Tờ Bloomberg của Mỹ mới đây có bài phỏng vấn với Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng. Mở đầu bài viết, phóng viên người Mỹ tiết lộ rằng vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam đang sở hữu thương hiệu ô tô Vinfast khi tuổi đời mới chỉ được 6 tháng tuổi đang lên kế hoạch vươn mình ra thế giới. Cụ thể, Vinfast tham vọng đi vào thị trường ô tô ở nước Mỹ xa xôi rất “khó tính”.
Điều này gây nhiều bất ngờ trong giới sản xuất ô tô khi ngay cả những tên tuổi lớn như Toyota và Hyundai cũng không thể đạt được khi mới lập nghiệp.
Theo chia sẻ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thương hiệu Vinfast đang nhắm tới mục tiêu mở rộng sang các dòng xe ô tô điện để bán ở trường Mỹ tiềm năng vào năm 2021. Để hoàn thành kế hoạch đó, tỷ phú đô la này dự định sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ USD từ tài sản cá nhân của mình. Số tiền này sẽ chiếm một nửa vốn đầu tư của Vinfast hiện tại.
“Mục tiêu cuối cùng của tôi là tạo ra một thương hiệu toàn cầu”, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói trong bài phỏng vấn với tờ Bloomberg.
Ông chủ thương hiệu Vinfast nói thêm: “Đó chắc chắn là một con đường rất khó khăn và chúng tôi sẽ phải cần đến rất nhiều sự nỗ lực. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một con đường ở phía trước”.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nuôi tham vọng đưa ô tô Vinfast đến thị trường Mỹ |
Nhìn từ thực tiễn, rõ ràng tham vọng vươn ra nước Mỹ hoa lệ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng không phải không có cơ sở khi ông đang sở hữu khối tài sản lên đến 9,1 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg.
Tuy nhiên, để Vinfast tạo được chỗ đứng trên thị trường ô tô trong và ngoài nước, thương hiệu này sẽ không tránh khỏi cuộc chiến cạnh trạnh khốc liệt bởi các thương hiệu ô tô đến từ nhiều quốc gia khác. Trong đó phải kể đến nhà sản xuất ô tô Tata của Ấn Độ hay Proton của Malaysia... Đây là những tên tuổi gặp vô vàn khó khăn ở thị trường nội địa.
Thậm chí, Vinfast cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ những hãng nước ngoài như Toyota, Ford hay Hyundai đã có mặt tại khá lâu ở thị trường Việt Nam.
Trước Vinfast, hàng loạt những nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng ôm tham vọng bán được xe cho người Mỹ từ hơn 1 thập kỷ nay. Mặc dù kế hoạch vẫn chưa đơm hoa kết trái nhưng những nhà sản xuất như Guanshou Automobile hay Zotye Automobile và nhiều thương hiệu khác đã thành lập chi nhánh bán hàng ở Mỹ và thậm chí tạo ra cả những phòng nghiên cứu phát triển để cho thấy nỗ lực nghiêm túc của họ. Tuy nhiên, sự hiện diện của các thương hiệu này cũng không đáng kể ở Mỹ.
Bloomberg cũng dẫn lời ông Vượng cho hay, trong những năm tới, Vingroup dự kiến phải chi tới 18.000 tỷ đồng mỗi năm để bù lỗ cho VinFast, trong đó bao gồm chi phí tài chính, khấu hao và khoản lỗ 7.000 tỷ đồng do bán xe dưới giá thành.
Để thực hiện giấc mơ này, Tập đoàn Vingroup sẽ thoái vốn khỏi các mảng khác để tập trung vào VinFast, đồng thời các công ty con khác cũng được yêu cầu cắt giảm chi phí. VinFast còn tìm kiếm nguồn vốn từ các khoản nợ để bổ sung thêm nguồn lực ngoài 1,95 tỷ USD trái phiếu quốc tế vừa huy động được. Ông Vượng cho biết có kế hoạch đưa cổ phiếu VinFast lên sàn ở cả trong và ngoài nước.
Nên nhớ, thị trường ô tô Mỹ và các thị trường phát triển vẫn được coi là “hòn đá tảng” khi các tiêu chuẩn về khí thải và an toàn vô cùng nghiêm ngặt.
Kết thúc phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán ngày 10/12, cổ phiếu VIC của Vingroup đang “nằm im” ở mức 115.900 đồng/cổ phiếu, do vậy ảnh hưởng không đáng kể đến chỉ số VN-Index.
T.Hà/Sở hữu Trí tuệ