Cổ phiếu MSN tiếp tục giảm sàn
Theo thống kê trong phiên giao dịch ngày 3/12, cổ phiếu MSN giảm 7% và đến ngày 4/12 cổ phiếu này tiếp tục giảm 2,6% (giảm thêm 1.700 đồng so với ngày 3/12) ở mức 62.500 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, sau 2 phiên giao dịch kể từ ngày có thông tin về thương vụ sáp nhập Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce và Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup, mã chứng khoán: VIC) vào Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Consumer Masan, thuộc Tập đoàn Masan, mã chứng khoán: MSN), giá cổ phiếu MSN đã giảm gần 10%, tương đương với vốn hoá mất đi hàng nghìn tỷ đồng.
Sau thương vụ sáp nhập giữa Masan và Vingroup, cổ phiếu MSN đã giảm 2 phiên liên tiếp |
Ngoài đà giảm mạnh của cổ phiếu MSN hai phiên gần đây, sau thông tin sáp nhập mảng bán lẻ và nông nghiệp của Tập đoàn Vingroup, nhà đầu tư nước ngoài đang ồ ạt bán tháo cổ phiếu này.
Cụ thể, MSN đã trải qua 2 phiên giao dịch với khối lượng cao đột biến, gần 8 triệu cổ phiếu khớp lệnh giao dịch trên sàn, tương đương 0,07% vốn điều lệ doanh nghiệp. Riêng phiên giao dịch hôm 4/12, đã có hơn 5,5 triệu cổ phiếu MSN khớp lệnh.
Thương vụ M&A giữa Masan - Vingroup có gây bất ngờ?
Về nội dung thỏa thuận này, VinCommerce và VinEco sáp nhập vào Consumer Masan để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ. Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Đây là một động thái khá bất ngờ, bởi VinMart đang là thương hiệu thống lĩnh thị trường siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tổng số lượng cửa hàng chiếm 53% thị phần, bỏ xa 2 đối thủ nội địa là Bách Hóa Xanh và Co.Opmart.
Tuy nhiên, nhìn một cách sâu xa, thương vụ này không có gì bất ngờ, bởi tính đến thời điểm sáp nhập vào Masan Consumer, thì VinCommerce đã sở hữu sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành, còn VinEco có 14 nông trường công nghệ cao. Tuy nhiên, Vingroup đã phải đánh đổi lợi nhuận để mở rộng thị phần lớn như vậy, cụ thể trong 9 tháng đầu năm 2019, mảng bán lẻ của tập đoàn này đã lỗ hơn 3.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Masan đang sản xuất nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày, như nước tương-nước mắm, tương ớt, mì gói, nước ngọt, cà phê, bia, thịt ...
Sau khi nhận sáp nhập VinCommerce và VinEco, Masan có thể tận dụng mạng lưới của VinCommerce để phân phối các sản phẩm của mình, đồng thời có lợi thế đàm phán với các đại lý phân phối của mình.
Đặc biệt, thương vụ M&A này sẽ giúp Masan đẩy mạnh tăng trưởng mảng thịt của Masan Meat Life mà không phải phát triển mạng lưới phân phối của riêng mình từ đầu. Sở hữu một hệ thống lớn như VinCommerce sẽ giúp Masan tối ưu được kênh phân phối, giảm tỷ lệ chi phí trung gian tới tay người tiêu dùng, nhờ vậy lợi nhuận của Masan chắc chắn sẽ tăng lên.
Hai tỷ phú Phạm Nhật Vượng (trái) và Nguyễn Đăng Quang đã thực hiện thương vụ M&A được coi là lớn nhất tại Việt Nam |
Phải nhắc lại rằng, thương vụ sáp nhập VinCommerce và VinEco về Masan ngay khi được công bố chưa đầy 1 tháng sau khi Vinmart tuyên bố sẽ mở rộng với mục tiêu 10.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi đến năm 2025 so với con số 2.600 hiện tại. Điều này cũng có cơ sở khi 3 tháng trước, Vincommerce cũng vừa nhận 500 triệu USD đầu tư từ quỹ GIC.
Theo giới phân tích, với việc chuyển quyền kiểm soát, điều hành hệ thống hơn 2.600 cửa hàng sang cho Masan, Vingroup chấp nhận buông bớt mảng bán lẻ để tập trung cho định hướng sản xuất công nghiệp - công nghệ.
Khẳng định thêm điều này, ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT Masan Consumer Holding cho hay, mục tiêu thông qua thương vụ là phát triển một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới.
Hai chiều hướng kinh doanh đối nghịch
Ở chiều hướng khác trước khi thương vụ sáp nhập này diễn ra, tình hình kinh doanh của mảng bán lẻ tại Vingroup và hàng tiêu dùng tại Masan đang ở hai thái cực trái ngược. Trong khi Masan Consumer đang hoạt động ổn định với lợi nhuận 3.000-4.000 tỷ đồng/năm, thì mảng bán lẻ của Vingroup (chủ yếu từ Vinmart và Vinmart+) vẫn đang thua lỗ.
Năm 2018, công ty hàng tiêu dùng này ghi nhận 17.290 tỷ đồng doanh thu thuần, với biên lãi gộp xấp xỉ 45%/năm, công ty thu về 3.894 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau khi trừ chi phí. Những năm trước, doanh thu của doanh nghiệp này đều dao động trong khoảng 13.000-14.000 tỷ đồng/năm, cùng lợi nhuận trước thuế trên dưới 3.000 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm nay, Masan Consumer cũng đạt 12.320 tỷ doanh thu thuần, tăng 6% so với cùng kỳ, kèm khoản lợi nhuận trước thuế 2.755 tỷ đồng.
Hệ thống Vinmart và Vinmart+ liên tục thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng những năm gần đây |
Ngược lại, Công ty VinCommerce là doanh nghiệp vận hành chính mảng bán lẻ của Vingroup với hai chuỗi Vinmart và Vinmart+.
Hiện tại, đây đang là chuỗi bán lẻ có quy mô điểm bán lớn nhất thị trường trong nước với hơn 2.600 điểm. Với nguồn thu chính từ 2 chuỗi siêu thị và cửa hàng này, bán lẻ cũng là mảng kinh doanh lớn thứ 2 của Vingroup trong nhiều năm gần đây.
Năm 2018, bán lẻ mang về cho tập đoàn 19.326 tỷ đồng doanh thu, chiếm 16% doanh thu hợp nhất. Tuy nhiên, kinh doanh chưa đạt điểm hòa vốn. Năm ngoái, mảng bán lẻ của Vingroup lỗ trước thuế 5.121 tỷ đồng, lớn nhất trong các mảng kinh doanh.
Báo cáo tài chính những năm gần đây của Vingroup đều cho biết bán lẻ là một trong những mảng thua lỗ nhiều nhất. 9 tháng từ đầu năm nay, dù doanh thu bán lẻ tiếp tục tăng, đạt 21.883 tỷ đồng, nhưng vẫn lỗ 3.461 tỷ đồng.
Theo số liệu trên bảng cân đối kế toán, Masan Consumer đang có khoản lãi lũy kế hơn 1.700 tỷ đồng. Trong khi lỗ lũy kế ở mảng bán lẻ của Vingroup đã vượt ngưỡng 17.000 tỷ đồng từ năm 2014 đến nay.
Cũng trong năm 2018, lợi nhuận trước thuế tại Công ty Hàng tiêu dùng Masan đạt gần 3.900 tỷ đồng, trong khi đó, mảng bán lẻ của Vingroup (chủ yếu là Vinmart, Vinmart+) lỗ hơn 5.100 tỷ đồng.
T.Hà (TH)/Sở hữu Trí tuệ