Ông Nguyễn Việt Quang đã nắm giữ cương vị tổng giám đốc – người đại diện pháp luật, đồng thời là chủ tài khoản Tập đoàn Vingroup tại các ngân hàng từ tháng 2/2018.
Trong thời gian mà ông từng nắm giữ, có thể nói Vingroup đã trải qua một giai đoạn đầy biến động về chiến lược kinh doanh, nhưng kèm theo đó là nhiều thành tích đáng tự hào.
Cụ thể, mặc dù trong thời điểm mới nhậm chức đã đặt cho ông Quang một áp lực rất lớn khi trong năm 2017, Vingroup đã vươn lên trở thành tập đoàn đứng đầu trong 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Nhưng, dưới sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Việt Quang, mọi chỉ số liên quan đến kinh doanh của Vingroup luôn theo xu hướng ổn định về tăng trưởng theo từng năm. Doanh nghiệp đã đứng vững vị thế dẫn đầu 3 năm liên tục kể từ khi ông Nguyễn Việt Quang nắm quyền.
Năm 2020, bất chấp những khó khăn bởi dịch bệnh và việc tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và chuyển đổi, Vingroup vẫn đạt doanh thu thuần đạt 110.462 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 13.962 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 4.388 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản Vingroup đạt 424.268 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 135.757 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 13% so với cuối năm 2019.
Về cơ cấu doanh thu, mảng chuyển nhượng bất động sản vẫn chiếm chủ đạo khi đem về 71.576 tỷ đồng doanh thu, cao hơn so với con số 64.501 của năm 2019; BĐS cũng mang lại cho tập đoàn 19.000 tỷ đồng lợi nhuận.
Nguồn thu từ chuyển nhượng bất động sản chiếm 65% tổng doanh thu của Vingroup. Theo Vingroup, đã có 28.200 sản phẩm được bán ra năm 2020 và bàn giao 54.100 sản phẩm.
Đứng thứ hai là mảng sản xuất. Vingroup mới chỉ bắt đầu có gần 600 tỷ đồng doanh thu từ sản xuất cuối năm 2018, nhưng sang năm 2019 đã nhanh chóng tăng lên gần 10.000 tỷ đồng và đến năm 2020 vừa qua tiếp tục tăng mạnh lên hơn 18.000 tỷ đồng. Tỷ trọng của mảng này trong cơ cấu doanh thu Vingroup tăng từ 0%, lên 8% và 16% trong 3 năm vừa qua.
VinFast và Vinsmart trong năm 2020 đã giao được 31.500 ô tô, 45.400 xe máy điện và 1,95 triệu điện thoại Vsmart cho khách hàng.
Các mảng khác như Retail, giáo dục, y tế đều mang lại doanh thu. Duy chỉ có mảng dịch vụ khách sạn du lịch, vui chơi giải trí chịu ảnh hưởng xấu từ dịch Covid-19 nên doanh thu sụt giảm, giống với tình hình chung của ngành du lịch cả nước.
Sang năm 2021, Vingroup đặt tham vọng lớn hơn cho 3 lĩnh vực chính mà tập đoàn kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai: Công nghệ - Công nghiệp - Thương mại dịch vụ.
Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. So với năm 2020, doanh thu Vingroup dự kiến tăng 54% và lợi nhuận đi ngang.
Đáng chú ý, Vingroup là một cái tên nổi bật trong việc đầu tư những dự án ra nước ngoài. Doanh nghiệp đầu tư một loạt dự án ra nước ngoài, bao gồm 3 dự án ở Pháp, Hà Lan và Canada với vốn đầu tư cho mỗi dự án là 32 triệu USD. Ngoài ra, còn một dự án khác ở Singapore được đầu tư đến 20,5 triệu USD. Tập đoàn tiên phong giúp đầu tư ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm khởi sắc hơn hẳn.
Tái cơ cấu để hướng đến tập đoàn công nghệ hiện đại của Việt Nam
Quãng thời gian 3 năm ông Nguyễn Việt Quang điều hành Vingroup thì dư luận xã hội đã được chứng kiến quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi, mua bán sáp nhập mạnh mẽ tại nhiều mảng miếng kinh doanh của tập đoàn.
Năm 2018, Vingroup đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong tương lai. Những năm đó là khoảng thời gian tái định hướng, tìm ra những sản phẩm kinh doanh phù hợp.
Trong quá trình này, Vingroup buộc phải cắt bỏ những mảng kinh doanh, sản phẩm để tập trung cho chiến lược phát triển dài hơi.
Cụ thể, tháng 12/2019, doanh nghiệp đã mạnh tay bán mảng tiêu dùng và bán lẻ cho Công ty Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Holding) bất chấp việc tính đến thời điểm bấy giờ Vingroup thông qua công ty con VinCommerce đã phát triển được hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam gồm 122 siêu thị Vinmart và gần 2.500 cửa hàng Vinmart+ tại 50 tỉnh thành trên cả nước (tính đến tháng 10/2019).
Xe điện VinFast - sản phẩm kinh doanh chủ đạo trong nhiều năm tới của Vingroup |
Đến năm 2021, nhận thấy “Việc sản xuất điện thoại và TV thông minh không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng” - lời của ông Nguyễn Việt Quang nên Vingroup đã mạnh tay từ bỏ mảng smartphone và TV để tập trung phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về thông tin - giải trí - dịch vụ cho ô tô VinFast.
Do đó, các sản phẩm xe hơi VinFast, đặc biệt là các sản phẩm xe điện hiện đang được tập đoàn mẹ chú trọng nguồn lực để phát triển dài hạn. Theo kế hoạch, Vingroup VinFast dự kiến tiếp tục ra mắt các mẫu xe máy điện và xe ô tô điện. Các mẫu xe mới giúp VinFast tiếp tục giữ vững vị thế tại thị trường nội địa, đồng thời đưa VinFast bước ra thị trường quốc tế như Mỹ và châu Âu.
Đối với mảng thiết bị thông minh, VinSmart sẽ tập trung phát triển các sản phẩm IoT (internet kết nối vạn vật) và tính năng Infotainment (thông tin giải trí) phục vụ toàn lực cho ô tô VinFast và hệ sinh thái thông minh gồm ba mũi nhọn: thành phố thông minh, nhà thông minh và dịch vụ thông minh.
Về ông Nguyễn Việt Quang, người sẽ dẫn dắt Vingroup trong 5 năm sắp tới
Ông Nguyễn Việt Quang sinh ngày 28/11/1968, sinh ra tại Hà Nội. Ông có bằng thạc sỹ Luật, cử nhân Quản trị Kinh doanh – Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ông Quang gia nhập Vingroup vào năm 2010. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Vingroup vào tháng 2/2018, ông Nguyễn Việt Quang đã được bầu vào HĐQT của doanh nghiệp này vào tháng 4/2017. Bên cạnh đó, ông Quang từng đảm nhận nhiều chức vụ chủ chốt tại nhiều công ty thành viên quan trọng thuộc Vingroup như Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Nam Hà Nội, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sinh Thái, Chủ tịch Bệnh viện Vinmec, Chủ tịch Công ty bảo vệ Vincom.
Trước đó, ông Quang là thành viên HĐQT kiêm nắm giữ chức Trưởng Ban kiểm soát Công ty TNHH Y Cao từ năm 1996 – 2009.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo