Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) được xem là 3 “ông lớn” thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Được giao quản lý hàng trăm ngàn héc-ta đất nông, lâm nghiệp và đất phi nông nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước, nhưng theo công bố mới đây của Thanh tra Chính phủ, 3 đơn vị này đã buông lỏng quản lý, để đất bị lấn chiếm, sử dụng trái phép; bán, cho thuê đất công sai luật đến mức phải chuyển cơ quan công an điều tra.
Đất rừng bị lấn chiếm làm nương rẫy tại tỉnh Kon Tum |
Bài 1: Đất nông, lâm nghiệp bị lấn chiếm tràn lan
Thanh tra Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận số 238/TB-TTCP về kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại VRG, Vinafor và Vinatea, trong đó bao gồm đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, theo Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Sai phạm lớn của cả 3 doanh nghiệp này được xác định là đã để hàng trăm ngàn héc-ta đất nông, lâm nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng, cho thuê, bán sai mục đích.
VRG: Gần 11.000 ha đất bị lấn chiếm
Theo Thanh tra Chính phủ, tính tới ngày 31/12/2017, VRG được giao quản lý và sử dụng 371.348 ha đất (gồm 361.647 ha đất nông nghiệp, 9.701 ha đất phi nông nghiệp) và phần lớn diện tích đất này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (khoảng 92%).
Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện, công tác quản lý hồ sơ đất đai trước đây của VRG được lập còn sơ sài, không đầy đủ, chủ yếu sử dụng hồ sơ dạng giấy, bản đồ địa hình, tài liệu đo đạc lạc hậu, công cụ để quản lý thô sơ, diện tích được giao lại quá lớn, dẫn tới khó khăn trong theo dõi, quản lý, giải quyết tranh chấp và để đất bị lấn chiếm.
Tính đến ngày 31/12/2017, các đơn vị thuộc VRG còn để gần 11.000 ha đất bị lấn chiếm, tập trung ở các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên; để diện tích đất chồng lấn giữa các công ty thuộc Tập đoàn với người dân lên tới 1.737,44 ha, vi phạm quy định của pháp luật đất đai.
Đáng nói, VRG đã ban hành Quyết định số 183/QD-CSVN, ngày 3/3/2008, cho phép Công ty Cao su Phú Riềng (đơn vị thành viên của VRG) chuyển giao gần 100 ha đất cao su, sau đó UBND tỉnh Bình Phước thu hồi, giao, cho thuê đất đối với Trường cao đẳng Công nghiệp cao su (không phải là tổ chức kinh tế, nên không được thuê đất để thực hiện dự án đầu tư) là chưa thực hiện đúng quy định Luật Đất đai năm 2003.
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện, Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (đơn vị thành viên của VRG) cho 33 cán bộ, công nhân viên mượn đất phi nông nghiệp làm nhà ở (đã được cấp sổ đỏ) với tổng diện tích gần 1 ha tại Nông trường Tân Thành (xã Tân Thành, Đồng Xoài, Binh Phước) là vi phạm Luật Đất đai năm 2003.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (công ty con của VRG) cho 44 công nhân mượn hơn 2.500 m2 nhà để ở trên diện tích 3,2 ha đất là sử dụng đất sai mục đích.
Vinafor: “Thất thoát” hơn 7.396 ha đất
Tại Vinafor, theo Thanh tra Chính phủ, Vinafor để diện lích đất bị lấn chiếm chưa thu hồi được lên tới 7.396.73 ha, chiếm 15,44% tổng diện tích đất được giao, thuê. Việc lấn chiếm chủ yếu xảy ra vào giai đoạn từ năm 2005 về trước, do những nguyên nhân như: những năm trước đây, các lâm trường quốc doanh được giao đất lâm nghiệp, nhưng để đất trong nhiều năm không đưa vào sử dụng, nên bị hộ dân lấn chiếm; hoặc không có đầy đủ hồ sơ pháp lý để xử lý dứt điểm, dẫn đến tình trạng lấn, chiếm đất đai xảy ra trong thời gian dài không được xử lý triệt để; hoặc nhiều hộ khi hết chu kỳ nhận khoán rừng và đất rừng không ký lại hợp đồng nhận khoán, không trả lại đất cho bên giao khoán.
Ngoài ra, Công ty Vinafor Vinh, Vinafor Sài Gòn (2 đơn vị thành viên của Vinafor) để nhà xưởng, văn phòng xuống cấp, sử dụng lâu năm và hết khấu hao, nhưng chưa có phương án đầu tư mới để khai thác, sử dụng có hiệu quả diện tích đất đã được giao, thuê.
Giám đốc Lâm trường Tân Lạc ký hợp đồng giao khoán 150 ha đất nông nghiệp với Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật lâm nghiệp (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp), thời gian giao khoán 50 năm để làm các mô hình nghiên cứu, thực nghiệm theo quy định tại Nghị định số 01/CP của Chính phủ. Tuy nhiên, khi Nghị định số 135/2005/NĐ-CP có hiệu lực, thì đơn vị nhận giao khoán không thuộc đối tượng được giao khoán đất nông nghiệp, nhưng chưa được rà soát để thanh lý hợp đồng, thu hồi đất đảm bảo theo đúng quy định.
Vinatea: Gần 500 ha đất… ra đi
Còn tại Vinatea, Thanh tra Chính phủ cho biết, Tổng công ty còn để gần 500 ha đất bị lấn chiếm, tập trung tại tỉnh Phú Thọ (98,5%), đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Đáng nói là, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước của nhiều công ty trực thuộc Vinatea… “không thể chấp nhận được”.
Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, diện tích đất nông nghiệp mà các đơn vị thuộc Vinatea được giao là 1.644,5 ha (Chi nhánh Công ty Chè Thái nguyên: 439,74 ha, Chi nhánh Công ty Chè Yên Bái: 452,04 ha, Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ: 469.94 ha, Công ty cổ phần Chè Liên Sơn: 282,78 ha). Đến thời điểm thanh tra, Công ty Chè Yên Bái chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2005 - 2010 với diện tích 3,19 ha; Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2005 - 2015 với diện tích 2,90 ha.
Đó là chưa nói, có tới 6 đơn vị khác không có hồ sơ về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước tại nhiều địa chỉ “đất vàng” như khu đất 1.500 m2 tại đường Trần Khát Chân (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); số 126 - Lạch Tray (quận Ngô Quyền, Hải Phòng); khu đất 6.000 m2 tại Đông Anh (Hà Nội); khu đất 13.147 m2 tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình)…
Nghiêm trọng hơn, Vinatea đem cơ sở nhà đất gần 1 ha lại Nhà máy Chè Tức Tranh (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) thế chấp ngân hàng. Quá hạn thanh toán, phía ngân hàng đã phát mại, không còn lưu giữ hồ sơ.
Ngoài ra, theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Yên Bái có quyết định thu hồi hơn 87 ha đất nông nghiệp của Công ty cổ phần Chè Liên Sơn, nhưng đến nay, Công ty chưa bàn giao để địa phương sử dụng, gây lãng phí đất đai.
Hàng chục tỉnh, thành phố liên đới trách nhiệm
Theo Thanh tra Chính phủ, hàng chục tỉnh, thành phố cũng sai phạm khi để tình trạng đất đai mà 3 “ông lớn” ngành nông nghiệp bị lấn chiếm, không xử lý, hoặc chưa thu hồi dứt điểm với tổng diện tích trên 18.000 ha, vi phạm Luật Đất đai
năm 2013 và Nghị định số 102/2014/NĐ-CP, ngày 10/11/2014 của Chính phủ.
Đáng nói hơn, liên quan sai phạm trong quản lý đất của Vinafor, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt quy hoạch Dự án Viện dưỡng lão và Công viên tâm linh Vĩnh Hằng vào diện tích 66,17 ha đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình (thuộc Vinafor) - là đất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho Công ty được giữ lại sau cổ phần hóa. Dự án nêu trên cũng không có trong quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, không có trong Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Hòa Bình.
UBND tỉnh Hòa Bình còn cấp giấy phép đầu tư cho các dự án với diện tích hơn 263 ha chồng lấn lên đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình. Còn UBND các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Tân Lục, Lạc Sơn và TP. Hòa Bình thuộc tỉnh Hòa Bình đã cấp sổ đỏ cho các hộ dân nhận khoán đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình với tổng diện tích hơn 280,94 ha, là trái với quy định tại Nghị định số 18I/NĐ-CP (không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường).
Trong khi đó, năm 2017, UBND tỉnh Lạng Sơn có quyết định thu hồi hơn 1.800 m2 đất phi nông nghiệp của Công ty Lâm nghiệp Dinh Lập là làm trái với Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 3/2/2016 cua Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sử dụng đất cua Tông công ty Lâm nghiệp sau cổ phần hóa và các quy định của pháp luật về đất đai.
Các sở, ngành chức năng và UBND tỉnh Bình Phước thì thu hồi, sử dụng đất tại các công ty thuộc VRG trên địa bàn và không sử dụng, gây lãng phí quỹ đất, thất thu tiền sử dụng đất với diện tích lên tới hơn 1.160 ha; thu hồi, giao, cho thuê đất đối với Trường cao đẳng Công nghiệp Cao su (không phải tổ chức kinh tế) là chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai; phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường trái thẩm quyền, cho phép kinh doanh các ngành nghề trái quy định đối với đất khu công nghiệp (291,5 ha), vi phạm Nghị định số 29/201l/NĐ-CP và cho phép chuyên nhượng dự án (2,21 ha) khi chưa đủ điều kiện.
(Còn tiếp)
Theo Báo Đầu tư