Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Chuyên gia hiến kế để doanh nghiệp ‘sống chung với Covid-19'

DOANH NHÂN VIỆT NAM 17:34 09/09/2021

Chuyên gia Vũ Vinh Phú khẳng định, chắc chắn chúng ta sẽ không thể mãi giãn cách xã hội như hiện nay được mà phải giảm dần giãn cách để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh.


Tác động tiêu cực mà đại dịch toàn cầu Covid – 19 gây ra đối với nền kinh tế Việt Nam trong gần 2 năm qua là vô cùng nghiêm trọng. Những số liệu thống kê cho thấy, ngành du lịch, dịch vụ khách sạn và kinh doanh nhà hàng, giao thông vận tải bị ảnh hưởng mạnh mẽ, một số ngành thậm chí còn tê liệt… Các chuyên gia dự báo đại dịch sẽ còn dai dẳng, kéo dài.

Điều đó đặt ra câu hỏi cho nền kinh tế Việt Nam là phải làm gì để có thể thích ứng vào lúc này? Thực tế sau 2 năm chống trọi với dịch bệnh, Chính phủ đã đề ra “mục tiêu kép” đó là vừa phòng chống dịch nhưng phải đảm bảo sản xuất và phát triển kinh tế. Song hành cùng câu chuyện này, Doanh nhân Việt Nam đã có trao đổi với chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.

Thưa ông, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, những tác động của Covid-19 tới nền kinh tế được dự báo vẫn còn dai dẳng, theo ông giải pháp gì để có thể hỗ trợ lúc này?

Hiện nay dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở nước ta, đặc biệt là 7 tỉnh thành phía Nam (nơi đóng góp tới 40% GDP của cả nước) trong đó có TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Đây là 2 nền kinh tế trọng điểm và có đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước. Những tháng qua chúng ta phải chấp nhận một sự thật đau lòng là các tỉnh thành này phải thực hiện nghiêm theo chỉ thị 16 để phòng chống dịch. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới tình hình phát triển kinh tế của các địa phương đó.

Trong bối cảnh hiện nay cần có cả giải pháp chung và giải pháp riêng để hỗ trợ nền kinh tế.

Về các giải pháp chung, Chính phủ vẫn cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng miễn giảm và gia hạn các loại thuế, phí, lãi suất vốn vay... Đơn giản hóa và minh bạch hóa các thủ tục điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng của Nhà nước cũng là yếu tố quan trọng để giúp doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, những hỗ trợ thiết thực bao gồm phát triển các thị trường truyền thống khi các quốc gia định vị lại đối tác thương mại, hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới thông qua các hiệp định thương mại tự do.

Về giải pháp riêng có thể tính đến thúc đẩy số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dây chuyền sản xuất, quản trị nguồn lực, thương mại hóa sản phẩm, và bán hàng từ xa. Ngành nào mà chưa có điều kiện đón tiếp khách nước ngoài thì cần những giải pháp kích cầu nội địa, đảm bảo du lịch an toàn.

Ưu tiên hàng đầu là phải tạo ra một môi trường vĩ mô ổn định, cam kết giữ mức lãi suất thấp trong một thời gian đủ dài để tạo tâm lý ổn định cho các doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất và đầu tư, và tiếp tục đầu tư công nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở, logistics.

Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các doanh nghiệp thuộc khối kinh tế tư nhân nên được quan tâm hỗ trợ vì số lượng lớn và tỷ lệ đóng góp quan trọng vào GDP. Cũng nên chú trọng thúc đẩy đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo vì đây là nhóm sẽ tạo ra động lực tăng trưởng và cạnh tranh trong dài hạn.

Hỗ trợ từ Chính phủ là vậy, theo ông nội lực các doanh nghiệp phải làm gì để “sống chung với Covid-19"?

Hỗ trợ từ chính phủ là những thứ vĩ mô, mang tính bao quát, nhưng sự sáng tạo và khả năng thích ứng của mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề mới là yếu tố then chốt để giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp đổi mới tư duy, thay đổi tích cực và sáng tạo để nâng cao hiệu quả.

Đầu tiên, các doanh nghiệp cần áp dụng linh hoạt khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Như tôi đã từng đề cập, dịch bệnh tác động khác nhau vào mỗi ngành nghề, có những lĩnh vực ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng có những ngành nghề thậm chí còn hưởng lợi… Điều quan trọng là doanh nghiệp cần có những đổi mới đột phá như là tìm mô hình kinh doanh mới, xây dựng nền tảng khách hàng mới (ví dụ nhóm khách hàng mua trực tuyến trong và ngoài nước). Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong điều kiện bình thường các doanh nghiệp ít đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) và ít gắn đổi mới sáng tạo với các cấu phần khác của chiến lược như sản xuất, kinh doanh, marketing, tài chính, logistics, nhân sự…

Chiến lược 3 tại chỗ hiện nay của nhiều doanh nghiệp cũng cho thấy những mặt tích cực. Bất chấp thực trạng vô cùng khó khăn, không ít doanh nghiệp đã tận dụng cuộc khủng hoảng hiện tại để tiếp tục thu thập thông tin cũng như nâng cao kiến thức và sự nhạy bén trong kinh doanh.

Theo ông, Chính phủ nên nghĩ tới phương án nới lỏng giãn cách xã hội để đảm bảo hoàn thành "mục tiêu kép"?

Chắc chắn chúng ta sẽ không thể mãi giãn cách xã hội như hiện nay được. Giảm dần giãn cách là điều bắt buộc để khôi phục các hoạt động. Tuy nhiên việc này cần có các điều kiện cụ thể. Theo tôi điều trước tiên là đẩy nhanh tiêm vắc xin cho toàn dân, nếu chưa thể phủ rộng thì chúng ta đi từng bước, đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1. Sau đó mở hết các kênh huy động nguồn lực để thúc đẩy tiến độ tiêm vắc xin mũi 2 bao phủ 80% dân số, bao gồm việc tạo cơ chế cho phép và khuyến khích doanh nghiệp tự mua vắc xin, tổ chức tiêm vắc xin; khuyến khích các cơ sở y tế tự tìm nguồn vắc-xin ở dạng dịch vụ để đáp ứng cho người có điều kiện tham gia tiêm dịch vụ.

Yếu tố thứ 2, chỉ cho phép người lao động được tham gia làm việc trở lại khi đã đủ 2 mũi tiêm vắc xin và tiếp tục duy trì các khuyến cáo 5K nơi công sở, công cộng và cả trong gia đình. Doanh nghiệp chỉ được trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh khi đã xây dựng xong phương án về y tế bảo đảm phòng chống dịch cho người lao động.

Tăng cường truyền thông hướng dẫn cộng đồng việc tự ý thức phòng chống dịch để duy trì hoạt động kinh tế - xã hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong phòng chống Covid-19 và phục hồi chuỗi cung ứng trên thị trường.

Cuối cùng là cung cấp chính sách hỗ trợ cần thiết ở giai đoạn phục hồi sau Covid-19 cho doanh nghiệp và người dân.

Xin cảm ơn ông!

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/chuyen-gia-hien-ke-de-doanh-nghiep-song-chung-voi-covid-19-d110119.html

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia hiến kế để doanh nghiệp ‘sống chung với Covid-19' tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn