Nữ Thứ trưởng và con đường đến ghế chủ tịch Vinamilk
Bà Tâm tốt nghiệp khóa học Quản lí kinh tế cao cấp tại Liên Xô và hoàn thành bằng Tiến sĩ Kinh tế chuyên ngành tài chính tín dụng tại đây. Ngoài ra bà cũng sở hữu Chứng chỉ Tài chính quốc tế tại Đại học North University London.
Bà Tâm gia nhập Vinamilk từ năm 2013, trên cương vị Thành viên HĐQT độc lập. Cho đến năm 2015 được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vinamilk, bà Tâm đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển TP HCM và cố vấn cấp cao cho một số định chế tài chính nước ngoài.
Lần dở lại lịch sử đến Vinamilk của bà Lê Thị Băng Tâm có thể thấy, thời điểm năm 2013, bà Tâm được một nhóm cổ đông đại diện cho khoảng 11% vốn cổ phần giới thiệu. Cùng đợt bầu thêm thành viên HĐQT lần này của Vinamilk còn có ông Hà Văn Thắm - được Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm hơn 45% vốn của Vinamilk giới thiệu.
Ông Hà Văn Thắm và bà Lê Thị Băng Tâm cùng được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT độc lập của Vinamilk thời điểm tháng 4/2013. Ông Thắm vào vòng lao lý bởi những sai phạm tại OceanBank. Còn, Bà Lê Thị Băng Tâm - người từng được đề cử bởi nhóm cổ đông đại diện 11% vốn góp tiến lên chức Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp vốn hóa gần 6 tỷ USD.
Được biết, 11% nói trên là nhóm cổ đông nhỏ lẻ nước ngoài và trong nước, đặc biệt trong đó có 3% cổ đông là các CBCNV Vinamilk.
Bà Lê Thị Băng Tâm. |
Ngay khi tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Vinamilk ở tuổi 68, trên thị trường xuất hiện so sánh về tuổi tác với người tiền nhiệm Mai Kiều Liên, bà Tâm trả lời rằng: " Tôi cho rằng Vinamilk là công ty cổ phần, không phải là doanh nghiệp Nhà nước nên không có luật nào quy định bao nhiêu tuổi không được làm Chủ tịch HĐQT. Quan trọng nhất vẫn là năng lực, khả năng, sức khỏe. Thứ nữa, các cổ đông, khi lựa chọn vị trí người đứng đầu HĐQT cũng cần phải tính toán, xem xét năng lực của ứng viên".
Bà Tâm cho biết, bà Mai Kiều Liên thôi làm Chủ tịch HĐQT không hẳn vì tuổi tác như thị trường đồn đoán. Lý do chính là quy định không để một người kiêm nhiệm 2 chức vụ cao nhất trong HĐQT và ban điều hành.
"Bản chất thì bà Liên vẫn là Tổng giám đốc và tôi cho rằng bà ấy sẽ làm tốt nhất cương vị đó trong giai đoạn hiện nay. Còn thị trường đồn đoán nọ kia rằng thay Chủ tịch HĐQT thậm chí còn nhiều tuổi hơn Tổng giám đốc nghe chừng không hợp lý lắm", bà Tâm nói.
Trước khi về Vinamilk, HDBank, bà Tâm từng nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Bà khởi nghiệp từ nghề giảng viên Đại học Tài chính kế toán Hà Nội từ năm 1969. Công việc giảng dạy tại ĐH này kéo dài tới năm 1974 thì bà được chuyển về Bộ Tài chính làm Phó trưởng phòng Kế toán tới năm 1982.
Từ 1982 đến 1989 bà học Cử nhân Quản lý kinh tế cao cấp tại Lêningrat – Liên Xô. Và nghiên cứu sinh Tiến sỹ chuyên ngành Tài chính tín dụng tại Đại học Kinh tế Tài chính Liên Xô.
Từ 1989 – 1995 làm Phó cục trưởng, cục trưởng, Tổng Giám đốc – Kho Bạc Nhà nước Trung ương.
Giai đoạn từ 1995 – 2005 bà Lê Thị Băng Tâm còn làm Thứ trưởng, Ủy viên Ban cán sự – Bộ Tài chính.
Rồi từ 2006 – 2008 làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị – Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước.
Từ 2008 - 2010 bà làm cố vấn cấp cao của một số tập đoàn, công ty tại Việt Nam.
Điểm qua Vinamik, HDBank dưới thời của 'nữ tướng' Băng Tâm
Quý IV/2019, doanh thu của Vinamilk tăng gần 10% lên 14.239 tỷ đồng. Giá vốn tăng mạnh hơn nên lãi gộp còn tăng 8% đạt 6.680 tỷ đồng. Biên lãi gộp ghi nhận 46,9%, giảm so với mức 47,3% cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 31% lên 234 tỷ đồng, chi phí gần gấp 3 lần lên 71 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng thêm 340 tỷ đồng lên 3.701 tỷ đồng, chi phí quản lý cũng tăng thêm 152 tỷ lên 482 tỷ.
Do vậy, lãi sau thuế của Vinamilk đạt 2.176 tỷ đồng, giảm 5%.
Cả năm, Vinamilk đạt 56.318 tỷ đồng doanh thu, tăng 7%; lợi nhuận sau thuế 10.554 tỷ đồng, tăng 3,4%. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm đề ra.
Kết năm, công ty sữa có 44.699 tỷ đồng tổng tài sản, tăng thêm 7.334 tỷ đồng so với đầu năm. Vinamilk chi tổng cộng 7.836 tỷ đồng để trả cổ tức năm qua, ứng với 15% cổ tức phần còn lại 2018 và 30% của năm 2019.
Tiền và tương đương tiền của Vinamilk ghi nhận 2.665 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.000 tỷ; khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng từ 8.231 tỷ lên 12.435 tỷ đồng, tức tăng 4.200 tỷ đồng. Đây là các khoản tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 1 năm, lãi suất từ 7,1% đến 8,6%. Việc này khiến khoản doanh thu tài chính của công ty tăng từ 666 tỷ đồng năm trước lên 724 tỷ đồng năm 2019.
Bên cạnh đó, công ty cũng tăng vay ngắn hạn từ 1.060 tỷ đồng lên 5.351 tỷ đồng. Do vậy, chi phí tài chính của đơn vị đạt 109 tỷ đồng, gấp đôi năm trước.
Về kinh doanh của HDBank, lũy kế cả năm 2019, thu nhập lãi thuần tăng 27% so với năm trước, đạt gần 9,747 tỷ đồng, trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng đến 36%, ghi nhận gần 596 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 5,018 tỷ, tăng 25% so với năm 2018 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận sau thuế đạt 4,020 tỷ đồng, tăng 25.6%. Lãi ròng HDBank đạt gần 3,605 tỷ đồng.
Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của HDBank đạt hơn 1.8% và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) đạt 21.6%. Hệ số CAR theo Basel II đạt 11.25%.
Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản hợp nhất của HDBank đạt 229,477 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn chủ sở hữu đạt 20,381 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay khách hàng và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp) đạt 153,004 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng của ngân hàng mẹ đạt 140,422 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng đạt 126,019 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước.
Còn dư nợ cho vay khách hàng của HDB tính đến 31/12/2019 tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời nợ xấu chỉ tăng nhẹ 6% lên 1,997 tỷ đồng. Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) giảm 8% và nợ nghi ngờ giảm 7%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của HDB giảm về mức 1.36% so với mức 1.53% hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu cả ngân hàng chỉ còn 1.71%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ được kiểm soát ở mức 0.98%
Khánh Linh (t/h)/ANTT