Phòng vệ thương mại là biện pháp mà một nước sử dụng để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hoá nhập khẩu với hàng hoá sản xuất trong nước thông qua hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp tăng nhanh đột biến, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Điều cần lưu ý là biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.
Với việc ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở lớn và tham gia ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới. Năm 2021, Việt Nam lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu gần 670 tỷ USD. Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu càng lớn càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại.
Để phòng vệ thương mại hiệu quả, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về quy trình, tác động của công cụ phòng vệ thương mại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành hàng mình. Ảnh minh họa
Theo đại diện Bộ Công Thương, đến thời điểm này đã có trên 220 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chiếm 25 vụ và ngày càng có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 12 vụ việc điều tra mới đối với các sản phẩm sắt thép, tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời...
Theo đại diện một doanh nghiệp ngành gốm sứ Bát Tràng, do phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đồng thời do kỹ năng giao dịch thương mại, đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu chưa chuyên nghiệp nên thị phần xuất khẩu trong những năm gần đây bị sụt giảm và có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Tương tự, báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho thấy, ngành gỗ chủ yếu bị kiện phòng vệ thương mại từ thị trường Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng gần đây đã có thêm nhiều thị trường khác, đặc biệt là Canada, Hoa Kỳ. Trong đó, Canada đã điều tra và áp thuế mặt hàng salon đệm mút của Việt Nam xuất khẩu với mức thuế khá nặng, trên dưới 10%. Dù không phải tất cả các doanh nghiệp bị chặn đường xuất khẩu, nhưng nhìn tổng thiệt hại một số các mặt hàng mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cao sẽ thấy thiệt hại là rất lớn…
Đánh giá về năng lực ứng phó của doanh nghiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho rằng, bất cập hiện nay của nhiều doanh nghiệp đó là thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp, để có thể theo dõi ứng phó một cách linh hoạt. Ngoài ra, quản trị doanh nghiệp còn yếu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm chuyển đổi số, chưa áp dụng những phần mềm kế toán tiên tiến đủ độ tin cậy và có tính linh hoạt cao…
Trước thực tế đó, Trung tâm HPA đã phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn để tăng cường nhận thức của doanh nghiệp về những rủi ro bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời, cung cấp cho doanh nghiệp kiến thức về đàm phán trong giao dịch thương mại, trang bị kỹ năng ký kết hợp đồng; nâng cao nhận thức, hiểu biết của doanh nghiệp và hiệp hội về các biện pháp phòng vệ thương mại, hiểu được quy trình, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại; rút ra được các bài học kinh nghiệm và từ đó nắm được phương hướng, cách thức xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam một cách chủ động và hiệu quả.
Theo bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19, Chính phủ và TP. Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động chưa ổn định, chưa nắm vững kiến thức pháp luật, những hiệp định, rào cản trong giao dịch thương mại điện tử quốc tế. Vì vậy, đây là cơ hội tập huấn hữu ích, trao đổi thông tin để doanh nghiệp nắm vững hơn các kỹ thuật đàm phán, giao dịch thương mại; điều này có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước những tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, phòng vệ thương mại không phải là việc của từng doanh nghiệp riêng lẻ mà là chiến lược hành động của cả một ngành sản xuất sản phẩm nội địa liên quan. Do đó, để sử dụng công cụ phòng vệ thương mại hiệu quả, doanh nghiệp phải tập hợp với nhau thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất nội địa. Doanh nghiệp Việt Nam hơn lúc nào hết cần phải liên kết chặt chẽ trong sản xuất kinh doanh, trong vận động chính sách cho ngành...
Thực tế, các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là một xu thế khó tránh khỏi trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Có thể nói, phòng vệ thương mại giống như một cơn bão mà doanh nghiệp phải bắt buộc vượt qua bằng cả phòng vệ lẫn tấn công để tự bảo vệ mình.
Để phòng vệ thương mại hiệu quả, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về quy trình, tác động của công cụ phòng vệ thương mại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành hàng mình; tự bảo vệ bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại; nắm bắt thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện…
Điều kiện để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại Nước nhập khẩu chỉ có thể áp dụng biện pháp tự vệ sau khi đã tiến hành điều tra và chứng minh được sự tồn tại đồng thời của 3 điều kiện sau: Hàng hoá liên quan được nhập khẩu tăng đột biến về số lượng; Ngành sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá đó bị thiệt hại hoặc đe doạ bị thiệt hại nghiêm trọng và có mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng nhập khẩu tăng đột biến và thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại nói trên. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại gồm có: 1. Áp dụng trong phạm vi, mức độ cần thiết, hợp lý, có thời hạn nhằm bảo vệ, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. 2. Chỉ được áp dụng sau khi đã tiến hành điều tra minh bạch, công bằng, phù hợp với quy định của pháp luật và phải dựa trên các kết luận điều tra. 3. Công bố công khai các quyết định về việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. 4. Không thu khoản chênh lệch về thuế nếu mức thuế phòng vệ thương mại chính thức cao hơn mức thuế phòng vệ thương mại tạm thời. 5. Hoàn lại khoản chênh lệnh về thuế nếu mức thuế phòng vệ thương mại chính thức thấp hơn mức thuế phòng vệ thương mại tạm thời. 6. Trường hợp Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chính thức thì thuế phòng vệ thương mại tạm thời đã thu hoặc các khoản bảo đảm thanh toán thuế phòng vệ thương mại tạm thời phải được hoàn lại. |