Văn hoá doanh nghiệp không phải là đạo đức. Văn hoá của một doanh nghiệp được hình thành bởi các giá trị cốt lõi từ lãnh đạo các doanh nghiệp. Cùng với chiến lược, định hướng, thói quen và đạo đức được chi phối bởi những người xung quanh. Tóm lại, văn hoá được định hình và mọi người thừa nhận, tương tác đi lại nhiều lần và mọi người xung quanh chấp nhận thì gọi là văn hoá.
Còn đạo đức có phạm trù khác, có thể đạo đức sẽ một phần chi phối trong văn hoá. Ví dụ, văn hoá doanh nghiệp là giữ tính kỷ luật, cam kết để nâng cao uy tín. Như vậy, đây không phải là đạo đức. Doanh nghiệp hướng đến cộng đồng, làm việc thiện, việc tốt thì đây mới là đạo đức. Vấn đề này phải phân định rõ ràng. Chúng ta hay nói về đạo đức kinh doanh, đây cũng là một trong những phạm trù của văn hoá kinh doanh.
Đạo đức kinh doanh là sự kêu gọi làm việc thiện, việc tốt. Có những việc buộc doanh nhân phải đứng trước sự lựa chọn hoặc là được lợi nhiều nhưng cộng đồng được ít thì có thể sẽ làm hoặc không làm. Nhưng người kinh doanh có đạo đức sẽ cân bằng lợi ích doanh nghiệp với cộng đồng.
Vấn đề này thiên về trách nhiệm xã hội. Những người có trách nhiệm xã hội đồng nghĩa với kinh doanh có đạo đức. Đây là xu thế sẽ phải làm, vì kinh doanh không có trách nhiệm - nói cách khác không có đạo đức thì sẽ bị cộng đồng xa lánh, đối tác, bạn hàng ít hợp tác. Trong kinh doanh ít mối quan hệ, không người hợp tác thì không thể sinh lời. Về bản chất không gắn bó trực tiếp với nhau nhưng lại rất hữu cơ với nhau. Đây là phạm trù của đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
Còn đối với văn hoá doanh nghiệp, bản thân mỗi doanh nghiệp muốn phát triển bền vững và đạt được khát vọng thì phải đạt được tầm nhìn xuyên suốt và kiên định đi theo tầm nhìn đó. Doanh nhân phải xác định sứ mệnh của mình là gì? Tức là trách nhiệm của doanh nhân đối với những người không thuộc doanh nghiệp của mình, bản thân mình, gia đình vợ con mình, cán bộ nhân viên của mình. Những người ngoài doanh nghiệp thì doanh nhân phải mang lại cho họ được điều gì tốt đẹp.
Khi doanh nhân có được sứ mệnh đó sẽ có được ý tưởng và trách nhiệm xã hội rất rõ ràng. Khát vọng, tầm nhìn và trách nhiệm nếu gắn kết được với nhau, khi đó mới xác định được giá trị văn hoá của doanh nhân, doanh nghiệp đó là cái gì và kiên định đi theo con đường đó. Văn hoá giống như tính cách của một con người. Con người có tính cách như thế nào thì doanh nghiệp có nét văn hoá như vậy. Đây là ba “chân kiềng” tạo ra sự phát triển bền vững và thông suốt, từ đó đạt được mục tiêu lâu dài của mình bằng việc gắn kết giữa bản thân với trách nhiệm xã hội và cộng đồng.
Có ý kiến cho rằng, để hình thành văn hoá kinh doanh nhất thiết phải bắt đầu từ việc xây dựng con người doanh nhân, trong đó đạo đức là gốc rễ, nền tảng… theo tôi chưa hẳn như vậy, vì tư tưởng này thiên về đạo Khổng. Nếu cái gì cũng gắn vào đạo đức chưa phải đã hoàn toàn đúng. Đạo đức chỉ là hệ quả của một con người mà tự họ đã xác định đường đi. Kinh doanh đề cao đạo đức lên hàng đầu sẽ rất khó.
Cũng như một đất nước, muốn phát triển thì phải dùng pháp quyền, pháp luật. Đạo đức là khuyến khích nhưng bản thân mỗi người làm kinh doanh phải rèn luyện đạo đức trước khi bước vào kinh doanh. Đạo đức không phải là điều kiện cương quyết trước khi làm kinh doanh. Đạo đức phải được lồng ghép vào trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nhân. Chúng ta phải có tầm nhìn xa, còn nếu mãi “luẩn quẩn, loanh quanh” về câu chuyện đạo đức thì sẽ có câu hỏi “vậy đi làm doanh nghiệp để làm gì”? Bản thân khi kinh doanh các doanh nhân phải tính đến sinh lời cho doanh nghiệp và xã hội, làm ra được nhiều của cải vật chất cho cuộc sống. Trong quá trình kinh doanh đã có đạo đức, đạo đức chi phối các hành vi đạo đức.
Nếu chúng ta luôn suy nghĩ về đạo đức trong kinh doanh sẽ làm mất đi tính cạnh tranh và tính “chiến đấu” của doanh nghiệp. Doanh nhân nào cũng mong muốn phát triển, nhưng đi kèm là bền vững, sự phát triển của doanh nhân, doanh nghiệp phải gắn với sự phát triển đất nước. Đây là khát vọng chung của các doanh nhân.
Khi thành lập doanh nghiệp, bản thân mỗi doanh nhân đã có khát vọng được làm giàu và kinh doanh thì phải có lợi nhuận. Nếu doanh nhân nào có tầm nhìn xa sẽ phải tính đến sự gắn kết bản thân với lợi ích của cộng đồng. Đây là con đường dài giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.
Đi xa đông người có thể chậm nhưng chắc. Với đội ngũ doanh nhân cũng như vậy, cùng với khát vọng chung là làm giàu sẽ có những doanh nhân có đạo đức, tầm nhìn xa, nhạy bén và có trách nhiệm với xã hội. Khi đó, họ sẽ đến đích với kết quả hoàn mỹ và trọn vẹn hơn.