Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Masan tăng vốn điều lệ lên mức gần 11.750 tỷ đồng, cổ phiếu MSN nhích tăng nhẹ

DTVN 14:06 26/08/2020

Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan, HOSE: MSN) vừa phê duyệt tăng vốn điều lệ thêm hơn 57 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên mức gần 11.750 tỷ đồng.

Theo Tập đoàn Masan, căn cứ báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động ngày 20/08/2020, 5,74 triệu cp mới đã phân phối cho 31 người lao động, tổng giá trị phát hành tính theo mệnh giá là 57,4 tỷ đồng.

Qua đó, vốn điều lệ của Masan dự kiến tăng từ 11.689 tỷ đồng lên mức 11.747 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, cổ đông đã thông qua phương án phát hành cổ phần mới theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành bằng mệnh giá, tức bằng 10.000 đồng/cp. Tỷ lệ phát hành tối đa là 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành của Công ty.

Đối tượng được phát hành là nhân viên, các công ty con và các công ty liên kết của Masan. Số tiền thu được từ việc phát hành sẽ được sử dụng để tăng vốn điều lệ, phục vụ cho nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động của Công ty.

Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Masan lãi ròng hơn 117 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí bán hàng tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ.

Masan tăng vốn điều lệ lên mức gần 11.750 tỷ đồng

Năm 2020, Masan cũng đặt kế hoạch doanh thu từ 75 - 85 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Một phần lợi nhuận tạo ra sẽ bù đắp do hợp nhất kết quả kinh doanh chuỗi VinMart, VinMart+. Đáng chú ý, Masan chính thức trở lại lĩnh vực bán lẻ với thương vụ mua lại VinCommerce.

Sau khi bắt đầu vận hành hơn 3.000 cửa hàng Vinmart, Vinmart+, doanh nghiệp này đặt nhiều tham vọng lớn trong kế hoạch 5 năm tới và tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới.

Mục tiêu của Masan đến năm 2025 sẽ sở hữu 30.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó tập đoàn tự vận hành 10.000 cửa hàng và 20.000 điểm bán hoạt động theo hình thức nhượng quyền.

Masan kỳ vọng bán lẻ hiện đại sẽ là xu hướng tiêu dùng tất yếu trong tương lai.

Bán lẻ hiện đại dự kiến chiếm đến 50% thị phần trong thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm tới do tầng lớp trung lưu gia tăng, đô thị hóa nhanh chóng và xu hướng tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là sau COVID-19.

Bán lẻ hiện đại được kỳ vọng sẽ tăng trưởng từ 30-50% mỗi năm, so với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của ngành bán lẻ và thực phẩm, đồ uống là 10% trong trung hạn.

Trong một diễn biến mới nhất, Masan cũng ra thông báo về vệc chuyển tên cũ từ của hệ thống Vinmart sang Winmart trong thời gian tới.

Cổ phiếu MSN ngày 26/8 đang được giao dịch ở mức giá 53.700 đồng/cp, giảm khoảng 13% so với mức đỉnh đạt được hồi giữa tháng 5. Tuy nhiên, với mức giá 53.700 đồng/cp như hiện tại, cổ phiếu MSN cũng ghi nhận có mức nhích tăng nhẹ so với mức giá 52.000 đồng/cp ở khoảng một tuần trở lại đây (kết phiên giao dịch hôm 20/8).

T.Hà (TH)/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/masan-tang-von-dieu-le-len-muc-gan-11750-ty-dong-co-phieu-msn-nhich-tang-nhe-d81351.html

Bạn đang đọc bài viết Masan tăng vốn điều lệ lên mức gần 11.750 tỷ đồng, cổ phiếu MSN nhích tăng nhẹ tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Mới đây, trong một đoạn quảng cáo phát đi trên truyền hình của hệ thống bán lẻ VinMart xuất hiện dòng chữ: "VinMart sẽ được đổi tên thành WinMart", khiến nhiều người không khỏi tò mò.