kết quả quan trắc chất thải; báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định, giấy phép môi trường (trừ các thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật).
Chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại có trách nhiệm công khai thông tin về loại, số lượng chất thải nguy hại thu gom, xử lý, phương pháp xử lý; thông tin về tên, địa chỉ chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý và các thông tin về môi trường khác.
Những thông tin này phải được đăng trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, hoặc công khai tại trụ sở UBND nơi dự án hoặc cơ sở triển khai, hoạt động. Thông tin phải được công khai chậm nhất không quá 5 ngày sau khi có kết quả quan trắc, quyết định phê duyệt của cơ quan chức năng...
Đồng thời, cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường cũng phải công khai quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường, giấy phép môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm công khai kết quả quan trắc, chất lượng môi trường đất, không khí, nước mặt, trầm tích, môi trường thuỷ sinh của nguồn nước mặt. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm công khai thông tin về các nguồn thải vào môi trường nước mặt và các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh, thành. Cơ quan quản lý môi trường các cấp có trách nhiệm công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường; thông tin về sự cố môi trường (thời điểm bắt đầu và kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường và giai đoạn phục hồi môi trường; thông tin cập nhật về sự cố môi trường)...
Liên quan đến việc công khai đánh giá tác động môi trường cũng từng được rất nhiều chuyên gia quan tâm. TS Hoàng Dương Tùng - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) từng khẳng định, quy định phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường dù đã có trong Luật Bảo vệ môi trường 2014, nhưng chưa có quy định thời điểm công khai, hình thức công khai, dẫn đến chuyện "tránh, né", nói "tôi chưa công khai chứ không phải không công khai", 10 năm nữa mới công khai vẫn không sai.
TS.Hoàng Dương Tùng trao đổi thêm, chuyện "tránh, né" công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, đặc biệt là những dự án có tác động lớn về môi trường, khiến cộng đồng, các chuyên gia và xã hội thiếu thông tin để giám sát.
Cùng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên ĐBQH, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng người dân cần được cập nhật để giám sát môi trường, cần đầu mối chịu trách nhiệm cung cấp thông tin chất lượng và kịp thời, bởi nếu việc cung cấp thông tin quá muộn thì sẽ không còn tác dụng.
Trao đổi với Phóng viên Kinh tế Môi trường, Luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, trước Luật BTMT 2020, việc công khai thông tin môi trường được đã được quy định tại Điều 131 Luật bảo vệ môi trường 2014. Theo đó, thông tin môi trường phải được công khai gồm: Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải; Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; Các báo cáo về môi trường; Kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường.
“Các thông tin quy định tại khoản này mà thuộc danh mục bí mật nhà nước thì không được công khai. Ngoài ra, hình thức công khai phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin. Cơ quan công khai thông tin môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin”, Luật sư Hùng nói.
Cũng theo Luật sư này, công khai thông tin về quy hoạch bảo vệ môi trường được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 18/2015/NĐ-CP.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường