Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội (Hanoisme), ông Mạc Quốc Anh đánh giá: Đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đợt thứ tư, đã tác động rất tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong đó khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa - chiếm 98,2% số doanh nghiệp trên cả nước, chịu ảnh hưởng rất nặng nề.
Dẫn số liệu khảo sát nhanh của các sở, ngành đối với gần 1.500 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong tháng 6/2021, ông Mạc Quốc Anh cho biết có tới 57,10% doanh nghiệp trả lời hoạt động cầm chừng; 38,97% doanh nghiệp đang hoạt động bình thường; 2,61% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể; 1,41% doanh nghiệp hoạt động tốt trong thời điểm dịch bệnh.
Phần lớn các khó khăn là không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra do bị ách tắc tại khâu lưu thông, vận chuyển; thiếu nguyên vật liệu đầu vào; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; phát sinh các chi phí thực hiện chống dịch; khó khăn trong việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiền thuê đất cao và thay đổi liên tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, với các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ, bảo hiểm.
Dù các chính sách được đánh giá là hữu ích, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi cần có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống.
Cụ thể, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020.
"Có thể nói đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm qua do tính hình Covid-19 các doanh nghiệp khó có lợi nhuận nên chính sách này chưa đi vào thực tiễn của doanh nghiệp", ông Mạc Quốc Anh nói.
Mong muốn tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng nhanh nhất
Bà Lê Dung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup đánh giá cao những giải pháp, biện pháp Chính phủ đưa ra để hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, bà Dung cũng kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác truyền thông về gói 26.000 tỷ đồng, kèm những điều kiện cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động họ có thể cập nhật nhanh nhất và kịp thời, giúp tháo gỡ bớt khó khăn.
Nếu có thể bố trí một bộ phận tuyên truyền, hỗ trợ qua nhiều kênh hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp... để tránh những bất cập như các gói 62.000 tỷ đồng và 16.000 tỷ đồng của năm 2020.
Cũng theo Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội, các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh Covid-19 được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khóa như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.
Kết quả cho thấy một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Ngược lại, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.
Bên cạnh đó, việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối nhỏ và vừa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần họ không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu...
Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.
Hanoisme gửi 10 kiến nghị
Từ thực tiễn kể trên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất và phát triển, trong điều kiện thực hiện "mục tiêu kép: Vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất, để phát triển kinh tế Thủ đô hoàn thành kế hoạch đề ra và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội gửi 10 kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ.
Thứ nhất: Đề nghị Lãnh đạo thành phố cho phép thành lập Tổ vaccine doanh nghiệp, cafe Doanh nhân để kịp thời tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp.
Thứ hai: Đề nghị thành phố tạo nguồn vaccine tiêm cho cán bộ công nhân viên phục vụ sản xuất, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, liên quan đến tiến độ giao nhận hàng hóa.
Thứ ba: Doanh nghiệp cùng chính quyền thành phố kêu gọi ủng hộ chương trình vaccine của UBND thành phố hỗ trợ để thành phố mua vaccine phục vụ tiêm cho toàn dân thủ Đô.
Thứ tư: Trong tình hình khó khăn do Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp, Hanoisme đề xuất Chính phủ cho giảm thuế đất hàng năm phải nộp của năm 2021, để bù đắp cho doanh nghiệp những tháng phải ngừng SXKD của năm 2020 – 2021.
Thứ năm: Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, thu không đủ chi, doanh nghiệp cũng không thể kỳ vọng vào các gói hỗ trợ lớn như một số nước phát triển. Tuy vậy, doanh nghiệp mong Chính phủ, các Bộ, ngành rà soát, loại bỏ các thủ tục để doanh nghiệp hiểu và làm ngay, nhằm tạo điều kiện cải thiên môi trường đầu tư kinh doanh nhất là trong lĩnh vực đất đai, mặt bằng sản xuất tạo cơ hội cho doanh nghiệp có điều kiện tăng quy mô sản xuất, thời gian kéo quá dài hàng 2-3 năm mất đi cơ hội cho doanh nghiệp.
Thứ sáu: Thành phố hỗ trợ cho doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, cần đổi mới công tác này được thiết thưc hơn như thu hút đoàn vào và thành lập phòng trưng bày sản phẩm chủ lực của thành phố để doanh nghiệp bạn vào tham quan đặt hàng. Vì các đoàn ra chúng ta đã làm nhiều nhưng hiệu quả còn hạn chế.
