Sau 24 năm hoạt động, Vietnam Airlines vận chuyển trên 200 triệu lượt khách, chinh phục mục tiêu 4 sao. Từ năm 2017, Hãng hàng không quốc gia đã chính thức lên sàn và chọn cổ đông chiến lược là Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản ANA Holding Inc. (Tập đoàn ANA).
Ngày 11/12, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành bật mí "hãng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá, giảm phần vốn nhà nước xuống còn 51%".
Ông Dương Trí Thành cho biết, với tốc độ phát triển vũ bão của ngành hàng không trong 5 năm gần đây (2014-2018) luôn ở mức 2 con số vô hình chung đã tạo nên áp lực cho ngành hàng không từ hạ tầng, nhân lực và sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không với nhau.
"Tôi xin nói thế này, hiện nay, tốc độ tăng trưởng cao nên kế hoạch kinh doanh mỗi tháng của các hãng hàng không buộc phải có sự thay đổi. Việc quá tải, đường bay, khu bay, nhà ga... hiện đang làm các chuyến bay bị kéo dài thêm. Tôi xin ví dụ, tại đường bay Hà Nội - Sài Gòn, mỗi chuyến bay bị kéo dài hơn 5 phút so với trước. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng kinh doanh, sản xuất, lãng phí và tốn kém cho các hãng hàng không", ông Thành chia sẻ.
Ảnh ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines |
Nói về nhân lực, ông Dương Trí Thành cũng cho biết, "do phát triển nóng về đội bay nên phi công của các hãng đang thiếu trầm trọng. Nên nhớ, nếu để đào tạo một người mới cũng sẽ mất 3 năm, muốn bay có kinh nghiệm để lên lái chính phải mất tới 5-6 năm, vì thế, đào tạo một phi công không đơn giản".
"Hiện trung tâm huấn luyên bay của chúng tôi đào tạo khoảng 120 phi công/năm, thời gian qua đã đào tạo tới 1.000 phi công. Tuy nhiên, vẫn không đủ cung cấp cho thị trường hàng không hiện tại. Vì thế, các hãng hàng không phải đi thuê phi công nước ngoài tốn kém chi phí hơn, bất ổn hơn. Về lâu dài, chúng tôi muốn nhiều phi công Việt có thể đủ sức "làm chủ bầu trời", ông Thành nói
Tuy nhiên, ông Dương Trí Thành cũng cho biết, trong chiến lược chung Vietnam Airlines coi tăng trưởng hành khách, hàng hoá là cơ hội lớn cho hãng, chúng ta phát triển nhanh nhưng phải an toàn, chất lượng, từ đó, người dân mới thực sự được hưởng lợi từ vận chuyển, giá thành, dịch vụ, hướng tới phát triển bền vững hơn.
Trong 5 năm (từ 2014 -2019), Vietnam Airlines (VNA) đã thực hiện được rất nhiều mục tiêu quan trọng với khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay. Trước hết, về việc chuyển đổi mô hình hoạt động, cổ phần hóa công ty mẹ, tổng công ty Hàng không Việt Nam, là công việc trọng tâm trong đề án tái cơ cấu. Do chưa có tiền lệ về cổ phần hóa hãng hàng không tại Việt Nam, nên quá trình cổ phần hóa phát sinh nhiều nội dung có tính chất đặc thù và chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp quy hiện hành. Giai đoạn 2013 – 2014, Vietnam Airlines đã thuê tư vấn quốc tế và trong nước xác định giá trị doanh nghiệp, sau đó xây dựng phương án cổ phần hóa bao gồm việc chuyển đổi mô hình hoạt động, chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa, tổ chức bán cổ phần ra công chúng (IPO) cho người lao động và cổ đông chiến lược... và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi hoàn thành IPO, Tổng công ty hàng không Việt Nam đã tổ chức thành công đại hội cổ đông lần thứ nhất và từ ngày 1/4/2015, tổng công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược được triển khai từ tháng 9/2014 và đến tháng 7/2016 tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản – ANA Holdings Inc chính thức trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 8,7% vốn điều lệ của tổng công ty. Vietnam Airlines đã quyết toán, bàn giao vốn nhà nước sau khi thực hiện quyết toán tiền thu cổ phần hóa, chi phí cổ phần hóa và xác định lại giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần. Năm 2017, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines chính thức được niêm yết trên thị trường chứng khoán, đưa Vietnam Airlines trở thành công ty đại chúng có giá trị vốn hóa thuộc tốp đầu thị trường, đánh dấu mốc quan trọng kết thúc quá trình cổ phần hóa. |
Theo Đinh Tịnh/VietNamFinance