Báo cáo tài chính của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa công bố cho biết, trong quý 2-2020, công ty đã ghi nhận doanh thu bán hàng giảm 50,7% so với cùng kỳ 2019.
Thực tế này khiến cho doanh thu chỉ đạt 13.718 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 1.897,5 tỉ đồng. BSR ghi nhận lợi nhuận trong nửa đầu năm 2020 âm 4.229,9 tỉ đồng.
Lợi nhuận nửa đầu năm - 4.229,9 tỷ đồng
Cụ thể, tháng 4/2020 là cao điểm thực hiện giãn cách xã hội trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng, khiến hoạt động giao thông vận tải, sản xuất kinh doanh đình trệ, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu trong nước giảm mạnh.
Cung vượt quá cầu khiến lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu thô giảm xuống mức âm trong phiên giao dịch rạng sáng ngày 21/4/2020.
Dù giá dầu sau đó đã phục hồi trở lại, song việc giảm mạnh trong tháng 4 kéo theo giá xăng dầu trong nước thời gian này cũng giảm theo.Sản phẩm Mogas 95 được coi là sản phẩm chủ lực mang lại doanh thu và lợi nhuận cho BSR nhưng trong tháng 4 cũng ghi nhận crack spread (chênh lệch giữa giá các sản phẩm bán ra và giá dầu thô nguyên liệu đầu vào) trung bình của tháng là -2,98 USD/thùng, lãnh đạo BSR chia sẻ.
Việc dư thừa dầu còn khiến các nhà máy lọc dầu trong khu vực và trên thế giới giảm giá bán nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho và gây sức ép cạnh tranh lớn về giá bán với xăng dầu sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh khó khăn đó, kết quả kinh doanh của BSR cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực thể thiện qua những giải pháp, nỗ lực của công ty trong cuộc chiến với tác động quá lớn từ sự kiện bất khả kháng quy mô toàn cầu.
Dấu hiệu phục hồi
Cũng theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý 2/2020 của BSR, trong tháng 4 và 5 ghi nhận lỗ nhưng sang tháng 6 BSR đã kinh doanh tốt và bắt đầu có lãi, chấm dứt tình trạng lỗ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu.
Trong quý 2/2020, các chi phí như bán hàng, quản lý đã giảm lần lượt 21,9% và 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 6 tháng giảm lần lượt là 14,4% và 34,8%.Doanh thu tài chính 6 tháng đầu năm đạt 368 tỷ đồng (kế hoạch là 110 tỷ/năm) trong khi chi phí tài chính là 337 tỷ tăng rất ít so kế hoạch là 620 tỷ/năm).
Để cải thiện dòng tiền, BSR một mặt đã thương thảo với khách hàng để đẩy nhanh giải phóng thành phẩm, thu hồi các khoản phải thu; mặt khác điều chỉnh lại công tác nhập hàng, tìm kiếm sự hỗ trợ của nhà cung cấp dầu thô như giãn thời gian thanh toán, giảm cước vận chuyển, tận dụng hiệu quả nguồn vốn lưu động với lãi suất vay ưu đãi từ các ngân hàng…
Kết quả là sau khi âm hơn 3.142 tỷ đồng trong quý đầu năm 2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh của BSR đã thặng dư 882 tỷ đồng trong quý vừa qua. Giá trị hàng tồn kho từ 9.097 tỷ đồng đầu quý đến cuối quý giảm xuống 5.773 tỷ đồng, trong khi giá trị các khoản phải trả nhà cung cấp tăng từ 2.702 tỷ đồng lên 3.117 tỷ đồng.
Công tác thanh toán các khoản nợ vay đến hạn được đảm bảo. 6 tháng đầu năm nay, công ty đã trả thêm 975 tỷ đồng cho khoản gốc vay dài hạn đầu tư nhà máy ban đầu. Dư nợ vay dài hạn giảm từ 4.814 tỷ đồng đầu năm xuống chỉ còn 3.853 tỷ đồng đến cuối quý 2/2020.
Trong 6 tháng đầu năm, công ty đã quản lý công nợ rất tốt. Tại thời điểm 30/06/2020, các khoản phải thu ngắn hạn là 6.926 tỷ đồng, giảm 2.994 tỷ đồng so với cuối 2019 và không có nợ phải thu quá hạn.
Hệ số về khả năng thanh toán hiện hành là 2,044, cho thấy BSR hoàn toàn có khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Hệ số thanh toán nhanh là 1,484, thể hiện tính thanh khoản của BSR được đảm bảo và ở mức cao.
Trước tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát, hoạt động giao thông vận tải, sản xuất cũng từng bước được bình thường giúp nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xăng, dầu trong nước đang hồi phục.
Với kỳ vọng dịch bệnh được kiểm soát, sự phục hồi cả về nhu cầu tiêu thụ và giá dầu chính là cơ sở để kỳ vọng kết quả kinh doanh của BSR sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm nay.
Theo Thanh Hà(t/h)/TCDN