Thứ bảy: Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có chỉ đạo để rà soát những khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, đến kỳ tả nợ gốc và lãi, được đề xuất khoanh lại đến tháng 6/2022 mà không bị phạt, đưa vào nhóm nợ xấu, để doanh nghiệp có thời gian phục hồi.
Thứ tám: Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn và tài chính cho doanh nghiệp. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021. (Thông tư số 01/2020-TT-NHNN quy định chỉ áp dụng cho những khoản nợ vay phát sinh trước ngày 31/12/2020); chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp: Giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp (theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020), cho vay gián tiếp không chỉ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà thêm doanh nghiệp trong các ngành bị tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khash sạn, vận tải…
Ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023 để giúp các doanh nghiệp giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển (tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airline).
Thứ chín: Nguồn ngân sách nhà nước luôn là một trọng số để kích cầu. Trong đó tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp các ngành. Vậy đề xuất không giới hạn, hạn chế, chỉ định những gói thầu mua sắm công để các doanh nghiệp có đủ năng lực cung cấp. Tạo ra cơ hội công ăn việc làm cho những doanh nghiệp khác.
Thứ mười: Thanh Tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động theo tuân thủ của pháp luật. Việc thanh tra kiểm tra là cần thiết tuy nhiên tại thời điểm khó khăn này, và dịch diễn biễn ngày càng phức tạp. Đề xuất các việc thanh kiểm tra có thể tạm hoãn, lùi lại để doanh nghiệp tập trung và nguồn lực sản xuất. Các doanh nghiệp phải chụi trách nhiệm với các cơ quan quản lý.
Mong ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi xuất trong thời suốt thời gian dịch bệnh
Ông Lê Minh Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bệnh viện đa khoa Sun medical Việt Nam cho rằng, hiện nay tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có quan hệ tín dụng và vay ngân hàng với lãi xuất từ 10,5 đến 12,5 % năm. Trong khi, nguồn thu của hầu hết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài liên tục. Cùng với việc nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên có hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, giải thể, chết lâm sàng.
Trước thực trạng đó, Công ty mong rằng Thủ tướng chỉ đạo các cấp hỗ trợ, chỉ đạo hệ thống ngân hàng, cho phép các doanh nghiệp được giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi xuất trong thời suốt thời gian dịch bệnh, ngừng sản xuất kinh doanh, không bị chuyển thành nợ xấu và được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ về tài chính của chính phủ để có thể giữ chân người lao động và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Đề nghị Chính phủ xem xét việc miễn, giảm tiền thuê đất
Đại diện Tổng công ty Du lịch Hà Nội cho biết: Năm 2021, tiền thuê đất tại các cơ sở do Tổng công ty Du lịch Hà Nội quản lý tăng từ 26-87% so với năm 2020 tùy từng vị trí, địa điểm tăng cao nhất là tại số 198 Trần Quang Khải, Hà Nội, tăng đến 87% so với năm trước. Đây là áp lực tài chính rất lớn đối với các doanh nghiệp. Do vậy, Công ty đề nghị Chính phủ xem xét việc miễn, giảm tiền thuê đất để giúp giảm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn.
-- |
Bên cạnh đó, hiện các địa điểm do công ty quản lý vẫn đang bị tính giá điện kinh doanh, cao hơn giá điện sản xuất đang áp dụng như các Ngành kinh tế khác. Do vậy, Tông công ty rất mong Chính phủ xem xét việc áp mức giá điện sản xuất đối với ngành Du lịch để chúng tôi giảm bớt chi phí đầu vào.
Về việc chuyển đổi số, Tổng công ty Du lịch Hà Nội xác định đây là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Tuy nhiên, Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là áp dụng công nghệ mà cần kết hợp cùng lúc nhiều yếu tố như: môi trường kinh doanh, hạ tầng và con người, do vậy chi phí đầu tư cho chuyển đổi số trong doanh nghiệp là rất lớn và cần nhiều thời gian để có thể thực hiện thành công.
Từ thực tế đó, Tổng công ty mong Chính phủ, UBND TP.Hà Nội có các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa đối với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, đầu tư hạ tầng du lịch để đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong ngành Du lịch.