Theo nguồn tin của Reuters, VNG cáo buộc công ty Trung Quốc sử dụng các bản âm thanh thuộc sở hữu của Zing - một công ty con của VNG, mà không có sự đồng ý của công ty. Đơn kiện được VNG nộp lên Tòa án nhân dân TP.HCM với mục đích yêu cầu TikTok đền bù thiệt hại, đồng thời ngừng sử dụng nhạc của Zing.
“VNG yêu cầu TikTok xóa tất cả các phân đoạn nhạc lấy từ bản ghi của Zing khỏi cả ứng dụng và trang web TikTok, đồng thời bồi thường thiệt hại hơn 221 tỉ đồng (9,5 triệu USD)”, nội dung đơn kiện cho biết.
VNG yêu cầu TikTok bồi thường 221 tỉ đồng do vi phạm bản quyền. Ảnh: Reuters |
Hiện tại cả TikTok và VNG đều không đưa ra lời nhận xét đối với nội dung báo cáo từ Reuters.
Được biết, VNG Corporation là công ty công nghệ Việt Nam được thành lập vào năm 2004 nổi tiếng với các ứng dụng trò chơi trực tuyến, nghe nhạc và nhắn tin. Trong khi đó, số liệu chính thức cho thấy TikTok đã trở nên phổ biến ở Việt Nam khi đạt hơn 10 triệu người dùng tính đến tháng 8 với hàng triệu lượt tải clip ngắn lên nền tảng này.
Về phía Tiktok, công ty này cũng đang dự định khởi kiện Chính phủ Mỹ vì đã áp đặt các lệnh cấm đối với công ty này và công ty mẹ ByteDance. Trong tuyên bố ngày 22/8, Tiktok nêu rõ: “Một số năm trở lại đây, với thái độ thận trọng, chúng tôi đã cố gắng trao đổi với Chính phủ Mỹ để đưa ra phương án giải quyết đối với những lo lắng mà họ đưa ra.
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ đã không tôn trọng các trình tự pháp lý, thậm chí cố gắng can thiệp thô bạo vào quá trình đàm phán của công ty. Nhằm đảm bảo pháp quyền không bị loại bỏ và công ty chúng tôi cũng như người dùng được đối xử công bằng, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phản đối sắc lệnh (cấm Tiktok) thông qua thủ tục pháp lý”.
Liên quan đến vụ việc, hôm 20/8 vừa qua, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết, việc Mỹ viện dẫn lý do “an ninh quốc gia” để hạn chế hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ là không có căn cứ pháp lý và thực tế, gây tổn tại nghiêm trọng đến quyền lợi của doanh nghiệp Trung Quốc, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường.
Trước đó ngày 6/8, tổng thống Trump đã ban hành lệnh cấm các cá nhân và công ty Mỹ giao dịch với cá nhân, bộ phận hay công ty con nào thuộc ByteDance.
Động thái này có thể khiến Google và Apple ngừng phân phối ứng dụng TikTok và đóng cửa văn phòng TikTok tại Mỹ. Trừ phi một công ty Mỹ mua lại TikTok trong giai đoạn từ nay đến ngày 20.9, TikTok sẽ mất đi hàng chục triệu người dùng trên toàn nước Mỹ, trong đó có rất nhiều trẻ vị thành niên và người trẻ.
Lệnh cấm của Mỹ chỉ ra rằng TikTok đang thu thập lượng lớn thông tin từ người dùng, bao gồm các dữ liệu liên quan tới vị trí, lịch sử tìm kiếm và thông tin xem trên trình duyệt web.
Dữ liệu này mang rủi ro cho phép Trung Quốc tiếp cận thông tin cá nhân của người Mỹ, thậm chí truy vị trí nhân viên nhà nước, xây dựng các tệp thông tin để tống tiền và thực hiện các hành động gián điệp kinh tế. Tuy vậy TikTok khẳng định không thông tin khách hàng Mỹ nào được lưu trữ tại Trung Quốc và máy chủ công ty được đặt tại Mỹ và Singapore.
Theo Vietq