Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Độc đáo công nghệ nuôi đông trùng hạ thảo bằng tảo xoắn Spirulina

Nguyễn Triệu 15:16 31/12/2020

Từ loại tảo xoắn đầy dinh dưỡng Spirulina, các nhà nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tạo thành giá thể, nuôi thành công đông trùng hạ thảo một cách độc đáo.

Sự kết hợp hoàn hảo


TS Nguyễn Đức Bách, Trưởng khoa Công nghệ sinh học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ, có được thành quả như hôm nay là cả một quá trình đi lên từ thất bại của cả tập thể.

TS Bách cho biết, hiện nay, cả nước có hàng trăm cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, cho đến nay, Học viện Nông nghiệp và Cty Cổ phần CNSH Bảo Khang là 2 đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu nuôi đông trùng hạ thảo từ tảo xoắn Spirulina.


TS Nguyễn Đức Bách bên máy sấy lạnh đông trùng hạ thảo.

Hai đơn vị đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong nhiều năm nghiên cứu nuôi tảo xoắn Spirulina và phát triển các sản phẩm chất lượng cao có nguồn gốc từ tảo xoắn Spirulina. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, liên doanh, liên kết cùng doanh nghiệp để đưa thành quả khoa học gần hơn với đời sống.

Sau những thông tin gợi mở của chúng tôi, TS Nguyễn Đức Bách say sưa nói về tảo xoắn và đông trùng hạ thảo như người lâu lắm gặp được tri kỷ. TS Bách cho biết, do đặc thù của giống đông trùng hạ thảo nên rất nhanh bị thoái hoá nếu cấy chuyển giống liên tục theo các quy trình lưu giữ giống vi sinh thông thường.

Do đó, để có nguồn giống chất lượng và ổn định, nhóm nghiên cứu của Học viện đã tiến hành thu thập nguồn gen các giống đông trùng hạ thảo từ các đơn vị có uy tín như trong đó từ Bộ môn Vi sinh vật (Đại học Khoa học tự nhiên), Cty Cổ phần CNSH Bảo Khang và nhiều nguồn gen từ Hàn Quốc.

Trên cơ sở nguồn gen thu thập, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng các công cụ sinh học phân tử hiện đại trong CNSH để kết hợp chọn tạo kiểu gen dị hợp tử (kiểu gen giao phối ở trạng thái dị hợp tử) để làm giống sản xuất. Nhờ đó, đông trùng hạ thảo cho tỉ lệ tạo quả thể đạt 100%.

Để tạo nguồn cơ chất cho nấm đông trùng hạ thảo sinh trưởng tốt, qua nhiều nghiên cứu và thử nghiệm, kết hợp với Công ty Cổ phần CNSH Bảo Khang đã phát triển công thức trong đó ngoài thành phần carbon từ gạo lứt và ngô nếp, nhóm nghiên cứu đã sử dụng nguồn N (protein) duy nhất từ tảo xoắn Spirulina được sản xuất tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển CNSH vi tảo.

Đông trùng hạ thảo được nuôi trong phòng lạnh 18 độ C


Do đặc thù tảo xoắn có hàm lượng protein cao (tới 70% khối lượng khô và đầy đủ tất cả các axit amin không thay thể); giàu các nhóm vitamin B, C, E; axit béo không no GLA (gamma-Linolenic acid); giàu chlorophyll a; axit folic; các chất chống oxy hoá như phycocyanin, lutein, beta-carotein và các nguyên tố vi lượng như sắt, kẽm, canxi. Chính vì vậy sợi nấm sẽ phát triển rất nhanh trong giai đoạn đầu ươm sợi trên nguồn cơ chất giàu dinh dưỡng dễ hấp thu, qua đó hạn chế hiện tượng tạp nhiễm.

Ngoài ra, thay vì sử dụng nguồn nhộng tằm có chứa kitin (phần vỏ của côn trùng) nên sản phẩm đông trùng hạ thảo giảm thiểu nguy cơ dị ứng với các thành phần protein của côn trùng, trong đó có kitin.

Việc sử dụng nguồn protein từ vi tảo (tương tự như protein thực vật) hiện đang là xu hướng hạn chế sử dụng các nguồn protein từ động vật để sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm.


Không “ngon ăn” như nhà báo tưởng đâu!


Thấy TS Bách thao thao bất tuyệt nói về đứa con tinh thần của mình, tôi mới bảo, nghe có vẻ dễ dàng nhưng sao mất rất nhiều thời gian mới thành công. “Không ngon ăn như nhà báo tưởng đâu”, nói đoạn TS Bách dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quy trình sản xuất.

