Hà Nội, Thứ Năm Ngày 18/04/2024

Nợ vay của HBC đã tăng mạnh trước khi lùm xùm về khả năng “thâu tóm” diễn ra

DTVN 05:15 06/01/2023

HBC đã liên tiếp sử dụng vay nợ trong nhiều năm gần đây để phục vụ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản, xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp thông cáo báo chí được Tập đoàn Hòa Bình (HBC) do ông Lê Viết Hải ký ban hành và nhóm thành viên Hội đồng quản trị độc lập gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine phát đi nhằm phủ nhận những thông tin do mỗi bên đưa ra.

Gần đây nhất, sáng 3/1/2023, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình đã gửi thư đến các cổ đông khẳng định chỉ những thông tin được phát ngôn chính thức bởi Chủ tịch HĐQT, là người đại diện theo pháp luật của Công ty mới có giá trị và phản ánh đúng sự thật về tình hình công ty.

Ông Hải cho rằng, các cá nhân, chủ yếu là những người không phải là cổ đông của công ty đang thực hiện các hành vi sai trái không chỉ nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự của tôi mà còn nhằm mục đích chiếm quyền quản lý công ty và không loại trừ động cơ tiếp tay cho các thế lực tài lực thâu tóm công ty.

Trước đó, nhóm thành viên Hội đồng quản trị độc lập gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine có thông cáo báo chí cho biết các thông cáo của ông Lê Viết Hải với báo chí không những không có cơ sở pháp lý mà còn sai sự thật vì ông Hải không thể tiến hành được cuộc họp HĐQT theo quy định, cũng như có đủ đa số phiếu trong HĐQT để có thể hoãn quyết định được đưa ra trong cuộc họp ngày 13/12/2022.

Tại thông cáo này của nhóm thành viên HĐQT độc lập cũng cho biết, do sự điều hành yếu kém của ông Lê Viết Hải trong nhiều năm, tập đoàn giờ đang đối diện với muôn vàn khó khăn, trong đó có vấn đề tài chính. Việc HĐQT thông qua quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm người đứng đầu Tập đoàn nhằm mục tiêu duy nhất – khắc phục tình trạng khó khăn và thực hiện những cải cách tất yếu để đảm bảo sự phát triển của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong tương lai.

Thực tế, báo cáo tài chính của HBC cũng cho thấy, một trong những rủi ro của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua liên quan đến lãi suất vay nợ. Nợ vay của HBC đã liên tục tăng cao trong nhiều năm vừa qua và chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản của HBC.

Báo cáo tài chính quý 3/2022, HBC ghi nhận mức tăng chi phí lãi vay 66,2% so với cùng kỳ, đạt 123 tỷ đồng, đưa lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, chi phí này tăng lên 357 tỷ đồng, tăng 60,8%. Chi phí lãi vay bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, hết quý 3/2022, HBC ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 61 tỷ đồng, chỉ hoàn thành hơn 17% kế hoạch cả năm.

Tại thời điểm cuối quý 3/2022, nợ vay của HBC ở mức 6.565 tỷ đồng, tăng thêm 1.467,6 tỷ đồng (tương đương 28,8%) so với thời điểm đầu năm. Trong đó gồm 5.496 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 1.069 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Phần lớn các khoản vay của HBC được thế chấp bằng các khoản phải thu của khách hàng, với lãi suất áp dụng theo từng lần giải ngân.

Tính tới quý 3/2022, khoản phải thu ngắn hạn của HBC ghi nhận tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2021, tổng phải thu của doanh nghiệp chiếm tới 78,7% tổng tài sản. Điều này khiến dòng tiền của bị thu hẹp, làm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng gặp khó khăn.

no-vay-va-ty-le-no-vay-so-voi-tong-tai-san-cua-xay-dung-hoa-binh-hbc-1672798922.jpg

Áp lực tài chính khiến HBC lên kế hoạch huy động vốn trung dài hạn thông qua phát hành trái phiếu cũng như tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ khiến kế hoạch phát hành của HBC gặp khó khăn. Trong khi đó, hoạt động phát hành cổ phiếu có thể cũng không suôn sẻ khi lần phát hành đầu tiên được thông qua vào tháng 8/2022 với giá phát hành 32.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn rất nhiều so với thị giá và nhà đầu tư tham gia đợt chào bán là Sanei Architecture Planning Co., Ltd. Theo quy định 2 đợt cổ phiếu riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng, như vậy, để phát hành 74 triệu cổ phiếu, thu về 2.400 tỷ đồng thì 69 triệu cổ phiếu còn lại nhanh nhất sang quý 1/2023 mới có thể phát hành.

Dòng tiền kinh doanh của HBC âm nặng tính đến hết quý 3/2022 vừa qua với mức âm 1.331 tỷ đồng, tình trạng âm dòng tiền kinh doanh đã diễn ra trong giai đoạn 2017 - 2020. Thực trạng này dẫn đến việc HBC phải phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn với mức lãi suất dự báo sẽ khó hạ nhiệt trong thời gian tới. Dòng tiền của HBC dự kiến sẽ dương trở lại sau khi HBC thực hiện thành công các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ và trái phiếu theo đúng kế hoạch

Link gốc : https://nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn/no-vay-cua-hbc-da-tang-manh-truoc-khi-lum-xum-ve-kha-nang-thau-tom-dien-ra-90826.html

Bạn đang đọc bài viết Nợ vay của HBC đã tăng mạnh trước khi lùm xùm về khả năng “thâu tóm” diễn ra tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn
Ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại cương vị Chủ tịch HĐQT và Novaland cũng dự kiến sẽ tinh giản bộ máy, giảm số lượng thành viên HĐQT từ 7 xuống còn 5 thành viên.