Hà Nội, Thứ Hai Ngày 16/09/2024

Tập đoàn Khải Vy gánh khoản nợ khổng lồ: “Ông trùm” thoái lui

NGƯỜI ĐƯA TIN PHÁP LUẬT 16:23 15/07/2021

“Ông trùm” của đế chế Khải Vy đã rút khỏi vị trí chủ chốt và nhiều đơn vị trong hệ sinh thái này, để lại nhiều khoản nợ khổng lồ.

Khoản nợ nghìn tỷ thế chấp những gì?

Mới đây, một ngân hàng có chi nhánh tại TP.HCM thông báo về việc bán đấu giá của khoản nợ của công ty CP Tập đoàn Khải Vy (có địa chỉ tại 422 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Quy, quận 7, gọi tắt là Tập đoàn Khải Vy).

Tính đến thời điểm tháng 6/2021, tổng dư nợ của Khải Vy là hơn 1.000 tỷ đồng, bao gồm: dư nợ gốc gần 410 tỷ đồng, lãi gần 630 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo gồm 9 hạng mục, trong đó nổi bật có tòa nhà Crystal Palace tại lô C17-1-2 (thuộc phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM).

Cụ thể là quyền sử dụng đất và công trình trên đất tại địa chỉ số 13 đường Nguyễn Lương Bằng (phường Tân Phú) có diện tích 2.675 m2, mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ, thời hạn sử dụng đến năm 2058, nguồn gốc sử dụng đất là nhận quyền sử dụng đất được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Tiêu dùng & Dư luận - Tập đoàn Khải Vy gánh khoản nợ khổng lồ: “Ông trùm” thoái lui

Thông tin về khoản nợ của Tập đoàn Khải Vy.

Đây là trung tâm Hội nghị tiệc cưới - nhà hàng - khách sạn, có diện tích xây dựng 1.636 m2, diện tích sàn xây dựng là 15.471 m2.

Ngoài tài sản nêu trên, còn có 1 tài sản hết sức đáng chú ý là gần 9 triệu cổ phần của công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang (thuộc hệ sinh thái Khải Vy) phát hành.

Đây là một trong những khu du lịch nổi tiếng của Khánh Hòa cũng như cả nước, sở hữu mặt bằng tuyệt đẹp, cùng với nhiều hạng mục xây dựng tại đây.

Bên cạnh đó, Khải Vy còn “cắm” 367ha rừng trồng (gồm 266,2ha cây keo lai và 100,8ha cây cao su) tại tiểu khu 1694, 1695, 1696 - Lâm trường Đắk Hà (thuộc xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).

Và 6 xe ô tô các loại, gồm: Toyota Fortuner biển số 51A-350.58, BMW biển số 51A-55239, BMW biển số 51A-552.38, Mitsubishi Grandis biển số 51A-417.17, Bluebird biển số 51B-08313, Bluebird biển số 51B-085.00.

Một trong những tài sản đảm bảo cho khoản vay là tòa nhà Crystal Palace (quận 7).

Chưa hết, tài sản bảo đảm là các khoản phải thu với tổng giá trị hơn 51 tỷ đồng (thời điểm nhận thế chấp 4/7/2014) của Tập Đoàn Khải Vy tại công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang.

Các máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ của Tập Đoàn Khải Vy cũng như công trình xây dựng trên đất, máy móc thiết bị sản xuất gỗ của công ty TNHH TM SX Duyên Hải (tại KCN Long Mỹ, xã Phước Mỹ, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Tài sản bảo đảm thứ 8, trong tổng số 9 hạng mục là công trình xây dựng trên đất, máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ của công ty TNHH TM SX Khải Vy Quy Nhơn (tại KCN Long Mỹ, xã Phước Mỹ, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Và tài sản bảo đảm thứ 9 tại ngân hàng này là các máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ của công ty CP Đầu tư và Phát triển Khải Vy.

Một tài sản hết sức đáng chú ý là gần 9 triệu cổ phần của công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang.

Đáng nói, đây là lần thông báo thứ 2 của ngân hàng để bán khoản nợ này. Do tình hình khó khăn chung, dịch bệnh và khoản nợ lớn nên chưa có “đầu ra” trong lần thông báo thứ nhất (tháng 10/2019) cho đến nay.

Đây cũng là bối cảnh chung của nhiều tổ chức tín dụng trong việc chào bán các khoản nợ. Hiện, một số tổ chức tín dụng cũng đang vướng vào các khoản nợ khổng lồ do các đại gia để lại, với số tiền hàng nghìn tỷ đồng/khoản nợ.

“Ông trùm” thoái lui

Theo thông tin từ Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (PV cập nhật ngày 13/7), Tập đoàn Khải Vy có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất giường, tủ, bàn ghế.

Chi tiết là sản xuất hàng trang trí nội - ngoại thất bằng gỗ, sắt, nhôm. Đây chính là ngành nghề chính mà Khải Vy khởi nghiệp, bước chân vào thị trường.

Năm 1995, ông Đoàn Văn Trang, SN 1963, quê Bình Định đã mở nhà máy chế biến gỗ Duyên Hải tại Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Còn "đề chế" Khải Vy thành lập vào năm 2000, ban đầu có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, do 3 cá nhân sở hữu, là: ông Trang nắm giữ hầu hết cổ phần, lên tới 98,5%, bà Mai Thị Mai (vợ ông Trang) và ông Nguyễn Quốc Bảo.

Tập đoàn Khải Vy gánh khoản nợ khổng lồ: “Ông trùm” thoái lui?.

Doanh nghiệp này có ngành nghề chính là sản xuất gỗ, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Sau một thời gian, lấn sân sang lĩnh vực BĐS, khi liên tiếp đầu tư vào nhiều chuỗi nghỉ dưỡng, khách sạn, khu dân cư.

Điển hình là thực hiện dự án nghỉ dưỡng Hòn Tằm (vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) có tổng mức đầu tư hơn 40 triệu USD. Hòn Tằm xây dựng 49 bungalow, 15 căn Villa.

Mới đây, công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang bị cơ quan chức năng TP.Nha Trang xử phạt số tiền 40 triệu đồng về hành vi xây dựng không phép tại khu nghỉ dưỡng Hòn Tằm.

Điều đáng nói, trong quá trình thực hiện việc xây dựng không phép này, công ty tiến hành san ủi mặt bằng đã tràn đất đá xuống biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái khu vực này. Mặt khác, còn đe doạ rạn san hô, dẫn tới khả năng khó phục hồi nguyên trạng ban đầu.

Dự án khách sạn 5 sao của Khải Vy xây dựng không phép.

Một trong những dự án nổi bật của Tập đoàn Khải Vy là xây dựng trung tâm Hội nghị tiệc cưới - khách sạn Crystal Palace (quận 7, TP.HCM) và đưa vào sử dụng hồi năm 2015.

Trung tâm có 4 sảnh tiệc cưới, sức chứa khoảng 1.500 khách, cùng 80 phòng khách sạn (chuẩn 4 sao). Đây được xem là một trong những dự án lớn của doanh nghiệp này và tại khu vực quận 7.

Tiếp đó, năm 2017, doanh nghiệp này được chấp thuận đầu tư Dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy tại phường Phú Thuận (quận 7), có tổng mức đầu tư dự kiến trên 8.200 tỷ đồng, trên khu đất gần 80.000 m2.

Dự án này đã bán cho một doanh nghiệp BĐS lớn tại TP.HCM sau 2 tháng ông Trang thành lập công ty BĐS Khải Thịnh.

Tiêu dùng & Dư luận - Tập đoàn Khải Vy gánh khoản nợ khổng lồ: “Ông trùm” thoái lui (Hình 6).

Năm 2018, Khải Vy mua lại dự án khách sạn Sài Gòn Mới và tiến hành xây dựng khách sạn 5 sao, đổi tên thành MerPerle Đà Lạt.

Dự án này có hơn 11.000 m2 đất, vốn được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Sài Gòn thực hiện dự án khách sạn Sài Gòn Mới vào năm 2009.