Sản phẩm mẫu đông trùng hạ thảo nuôi bằng tảo xoắn Spirulina của Học viện NNVN


Giống được cấy vào các hộp giá thể đã vô trùng bằng kỹ thuật cắt ngắn sợi giống bằng khí nén. Đây là công nghệ mới ít được áp dụng trong các cơ sở sản xuất. TS Bách giải thích, điểm mới của công nghệ này là chỉ cần 1 lượng giống nhỏ, sợi giống nấm được cắt nhỏ thành các mảnh giúp cho quá trình ươm sợi sau đó diễn ra nhanh và đồng đều. Ngoài ra hạn chế hiện tượng tạp nhiễm do thao tác cấy giống thông thường đồng thời tiết kiệm giống, giống cấy đồng đều hơn và rút ngắn thời gian cấy giống.

Tiếp đến là giai đoạn ươm sợi trong pha tối. Trong quá trình ươm sợi ở pha tối, sợi nấm được phát triển nhanh trong nguồn cơ chất giàu dinh dưỡng và dễ hấp thu nên thời gian pha ươm sợi chỉ kéo dài 3 – 4 ngày. Thời gian ngắn này giúp kích thích sợi nấm phát triển nhanh, đồng đều, hạn chế bị tạp nhiễm bởi các loài nấm khác đồng thời rút ngắn một phần thời gian của toàn bộ quy trình sản xuất.

Giai đoạn tiếp theo là cảm ứng tạo quả thể trong pha sáng. Trong giai đoạn cảm ứng tạo quả thể (cơ quan sinh sản), công nghệ cảm ứng bằng đèn LED với sự phối trộn tỉ lệ giữa các dạng ánh sáng với bước sóng khác nhau giúp kích thích quá trình phát triển quả thể, ức chế sự phát triển của các loài nấm tạp và rút ngắn thời gian trưởng thành của quả thể (tính từ khi bắt đầu cảm ứng đến khi thu hoạch từ 35 – 40 ngày).

Khâu cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng là thu hoạch và xử lý. Việc thu hoạch nấm đông trùng hạ thảo phải đúng thời điểm để hàm lượng hoạt chất đạt cao nhất. Thông thường không để quả thể phát triển kéo dài mặc dù năng suất tăng nhưng hàm lượng các hợp chất có hoạt tính sinh học có xu hướng giảm. Sau khu thu hoạch, đông trùng hạ thảo được sấy lạnh, từ đó phát triển thành nhiều sản phẩm khác nhau.

Thành quả miệt mài nghiên cứu của các nhà khoa học - Học viện Nông nghiệp VN


Đánh giá trực tiếp tại phòng nuôi đông trùng hạ thảo bằng tảo xoắn cho thấy, sợi mập và chắc, màu sắc quả thể vàng đỏ đậm rất đặc trưng. Quả thể không phát triển quá dài, màu nước khi pha trà có màu vàng chanh đậm, thơm đặc trưng rõ rệt của đông trùng hạ thảo, nước trà có màu bền (không bị nhạt nhanh chóng khi pha).

Về mặt chất lượng, theo kết quả kiệm nghiệm của Viện kiểm nghiệm AT VSTP Quốc gia (Bộ Y tế), thông qua chỉ tiêu hàm lượng vật chất khô, hàm lượng 2 hợp chất quan trọng nhất là Adenosine và Cordycepin. Đông trùng hạ thảo nuôi bằng tảo xoắn có tỉ lệ vật chất khô cao, hàm lượng 2 hoạt chất Adenosin và Cordycepin cao.


TS Nguyễn Đức Bách bật mí, phần đế (cơ chất còn lại sau khi nấm đã ra quả thể) có thể sử dụng để pha trà hoặc ngâm rượu cho hàm lượng hoạt chất và cảm quan rất đẹp.

Đông trùng hạ thảo là một vị thuốc quý hiếm, là một trong những loại thần dược nổi tiếng khắp thế giới. Sách y học cổ truyền từ xa xưa đã xếp đông trùng hạ thảo là vị thuốc cải lão hoàn đồng, hồi xuân sinh lực, có tác dụng ‘Bổ phế ích can, bổ tinh điền tuỷ, chỉ huyết hoá đàm’ , ‘Bổ phế ích thận, hộ dưỡng tạng phủ’, ‘Tư âm tráng dương, khư bệnh kiện thân’; là loại thuốc ‘Tư bổ dược thiện’, có thể chữa được ‘Bách hư bách tổn’.


KẾ TOẠI - Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/doc-dao-cong-nghe-nuoi-dong-trung-ha-thao-bang-tao-xoan-spirulina-d87045.html

Bạn đang đọc bài viết Độc đáo công nghệ nuôi đông trùng hạ thảo bằng tảo xoắn Spirulina tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành