Điều này dấy lên câu hỏi, liệu chiến lược phát triển của Hapro tới đây có gì mới? Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Hapro đã chia sẻ rõ nét về chiến lược phát triển bài bản giúp nâng tầm Tổng công ty.
Ông có thể chia sẻ về những thay đổi mà Hapro có được sau khi cổ phần hóa và trở thành thành viên của Tập đoàn BRG?
Sau khi trở thành thành viên của Tập đoàn BRG, Tổng công ty Hapro được hoạt động trong một hệ sinh thái doanh nghiệp đa lĩnh vực rộng lớn, các thành viên của Tập đoàn không chỉ làm việc độc lập mà có sự liên kết, hỗ trợ rất đắc lực với nhau nhằm tối đa hóa tiềm năng và mở rộng hơn cơ hội phát triển.
Khi được Madame Nguyễn Thị Nga và Tập đoàn BRG giao nhiệm vụ trở thành doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ phát triển lĩnh vực bán lẻ, thương mại và xuất nhập khẩu của Tập đoàn, Hapro đã dễ dàng hơn rất nhiều trong việc tập trung nguồn lực để nâng tầm doanh nghiệp, đồng thời thực hiện tốt vai trò của mình khi nằm trong một hệ sinh thái doanh nghiệp rộng lớn.
Sau gần 2 năm thực hiện cổ phần hóa, Hapro đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận khi lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Tổng công ty đạt 141 tỷ đồng, gấp 6,5 lần so với năm 2018 và gấp 10 lần so với năm 2017 (năm trước cổ phần hóa). Tổng kim ngạch xuất khẩu của Hapro đạt gần 60 triệu USD với trên 40.000 tấn hàng hóa các loại. Mỗi tuần, Hapro xuất khẩu khoảng trên 40 container hàng hóa tới thị trường của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2020, Hapro sẽ tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham dự và có gian hàng hàng trưng bày sản phẩm, quảng bá thương hiệu nhằm nắm bắt xu thế của thị trường tại các hội chợ lớn trên thế giới, tại một số thị trường trọng điểm như: Hội nghị Hạt & Quả khô Quốc tế INC, Hội nghị Gạo thế giới hàng năm; Hội chợ Sial – Paris, Pháp Hội chợ Nông sản thực phẩm Quốc tế Gulfood tại Dubai, Hội chợ Worldfood Moscow (Nga).. đã mang lại kết quả thiết thực.
Hoạt động xúc tiến thương mại của Hapro cũng được lãnh đạo các cấp quan tâm, tại Lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE 2018), gian hàng của Hapro đã vinh dự được tiếp đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam tới thăm và động viên, thực hiện tốt vai trò đưa hàng hóa Việt Nam vươn xa hơn tới các thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Hapro sẽ đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công một số dự án Trung tâm thương mại mang thương hiệu Hapro Shopping Center, Hapro Shopping Mall, các chợ đầu mối, chuẩn hóa và mở rộng phát triển chuỗi siêu thị Hapromart và chuỗi cửa hàng chuyên doanh dịch vụ ăn uống mang thương hiệu Hapro Bốn Mùa và chuỗi các cửa hàng chuyên doanh khác.
Gần đây Madame Nguyễn Thị Nga không còn trực tiếp làm Chủ tịch Hapro, ông có thể chia sẻ thêm về định hướng của Hapro trong thời gian tới?
Trong việc cổ phần hóa và tái cơ cấu của bất kỳ doanh nghiệp nào, thời gian đầu luôn có một vai trò vô cùng đặc biệt và quan trọng, ảnh hưởng đến sự ổn định và giúp tái định hướng mô hình hoạt động trong tương lai. Tại Hapro, ngay sau khi chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần, chúng tôi rất may mắn khi được Madame Nguyễn Thị Nga trực tiếp giữ vị trí Chủ tịch HĐQT bởi Madame là người vừa có những chỉ đạo sát sao trực tiếp để Hapro thể giải quyết những những khó khăn trước mắt, vừa có một tầm nhìn xa và tâm huyết lớn giúp Hapro hoạch định chiến lược phát triển trong dài hạn.
Sau gần 2 năm hoạt động dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Madame Chủ tịch Nguyễn Thị Nga, Hapro đã thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu tổ chức, kiện toàn công tác nhân sự toàn Tổng công ty, đồng thời xác định rõ chiến lược phát triển, đã xây dựng các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể cho chiến lược phát triển dài hạn.Tổng công ty đã có sự bứt phá mạnh mẽ, tạo tiền đề để Hapro tiếp tục phát triển bền vững và hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Tất cả các thành viên HĐQT Hapro đều rất mong muốn mời Madame giữ vai trò Chủ tịch danh dự tại Tổng công ty. Tuy không trực tiếp lãnh đạo doanh nghiệp chúng tôi như trước đây nhưng với tầm nhìn và sự căn chỉnh đúng đắn của Madame, Hapro sẽ tiếp tục phát triển để trở thành một thành viên xuất sắc trong Hệ sinh thái doanh nghiệp Tập đoàn BRG.
Giữ cương vị Chủ tịch mới của Hapro sẽ là ông Nguyễn Thái Dũng, hiện đang là Tổng giám đốc Công ty Bán lẻ BRG Retail, một người rất am hiểu trường bán lẻ với hơn 20 năm làm việc tại các Tập đoàn bán lẻ đa quốc gia, vốn là các doanh nghiệp đặt những viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng hệ thống đại siêu thị tại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng rằng, Chủ tịch mới sẽ đem đến sức trẻ, kinh nghiệm và những hiểu biết, công nghệ mới giúp Hapro xây dựng hệ thống bán lẻ với tiêu chuẩn quốc tế nhằm đem đến trải nghiệm mua sắm tối ưu nhất phục vụ người tiêu dùng, từ đó đưa Hapro tăng tốc trên nền móng và chiến lược đã được Madame Nguyễn Thị Nga và Hapro xây dựng trong suốt thời gian vừa qua.
Ông có nhắc đến việc Hapro đang tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi như bán lẻ, thương mại và xuất nhập khẩu. Trong bối cảnh thị trường đề cao “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” như hiện nay, Hapro sẽ phân bổ và tối ưu hóa các nguồn lực phát triển như thế nào?
Với chủ trương đúng đắn và sự chỉ đạo toàn diện của Madame Nguyễn Thị Nga, Hapro đã từng bước được tái cấu trúc, các hoạt động cốt lõi của Tổng công ty được định hình rõ nét và tập trung phát triển, đề cao tính hiệu quả và năng suất lao động.
Các lĩnh vực bán lẻ, thương mại và xuất nhập khẩu đòi hỏi tập trung nguồn lực lớn, cả về con người và tài chính. Một trong những điểm đáng chú ý trong việc phát triển lĩnh vực bán lẻ thời gian qua là chúng tôi đã tiến hành nâng cấp, chuẩn hóa và đưa chuỗi 08 Siêu thị Hapromart của Hapro áp dụng theo mô hình Home & Food, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân thủ đô. Đến nay, hệ thống chuỗi của Hapro đã tạo ra mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các nhà phân phối, các đơn vị sản xuất trong nước với các đơn vị kinh doanh, đơn vị sản xuất của TCT.
Qua giai đoạn đầu tiên của chiến lược tái cấu trúc, chúng tôi nhận thức rất rõ rằng, doanh nghiệp cần tập trung các nguồn lực để trở thành chuyên gia, người dẫn đầu trong các lĩnh vực mà mình có thế mạnh. Bởi vậy, với những ngành kinh doanh thứ yếu, không còn phù hợp với định hướng phát triển, Hapro đang từng bước tiến hành thu gọn hoặc thoái vốn để tinh gọn bộ máy, đồng thời tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực cần tăng cường phát triển.