Rừng nhiệt đới đang bị tàn phá nghiêm trọng
Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng đây là hệ lụy của tình trạng phá rừng - môi trường sống của các loài động, thực vật hoang dã.
Rừng bao phủ 1/3 diện tích đất liền trên Trái Đất, cũng là nơi cư trú của 80% các loài động, thực vật hoang dã trên cạn. Rừng và các sinh vật rừng cung cấp những dịch vụ hệ sinh thái và các nguồn tài nguyên cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu và có thể được định giá hàng nghìn tỉ USD.
Trong bối cảnh tốc độ phá rừng nhiệt đới trên Trái Đất đang tăng nhanh dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, một nghiên cứu mới công bố cho thấy diện tích rừng nguyên sinh bị đốt hoặc chặt phá trong năm 2020 tương đương diện tích Hà Lan.
Bên cạnh đó, việc con người hủy hoại gần 70% diện tích rừng nhiệt đới nguyên sinh trên thế giới đang khiến cho tình trạng "vùng đệm tự nhiên" ngăn chặn biến đổi khí hậu nhanh chóng biến mất.
Nạn phá rừng Amazon ở bang Mato Grosso, Brazil. (Ảnh: Phys) |
Theo báo cáo dựa trên dữ liệu vệ tinh của Tổ chức Theo dõi rừng toàn cầu, Brazil là nơi chịu thiệt hại nặng nhất, diện tích rừng bị phá hủy tại nước này cao gấp 3 lần so với quốc gia xếp thứ hai là CHDC Congo. Trong năm 2020, có tới 4,2 triệu hecta rừng nguyên sinh tại các vùng nhiệt đới bị phá hủy, cao hơn 12% so với năm trước đó. Tính tổng cộng trong năm 2020 các khu vực nhiệt đới đã bị mất 12,2 triệu hecta diện tích cây xanh, bao gồm các khu rừng và đất trồng cây, chủ yếu do hoạt động nông nghiệp.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh việc phá hủy các khu rừng nguyên sinh nhiệt đới trong năm 2020 đã thải ra 2,64 tấn CO2, tương đương lượng khí thải hằng năm của Ấn Độ, hay của 570 triệu ô tô, hoặc gấp đôi lượng khí thải của toàn bộ xe đang lưu thông tại Mỹ.
Đặc biệt, chỉ tính riêng trong tháng 5/2021, diện tích rừng Amazon tại Brazil bị tàn phá đã lên tới 1.180 km2, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức kỷ lục theo tháng được ghi nhận. Cũng trong 5 tháng đầu năm 2021, nạn phá rừng lấy gỗ và dành đất cho các hoạt động nông nghiệp đã khiến khu vực rừng rậm Amazon mất khoảng 2.337 km2 diện tích - một con số đáng báo động hiện nay.
Tăng cường gìn giữ, bảo vệ rừng
Rừng nhiệt đới rất quan trọng đối với sự tồn tại của sự sống trên Trái Đất. Chúng không chỉ cung cấp nguồn nước ngọt mà còn hấp thụ carbon dioxide, ổn định các mô hình khí hậu và là nơi cư trú của một nửa số loài động thực vật trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi phút, chúng ta mất đi 40 sân bóng đá trong rừng nhiệt đới, điều này đe dọa sự đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến sức khỏe của hành tinh này. Phá rừng gây ra 15% lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu - nhiều hơn so với tổng số ô tô ở Hoa Kỳ và Trung Quốc cộng lại.
Do đó, bảo vệ và phục hồi rừng là hoạt động quan trọng để hạn chế biến đổi khí hậu. Hậu họa của việc phá hủy rừng hoàn toàn sẽ dẫn tới một cuộc biến đổi không chỉ trong phạm vi khu vực mà trên toàn cầu về mức độ gia tăng hiệu ứng nhà kính.
Trước thực trạng trên, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi toàn thế giới chung tay phục hồi lại những cánh rừng đã mất.
Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia chung tay chung tay phục hồi lại những cánh rừng đã mất. (Ảnh minh họa) |
Sáng kiến quốc tế “Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng” (REDD+) cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính gây nên biến đổi khí hậu, thông qua 5 hoạt động chính: Hạn chế mất rừng; hạn chế suy thoái rừng; bảo tồn trữ lượng carbon rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; tăng cường trữ lượng carbon rừng. Ý tưởng của REDD+ là: Các nước đang phát triển giảm tỉ lệ mất rừng và suy thoái rừng để được nhận thù lao về mặt tài chính từ quỹ toàn cầu do phía các nước phát triển đóng góp. Mục tiêu của REDD+ không chỉ nhằm giảm phát thải khí nhà kính mà còn cung cấp nhiều lợi ích khác như: Giảm nghèo, phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học…
Mới đây, Tổ chức Ngày Rừng nhiệt đới thế giới vừa tổ chức 3 ngày liên tục kỷ niệm Ngày Rừng nhiệt đới thế giới năm 2021, nhằm mục đích vận động và truyền cảm hứng đến mọi người trên toàn thế giới cùng suy ngẫm, có những hành động thiết thực để bảo vệ các cánh rừng nhiệt đới trên toàn thế giới ngay từ bây giờ.
Ngày Rừng nhiệt đới thế giới đầu tiên được tổ chức Rainforest Partnership phát động vào ngày 22/6/2017 là một dịp để tôn vinh nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này, như một nỗ lực hợp tác nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động để bảo vệ các khu rừng nhiệt đới của thế giới.
Ngoài ra, Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận vai trò quan trọng của người dân bản địa trong việc giữ gìn rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng nhiệt đới. Theo đó, các dân tộc bản địa gắn bó với châu Mỹ Latinh cho đến nay vẫn là những người bảo vệ rừng tốt nhất trong các khu vực, với tỉ lệ phá rừng trên lãnh thổ thấp hơn tới 50% so với các nơi khác. Trong khi diện tích rừng nguyên sinh chỉ giảm 5% giai đoạn 2000-2016 ở các khu vực của người dân bản địa, thì ở các khu vực không phải của người dân bản địa, diện tích rừng nguyên sinh đã giảm 11% trong cùng giai đoạn.
Trước thực trạng suy thoái rừng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở khắp các châu lục trên thế giới, các quốc gia cần tiến hành các giải pháp dựa vào tự nhiên như phục hồi cảnh quan rừng. Giải pháp này có thể giúp các quốc gia đảo ngược tác động của suy thoái rừng và lấy lại các lợi ích sinh thái, xã hội, khí hậu và kinh tế rừng. Phục hồi cảnh quan rừng không chỉ là trồng cây, nó còn bao gồm nhiều hoạt động như nông lâm kết hợp, kiểm soát xói lở và tái sinh rừng tự nhiên.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường