Khu nhà đất tại số 67 - Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). |
Bài 3: Bộ, ngành, địa phương nào phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm?
Không chỉ đề nghị chuyển điều tra việc Vinatea đem 12 lô đất đi góp vốn liên doanh, liên kết; đề nghị Vinafor cung cấp hồ sơ để cơ quan chức năng điều tra xử lý với lô đất “vàng” ở Hà Nội, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương kiểm điểm, xử lý sai phạm đối với cá nhân, tổ chức liên quan.
Những “tấc vàng” liên doanh, liên kết đã rơi vào tay ai?
Sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng (đã được chấp thuận - PV) giao Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý đối với việc trước khi cổ phần hóa, Hội đồng Quản trị, Ban Tổng giám đốc Vinatea đem 12 lô đất đi góp vốn liên doanh, liên kết.
Theo tư liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, 12 lô đất này có tổng diện tích hơn 68.000 m2, được xem là “đất vàng”, nằm ở nhiều tỉnh, thành phố lớn, hiện đã ở trong tay doanh nghiệp khác.
Cụ thể, tại Hà Nội, Vinatea liên doanh, liên kết với Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nhật Minh (Công ty Nhật Minh) để xây dựng Khu nhà trung tâm thương mại và dịch vụ trên diện tích khu đất 450,5 m2, bao gồm cả diện tích 60,9 m2 khu đất tại số 25D - Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội). Sau đó, Hội đồng Quản trị Vinatea ra Nghị quyết về việc thoái vốn đầu tư tại số 25D - Cát Linh. Đến thời điểm thanh tra, khu đất này do Công ty Nhật Minh quản lý, sử dụng.
Cũng tại Hà Nội, khu đất diện tích 1.500 m2 tại phố Trần Khát Chân (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép liên doanh với đối tác nước ngoài để đầu tư xây dựng Trung tâm Đấu giá chè và Khách sạn quốc tế Hương Trà.
Sau khi chi 3,8 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng, ngày 22/9/2011, Vinatea và đại diện Công ty cổ phần Sông Châu đã ký hợp đồng (không số) thống nhất nội dung: Vinatea chuyển nhượng dự án, trong đó có phần vốn góp của Vinatea là 10 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, khu đất này do Công ty cổ phần Sông Châu quản lý, sử dụng.
Còn khu đất hơn 689 m2 là trụ sở của Vinatea tại số 92 - Võ Thị Sáu (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng), nguyên gốc là do UBND TP. Hà Nội cho thuê để xây dựng nhà điều hành và quản lý sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Vinatea đã cắt hơn 244 m2 trong tổng diện tích hơn 689 m2 cho Công ty cổ phần Sông Châu thuê với thời hạn 30 năm, tính từ ngày 1/10/2014.
Với khu đất 6.000 m2 tại xã Việt Hùng (huyện Đông Anh), ngày 26/8/2013, Vinatea đã ký Hợp đồng Hợp tác kinh doanh số 108/CVN-HĐHTĐT thành lập Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại HDD Việt Hùng (Công ty Việt Hùng), vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Trong đó, Vinatea góp bằng giá trị tải sản khu đất là 5,3 tỷ đồng (35,33% vốn điều lệ). Sau đó, Vinatea thoái vốn, Công ty Việt Hùng đã thanh toán cho Vinatea 4,8 tỷ đồng; còn 0,5 tỷ đồng, đơn vị báo cáo đã được thanh toán, nhưng... thất lạc hồ sơ, tài liệu. Hiện nay, khu đất này do Công ty Việt Hùng quản lý, sử dụng.
Ở Hải Phòng, với khu đất có diện tích 1.820,4 m2 tại số 126 - Lạch Tray (quận Ngô Quyền), Hội đồng Quản trị Vinatea ra Nghị quyết số 121/2008 ngày 10/3/2008 duyệt việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Duyên Hải (Công ty Duyên Hải), vốn điều lệ 20 tỷ đồng, mỗi bên góp 25% (tương ứng 5 tỷ đồng). Tới ngày 8/4/2009, Hội đồng Quản trị Vinatea có Nghị quyết số 284/2009 thoái toàn bộ vốn tại Công ty Duyên Hải, trong đó có khu đất số 126 - Lạch Tray. Đến thời điểm thanh tra, khu đất này do Công ty Duyên Hải quản lý, sử dụng.
Với khu đất hơn 11.600 m2 tại số 341 - Vạn Mỹ (quận Hải An), ngày 26/10/2009, Vinatea và Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Thành Đạt ký hợp đồng góp vốn liên doanh thành lập pháp nhân mới với tên là Công ty cổ phần Thương mại Nam Cường (Công ty Nam Cường) với tổng vốn góp 25 tỷ đồng, trong đó, Vinatea góp 20,5 tỷ đồng (chiếm 82% vốn điều lệ), còn lại của các cổ đông khác. Ngày 20/6/2011, Hội đồng Quản trị Vinatea ra nghị quyết thoái toàn bộ vốn tại Công ty Nam Cường. Đến thời điểm thanh tra, khu đất này do Công ty Nam Cường quản lý, sử dụng.
Khu đất thứ 7 có diện tích 13.600 m2 tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình) được Vinatea đem đi góp vốn trong liên doanh Công ty cổ phần Liên doanh Hotsun - Japan. Ngày 12/10/2012, Hội đồng Thành viên Vinatea ra nghị quyết thoái vốn, nhận về 5,5 tỷ đồng. Hiện nay, khu đất này do Công ty cổ phần Liên doanh Hotsun - Japan quản lý, sử dụng.
Tại TP.HCM, với thửa đất diện tích 490 m2 tại số 59 - An Bình (phường 6, quận 5), Vinatea và Công ty Nhật Minh ký 2 hợp đồng, gồm Hợp đồng Hợp tác đầu tư số 159 ngày 23/10/2009 thành lập công ty cổ phần với vốn điều lệ 15 tỷ đồng, Vinatea góp 12 tỷ đồng (80% vốn điều lệ); Hợp đồng Hợp tác đầu tư ngày 15/11/2011 thành lập công ty cổ phần với vốn điều lệ 25 tỷ đồng, Vinatea góp vốn bằng quyền sử dụng đất khu đất giá trị 5 tỷ đồng (tương đương 20% vốn điều lệ), còn lại 20 tỷ đồng do Công ty Nhật Minh và bên thứ 3 đóng góp.
Tuy nhiên, tại thời điểm cổ phần hóa, khu đất tại số 59 - An Bình do Công ty Chè Sài Gòn (thuộc Vinatea) đang quản lý, sử dụng. Khi cổ phần hóa, diện tích này phải bàn giao cho Tổng công ty Chè - CTCP. Tuy nhiên, đến tháng 7/2016, Vinatea chưa bàn giao tài sản tại 59 - An Bình cho đơn vị mới và hiện nay, diện tích đất này do Công ty Nhật Minh sử dụng.
Với khu đất hơn 446 m2 tại số 225 - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM), ngày 31/12/2009, Vinatea ký hợp đồng cho Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ GB thuê thời hạn 35 năm. Tới ngày 18/11/2013, Hội đồng Thành viên Vinatea ra Nghị quyết số 604 thoái vốn là tài sản không thông qua đấu giá khu đất. Hiện khu đất này do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ GB quản lý và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tại Sơn La, với khu đất Vườn ươm Chiềng Đi diện tích hơn 11.000 m2 (xã Vân Hồ, Mộc Châu), ngày 28/5/2014, Vinatea đã đem góp vốn liên doanh thành lập Công ty cổ phần Chè Vân Hồ. Hiện nay, khu đất này do Công ty cổ phần Chè Vân Hồ quản lý, sử dụng.
Cũng tại Sơn La, UBND tỉnh này cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Chè Mộc Châu quản lý, sử dụng 2 khu đất (Nhà máy Chè Vân Hồ, 15.123 m2 và Nhà máy Chè Chiềng Đi, 5.402 m2). Vinatea đã ký Hợp đồng Góp vốn liên doanh số 102/CVN-HĐGV, ngày 12/8/2013 thành lập Công ty cổ phần chè Vân Hồ, vốn điều lệ 9 tỷ đồng, Vinatea góp vốn bằng giá trị tài sản tại 2 khu đất này với giá trị 3 tỷ đồng (33,33% vốn điều lệ). Sau đó, Vinatea thoái vốn. Đáng nói, theo Thanh tra Chính phủ, Công ty cổ phần Chè Vân Hồ đã thanh toán 2,5 tỷ đồng cho Vinatea, còn lại 0,5 tỷ đồng, đơn vị báo cáo đã thanh toán, nhưng thất lạc hồ sơ, tài liệu. Hiện nay, khu đất này do Công ty cổ phần Chè Vân Hồ quản lý, sử dụng.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc Vinatea đem 12 khu đất nêu trên đi góp vốn liên doanh, liên kết, thoái vốn, bán tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước không được chủ sở hữu chấp thuận, không thông qua đấu giá là chưa thực hiện đúng quy định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Các sở chức năng thuộc UBND các tỉnh, thành phố ký hợp đồng cho thuê nhà, đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đưa vào góp vốn liên doanh, liên kết, thoái vốn, không được chủ sở hữu chấp thuận, không thông qua đấu giá... là vi phạm Luật Đất đai và nghị định liên quan.
Theo Thanh tra Chính phủ, căn cứ hồ sơ, tài liệu, nội dung các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 09 TP. Hà Nội và phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của Vinafor được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 3/2/2016, thì 12 gian tầng 1 có tổng diện tích xây dựng là 343,04 m2 trên diện tích khuôn viên thửa đất tại số 67 - Ngô Thì Nhậm thuộc quyền quản lý và sử dụng của Vinafor.
Tuy nhiên, trên cơ sở đề nghị của Công ty Thương mại Lâm sản Hà Nội, ngày 13/2/2007, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đổi tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi cổ phần hóa, từ doanh nghiệp nhà nước (Công ty Thương mại Lâm sản Hà Nội) sang Công ty cổ phần Thương mại Lâm sản Hà Nội là vi phạm Luật Đất đai cũng như các nghị định liên quan của Chính phủ.
Nhiều bộ, ngành, địa phương phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm
Ngoài kiến nghị giao Bộ Công an chỉ đạo công an điều tra việc Vinatea đem 12 khu đất đi liên doanh, liên kết, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc Bộ liên quan vi phạm tại VRG, Vinafor và Vinatea.
Đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phải chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại VRG, Vinafor tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với những đơn vị, cá nhân có vi phạm.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, phải kiểm điểm, xử lý đối với những bất cập, tồn tại có liên quan thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; rà soát, xử lý bất cập quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT, ngày 2/6/2014 và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thành rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tình trạng lấn, chiếm, chồng lấn, tranh chấp đất đai ở 3 tập đoàn, tổng công ty sai phạm.
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương rà soát, xử lý, truy thu nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích đất mà các đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố liên quan chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan sai phạm, đặc biệt là chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với những vi phạm có dấu hiệu hình sự về đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản.
(Còn nữa)
Theo Báo đầu tư