Liên quan đến dự án này, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó có dự án khách sạn 5 sao (MerPerle Đà Lạt, tại số 1 đường Hùng Vương, phường 10, TP Đà Lạt) với nhiều sai phạm, tuy nhiên vẫn chưa được xử lý triệt để.

Đặc biệt là việc chậm tiến độ và gia hạn để thực hiện dự án, số tiền cho thuê đất hàng năm… Vì vậy,Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, rà soát lại năng lực tài chính, yêu cầu chủ đầu tư mới (Tập đoàn Khải Vy) phải ký quỹ để thực hiện dự án, cam kết thời hạn hoàn thành.

Trường hợp chậm tiến độ so với cam kết và không hoàn thành dự án theo tiến độ thì chấm dứt hoạt động, thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Một số đơn vị trong hệ sinh thái Khải Vy đã thay đổi hoặc đóng mã số thuế.

Theo thông mà PV Người Đưa Tin Pháp luật có được, chi nhánh công ty CP Tập đoàn Khải Vy tại Đắk Nông (có địa chỉ tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.

Tương tự là chi nhánh công ty CP Tập đoàn Khải Vy tại Quy Nhơn đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế từ tháng 10/2013. Trong khi đó, Chi nhánh Crystal Palace công ty CP Tập đoàn Khải Vy thay đổi thông tin hoạt động từ tháng 12/2020 và được cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế.

Như vậy, hàng loạt đơn vị thuộc hệ sinh thái của Khải Vy hoặc đã ngừng hoạt động hoặc thay đổi.

Trong đó, theo thông tin của PV, nhiều đơn vị của Khải Vy không còn tên ông Trang ở vị trí chủ chốt hoặc làm đại diện pháp luật (ngoài là các đơn vị có người đại diện pháp luật là ông Bảo), điển hình như: Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang, có người đại diện pháp luật là ông Phạm Minh Nhựt (SN 1961).

Trong khi đó, tại công ty CP BĐS Khải Thịnh sinh ra để thực hiện dự án bán Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy đã nêu trên cũng đã đổi chủ.

Công ty này thành lập hồi tháng 1/2018, có vốn điều lệ 540 tỷ đồng, do ông Trang làm đại diện pháp luật, tuy nhiên 2 tháng sau (tháng 3/2018), ông Trang đã rút lui khỏi vị trí này, thay vào đó là ông Trần Tựu (SN 1978).

Trong thời điểm khó khăn chung, dịch bệnh covid, du lịch đóng băng, liệu Khải Vy có vực dậy?.

Như vậy, cùng với các vị trí “nhường” cho ông Bảo dưới đây, ông Trang đã rút khỏi vị trí quan trọng nhất của Tập đoàn Khải Vy (tháng 10/2019) và nhiều đơn vị thuộc hệ sinh thái Khải Vy.

Ai đang ngồi "ghế nóng"?

Như đã đề cập ở trên, Tập đoàn Khải Vy hiện có người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch HĐQT.

Doanh nghiệp này thay đổi giấy chứng nhận đăng ký lần thứ 25 vào ngày 6/8/2020. Như vậy, hiện nay ông Bảo đang đứng sau đế chế Khải Vy thay cho ông Trang trong thời gian 20 năm.

Ông Bảo (SN 1960), từng là thành viên của Tập đoàn Khải Vy từ những ngày đầu thành lập. Ông Bảo thay cho ông Trang đã rút khỏi vị trí này, đồng thời ở nhiều đơn vị khác trong hệ sinh thái Khải Vy.

Theo đó, ngoài công ty mẹ, ông Bảo còn đại diện cho các đơn vị trong hệ sinh thái Khải Vy: Chi nhánh công ty CP Tập đoàn Khải Vy tại Đắk Nông, công ty CP Đầu tư và Phát triển Khải Vy, công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Duyên Hải, công ty CP Merperle Đà Lạt.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/tap-doan-khai-vy-ganh-khoan-no-khong-lo-ong-trum-thoai-lui-a520753.html

Bạn đang đọc bài viết Tập đoàn Khải Vy gánh khoản nợ khổng lồ: “Ông trùm” thoái lui tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp