Theo thông tin được nhiều doanh nghiệp chia sẻ tại mùa đại hội đồng cổ đông muộn năm nay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất - kinh doanh trong nửa đầu năm 2020 nhìn chung khó khăn, có những doanh nghiệp thông báo cho cổ đông về kết quả kinh doanh sụt giảm, thậm chí thua lỗ, bởi hoạt động trong lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19.
Halico 6 tháng đầu năm 2020 báo lỗ 15 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Cồn rượu Hà Nội – HALICO (UpCOM: HNR) đã công bố BCTC quý 2/2020 với khoản lỗ hơn 6 tỷ đồng.
Theo đó doanh thu thuần đạt hơn 26 tỷ đồng tăng 30% so với cùng kỳ trong đó doanh thu bán hàng thành phẩm rượu giảm 22% và doanh thu khác tăng mạnh đạt 9,4 tỷ đồngSau khi trừ giá vốn Halico lãi gộp 2,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gộp 8,3 tỷ đồng. Nỗ lực cắt giảm chi phí giúp Halico chỉ còn lỗ ròng 6 tỷ đồng thay vì khoản lỗ hơn 29 tỷ đồng như trong quý 2/2019 – Halico đã lỗ liên tiếp trong nhiều quý vừa qua.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Halico đạt 53 tỷ đồng doanh thu giảm 24% so với cùng kỳ, LNST âm gần 15 tỷ đồng nâng lỗ lũy kế tính đến hết 30/6/2020 lên 428,6 tỷ đồng cao gấp hơn 2 lần vốn điều lệ 200 tỷ đồng của công ty.
Được biết tại ĐHĐCĐ 2020, cổ đông công ty đã thông qua mục tiêu doanh thu 223 tỷ đồng và lỗ trước thuế 31,5 tỷ đồng. Đại hội cũng đã thông qua việc đổi tên công ty thành CTCP Rượu và nước giải khát Hà Nội.
Halico tiền thân là Nhà máy Rượu Hà Nội xây dựng từ năm 1898. Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần từ tháng 12/2016 với vốn điều lệ 48,5 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của công ty này ở mức 200 tỷ đồng.
Đây cũng là một trong số ít doanh nghiệp chuyên sản xuất rượu lớn nhất tại Việt Nam. Từng có giai đoạn Halico chiếm đa số thị phần tiêu thụ rượu tại phía Bắc, kết quả kinh doanh những năm trước 2010 cũng rất khả quan. Công ty này thậm chí từng được đánh giá là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh, với mức tăng bình quân 25% mỗi năm.
Habeco Hải Phòng (HBH): 6 tháng đầu năm 2020 lỗ 4 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Habeco - Hải Phòng (UpCOM: HBH) đã công bố BCTC quý 2/2020 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2020.
Theo đó, riêng quý 2 doanh thu thuần đạt 67 tỷ đồng tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ, tuy nhiên giá vốn hàng bán chiếm tới 99,6% trong doanh thu thuần nên lãi gộp chỉ còn 311 triệu đồng giảm mạnh so với con số lãi gộp gần 8 tỷ đồng trong quý 2/2019.
Lãi gộp thấp trong khi phải chi trả 1 tỷ đồng chi phí tài chính, gần 1,3 tỷ đồng chi phí QLDN nên kết quả Habeco – Hải Phòng lỗ ròng 1,78 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 6 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, HBH đạt 86,8 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 23% so với cùng kỳ, LNST âm 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 5,2 tỷ đồng.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã thua lỗ hơn 450 tỷ đồng.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, sản lượng toàn ngành đạt được trong 6 tháng chỉ đạt 3.087 tỷ đồng, bằng 78,6% cùng kỳ; doanh thu chỉ đạt 3.023 tỷ đồng, bằng 80,6% cùng kỳ. Trong đó, công ty mẹ doanh thu điều hành giao thông vận tải thực hiện 823,8 tỷ, bằng 75,9% cùng kỳ.
Khối vận tải ảnh hưởng nặng nề nhất do phải dừng chạy nhiều tàu khách trên các tuyến.
Tính từ tháng 2 đến thời điểm tháng 5/2020, Tổng công ty đã giảm khai thác 2.886 chuyến tàu so với cùng kỳ; sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội nhưng chưa công bố hết dịch, đến nay tỷ lệ chiếm chỗ trên các đoàn tàu cũng chỉ đạt trên dưới 56%.
Dù vận tải hàng hóa vẫn duy trì được ổn định, bù đắp cho vận tải hành khách nhưng tính chung doanh thu vận tải vẫn chỉ đạt khoảng 1.631 tỷ, bằng 70% cùng kỳ. Dự kiến 6 tháng đầu năm lỗ từ hoạt động vận tải khoảng 450,6 tỷ đồng.
Khối công nghiệp cơ khí cũng tương tự, sản lượng thực hiện được 57,3 tỷ, chỉ bằng 19,1% cùng kỳ; doanh thu 80,5 tỷ, bằng 43,7% cùng kỳ.
Cũng do ảnh hưởng dịch Covid-19, 4.387 lao động phục vụ các đoàn tàu khách thuộc các đơn vị vận tải đường sắt bị thiếu việc làm, với các hình thức lao động nghỉ luân phiên từ 5 ngày đến 13 ngày/tháng, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng.
Số lao động bị thiếu việc làm chiếm tỷ lệ khoảng 78,3% số lao động hiện có phục vụ vận tải của các công ty CP vận tải đường sắt.
Tuy nhiên, theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sản xuất kinh doanh của các đơn vị đường sắt tuy bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 như vậy nhưng chưa hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng (do không đủ điều kiện hoặc đang tiếp tục kiến nghị). Vì vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống cho người lao động gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc duy trì dòng tiền phục vụ sản xuất.
Doanh nghiệp ngành hàng hải, hàng không bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19
Tại cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2020, lãnh đạo Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) chia sẻ, quý II, ACV dự kiến lỗ khoảng 400 tỷ đồng, chưa tính tới doanh thu tài chính; lợi nhuận năm 2020 là nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với ACV và ảnh hưởng từ dịch bệnh có thể mất vài năm để phục hồi.
“Doanh thu quốc tế chiếm hơn 60% doanh thu của ACV. Hoạt động hàng không nội địa gần như phục hồi trong tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, doanh thu hàng không nội địa trong tháng 6 là 480 tỷ đồng, song chi phí khoảng 600 tỷ đồng, tức ACV đang lỗ. Thị trường nội địa phục hồi, số lượng hành khách cao, nhưng việc không có thị trường quốc tế ảnh hưởng lớn đến doanh thu và kế hoạch sản xuất - kinh doanh của ACV”, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV nói.
Ðối với Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT), cập nhật kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy, doanh thu hợp nhất ước đạt 3.645 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 350 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc PVT, cuối năm 2019, Ban lãnh đạo đưa ra kế hoạch năm 2020, nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến mọi kế hoạch thay đổi hoàn toàn. Nhận định về tình hình kinh doanh 6 tháng cuối năm, ông Việt Anh cho rằng, đó là giai đoạn “dò đá qua sông”, nên phải đẩy mạnh công tác dự báo.
Công ty cổ phần Ðại lý Hàng hải Việt Nam (VSA) cho biết, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 429 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ, do giá dịch vụ của các hãng tàu cao hơn nhiều so với mức giá thường lệ. Tuy nhiên, lợi nhuận 6 tháng ước đạt khoảng 16 tỷ đồng, không bằng cùng kỳ.
Mộc Diệp(TH)/ Sở hữu trí tuệ