Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Lòng vòng mua bán tòa nhà 265 Cầu Giấy (Hà Nội): Tiền không 'ra khỏi' OCB, tài sản về tay nhóm liên quan

DTVN 08:00 05/11/2022

Để có tiền mua lại tòa nhà 265 Cầu Giấy (Hà Nội) từ OCB thì FLCHomes và CTCP Tập đoàn FLC phải bán lại chính tòa nhà này cho CTCP Gateway Hà Nội.

Nhưng CTCP Gateway Hà Nội không có tiền nên phải dùng chính hợp đồng đặt cọc mua tòa nhà 265 Cầu Giấy thế chấp với OCB lấy tiền trả cho FLCHomes và CTCP Tập đoàn FLC.

Lòng vòng mua bán tòa nhà 265 Cầu Giấy (Hà Nội): Tiền không

Ngày 21/10, CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes công bố thông tin về việc ngày 20/10, FLCHomes cùng với CTCP Tập đoàn FLC (FLC) đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại địa chỉ: Số 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội cho CTCP Gateway Hà Nội.

Giá bán công trình xây dựng là 2.000 tỷ đồng, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và không bao gồm giá trị của phần diện tích đã bán.

Được biết, toà nhà 265 Cầu Giấy đã được sở hữu bởi Ngân hàng OCB từ năm 2020. Vào ngày 21/9/2020, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua việc sử dụng tài sản tại số 265 Cầu Giấy để bảo đảm cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chi nhánh Thăng Long.

Sau đó, đến ngày 9/11/2020 HĐQT đã ban hành nghị quyết dùng toà nhà 265 Cầu Giấy để gán nợ thay thế cho nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn FLC, FLCHomes, CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS), CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) và CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại OCB.

Đến cuối tháng 6 năm nay, Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC đã ban hành nghị quyết thông qua việc FLC cùng với FLCHomes mua lại Toà nhà 265 Cầu Giấy từ OCB.

Ngày 29/8, Hội đồng quản trị FLCHomes đã thông qua việc chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản giữa FLC, FLCHomes và OCB. Theo đó, hợp đồng sẽ chấm dứt hiệu lực khi FLC và FLCHomes đã liên đới hoàn trả toàn bộ khoản tiền đã nhận theo quy định tại Hợp đồng mua bán tài sản cho OCB.

Sau khi chấm dứt hợp đồng, FLC và FLCHomes sẽ có quyền chuyển nhượng cho bên thứ 3 khác tài sản là toàn nhà 265 Cầu Giấy với giá trị chuyển nhượng tối thiểu là 2.000 tỷ đồng (đã bao gồm thuế GTGT và không bao gồm giá trị của phần diện tích đã bán).

Theo thông tin trên Cục đăng ký Quốc gia Giao dịch bảo đảm, ngày 14/9/2022, CTCP Gateway Hà Nội đã thế chấp hợp đồng đặt cọc ngày 30/8 với bên đặt cọc là Gateway Hà Nội và bên nhận đặt cọc là FLC và FLCHomes để đảm bảo cho khoản vay hoặc nghĩa vụ 1.659 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) – Chi nhánh Gia Định.

Thực tế là việc mua lại tòa nhà 265 Cầu Giấy từ OCB của FLC và FLCHomes mới chỉ là “chủ trương” vì hợp đồng mua bán giữa FLC và FLCHomes với OCB chỉ hoàn thành khi đã thanh toán hết tiền. Nhưng FLC và FLCHomes không có tiền để trả luôn nên phải làm động tác bán cho CTCP Gateway Hà Nội.

Vì chưa được quyền bán (vì chưa trả hết tiền cho OCB) nên giữa FLC và FLCHomes với CTCP Gateway Hà Nội chỉ dừng lại ở hợp đồng đặt cọc. Sau đó Gateway Hà Nội dùng hợp đồng đặt cọc này cầm cố với OCB lấy tiền trả cho FLC và FLCHomes.

Lúc này FLC và FLCHomes có tiền trả cho hợp đồng mua bán tòa nhà với OCB. Sau khi việc mua lại của FLC và FLCHomes hoàn thành thì hợp đồng mua bán giữa FLC và FLCHomes và Gateway Hà Nội được thực hiện.

Nói cách khác, dòng tiền không chạy ra khỏi OCB.

Vậy Gateway Hà Nội là ai?. Theo dữ liệu cho thấy CTCP Gateway Hà Nội vừa được thành lập ngày 2/8/2022 và có trụ sở chính tại tầng 1, tòa Packsimex, 52 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Người đại diện pháp luật khi mới thành lập là Giám đốc Nguyễn Sĩ Toàn (SN 1980).

CTCP Gateway Hà Nội có vốn điều lệ là 345 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Đầu tư Bình An House góp 341,55 tỷ đồng, chiếm 99% vốn điều lệ; ông Nguyễn Đức Toàn góp 1,73 tỷ đồng, chiếm 0,5% vốn điều lệ và bà Nguyễn Thị Thanh Hà góp 1,73 tỷ đồng, tương đương 0,5% vốn điều lệ.

20211201083639_img0182.jpg
Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

Thực tế CTCP Gateway Hà Nội có liên quan đến OCB. Dữ liệu cho thấy, Công ty CP Đầu tư Bình An House (chiếm 99% vốn điều lệ của CTCP Gateway Hà Nội) được thành lập ngày 9/10/2014 với tên ban đầu là Công ty CP Cà phê Phương Đông (địa chỉ tại: Khu sản xuất Bình Chuẩn, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương).

Đến ngày 26/12/2019, Công ty CP Cà phê Phương Đông được đổi tên thành Công ty CP Đầu tư An Bình House với người đại diện pháp luật là ông Đào Duy Hải (SN 1982).

Đáng chú ý ông Đào Duy Hải là Trưởng ban kiểm soát ở CTCP Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VISe).

VISe được thành lập năm 2006 với cổ đông là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và 8 cá nhân – thời điểm đó ông Trịnh Văn Tuấn đang giữ ghế Chủ tịch VIB và kiêm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch VISe.

Năm 2010, ông Trịnh Văn Tuần rút khỏi HĐQT VIB và sang Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Mặc dù rời VIB nhưng ông Tuấn vẫn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT VISe, nơi ông cùng vợ là bà Cao Thị Quế Anh (sinh năm 1966) trực tiếp nắm giữ tới 48,24% cổ phần.

Đến năm 2012 ông Trịnh Văn Tuấn mới rút khỏi HĐQT VISe để nhường lại vị trí Chủ tịch HĐQT VISe cho vợ mình là bà Cao Thị Quế Anh.

Link gốc : https://markettimes.vn/long-vong-mua-ban-toa-nha-265-cau-giay-ha-noi-tien-khong-ra-khoi-ocb-tai-san-ve-tay-nhom-lien-quan-den-chu-tich-ocb-trinh-van-tuan-6720.html

Bạn đang đọc bài viết Lòng vòng mua bán tòa nhà 265 Cầu Giấy (Hà Nội): Tiền không 'ra khỏi' OCB, tài sản về tay nhóm liên quan tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn