Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Tập đoàn Hà Đô: Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu hơn 300%, cao nhất trên sàn chứng khoán

Mai Hương 11:38 04/12/2019

Tính đến quý 3/2019, vốn chủ sở hữu của HDG là 3.223 tỷ đồng, nhưng tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này hơn 9.831 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của HDG tăng lên tới mức hơn 300%.

Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của HDG hơn 300%

Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2019, HDG ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 3.118 tỷ đồng. Trong đó, 65% doanh thu đến từ mảng kinh doanh BĐS, 10% đến từ mảng xây lắp, 17% đến từ mảng năng lượng, 9% thuộc về mảng khách sạn và dịch vụ khác. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng của HDG đạt 796 tỷ đồng, hoàn thành 64% kế hoạch năm.

Tính đến quý 3/2019, vốn chủ sở hữu của HDG là 3.223 tỷ đồng, nhưng tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này hơn 9.831 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của HDG tăng lên tới mức hơn 300%.

Như vậy, HDG đang dẫn đầu nhóm doanh nghiệp BĐS quy mô nhỏ và vừa có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cao nhất trên sàn chứng khoán. Điều này đang khiến áp lực trả nợ của HDG ngày càng lớn.

Ngoài HDG, một số doanh nghiệp BĐS khác cũng có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu khá cao, như Công ty CP Tập đoàn Phát Đạt (HoSE: PDR) có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu khoảng hơn 216%; Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 130%...

Sức ép nợ vay

Theo ông Nguyễn Quốc Thái - Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán AVA Việt Nam, nếu hệ số nợ/vốn chủ sở hữu lớn hơn 100%, có nghĩa là tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ; còn ngược lại thì tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu.

Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. "Hệ số này càng lớn, thì khả năng các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản càng cao", ông Thái nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Quốc Thái, việc sử dụng nợ vay cũng có một ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được tính vào chi phí của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro tài chính và ưu điểm của vay nợ nhằm đảm bảo một tỷ lệ hợp lý nhất.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2019, Hà Đô ghi nhận doanh thu hợp nhất cao gấp 2,3 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng Hà Đô theo đó cũng tăng trưởng đột biến 255% so với cùng kỳ năm trước, đạt 796 tỷ đồng và hoàn thành 64% kế hoạch năm.

Còn kết thúc năm 2018 Hà Đô đạt 3.221 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 40,2% so với năm 2017 nhưng cũng chỉ mới hoàn thành 75% so với doanh thu đạt được năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 787,5 tỷ đồng, gấp 2,88 lần lợi nhuận đạt được năm 2017 vượt 7,3% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Tổng LNST chưa phân phối đến cuối năm 2018 đạt gần 821 tỷ đồng.

Trong vòng 1 năm qua, giá cổ phiếu HDG đã tăng gần 17%, nhưng trong 1 tháng qua lại giảm gần 11%, với khối lượng giao dịch hơn 442.000 đơn vị/phiên. Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/12, giá cổ phiếu HDG giảm 3,81% đóng cửa ở mức 31.600 đồng/cp.

Theo phân tích kỹ thuật, giá cổ phiếu HDG vẫn đang tiếp tục điều chỉnh. Gần đây, cổ phiếu HDG ghi nhận 3 phiên giảm liên tiếp, phiên sáng ngày 4/12, cổ phiếu HDG giảm nhẹ xuống còn 31.250 đồng. Trong khi đó, mức 38.000đ/cp vẫn đang là mức kháng cự mạnh đối với HDG.

Gần đây, cổ phiếu HDG ghi nhận 3 phiên giảm liên tiếp.

Con nợ vẫn...cho vay nợ

Hà Đô đã mang hàng loạt dự án quan trọng đi cầm cố, khiến nợ phải trả cao gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu. Thế nhưng, doanh nghiệp này vẫn thông qua việc cho 2 công ty vay không có tài sản đảm bảo.

Cụ thể, khoản cho vay thứ nhất giá trị 22 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục 1, thời gian vay 12 tháng. Khoản cho vay thứ hai cho Công ty cổ phần Hà Đô 45 vay, trị giá 32 tỷ đồng, thời hạn vay 7 tháng.

Cả 2 khoản cho vay này đều thực hiện theo hình thức giải ngân là chuyển khoản, bù trừ công nợ.

Hội đồng quản trị ủy quyền cho ông Nguyễn Trọng Minh, Phó Tổng giám đốc thực hiện các thủ tục liên quan đến 2 khoản cho vay trên.

Vừa qua, HDG đã vi phạm 2 lỗi là khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp và khai sai nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Tổng số tiền mà HDG bị truy thu, tiền phạt hành chính và tiền chậm nộp thuế là hơn 5.65 tỷ đồng.

Năm 1990 Thành lập Xí nghiệp xây dựng trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng.

Năm 1992 Xí nghiệp xây dựng được chuyển sang đơn vị hạch toán độc lập và đổi tên thành Công ty Xây dựng Hà Đô.

Năm 2004 Công ty Hà Đô được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Hà Đô. Năm 2010 Chính thức niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE nay là HSX) với mã cổ phiếu là HDG. Chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (Viết tắt là Tập đoàn Hà Đô). Công ty hoạt động trong các lĩnh vực: Bất động sản, Xây dựng, phát triển năng lượng (đầu tư, thi công, lắp đặt,...) và thương mại dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, du lịch sinh thái).

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tap-doan-ha-do-he-so-no-von-chu-so-huu-hon-300-cao-nhat-tren-san-chung-khoan-d66350.html

Bạn đang đọc bài viết Tập đoàn Hà Đô: Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu hơn 300%, cao nhất trên sàn chứng khoán tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp