Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (MCK: VHC) vừa thông báo doanh thu thuần quý II/2022 đạt mức kỷ lục 4.226 tỷ đồng, tăng 85% cùng kỳ năm trước và cũng là doanh thu quý cao nhất đạt được kể từ khi doanh nghiệp niêm yết đến nay.
Theo đó, biên lợi nhuận doanh nghiệp cũng được cải thiện mạnh mẽ từ 18,4% lên thành 25,3%, giúp lãi gộp lần đầu vượt mức 1.000 tỷ đồng - cao gấp 2,5 lần cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh nghiệp cá tra ghi nhận các khoản chi phí đều tăng đột biến như chi phí tài chính tăng gấp 4 lần lên 110 tỷ đồng, các khoản chi phí bán hàng và quản lý cũng cao hơn 30-40% so với cùng kỳ. Bù lại doanh nghiệp cũng thu đủ từ doanh thu tài chính khi tăng mạnh 130% lên 107 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận sau thuế quý này của Vĩnh Hoàn vẫn đạt 788 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp lý giải sản lượng và giá bán đều tăng là động lực giúp lợi nhuận tăng cao. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính đều phục hồi tốt, đặc biệt là thị trường Mỹ. Giá xuất khẩu cá tra vào Mỹ cũng lập đỉnh 5 USD/kg, cao hơn gần 2 USD so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, “nữ hoàng” cá tra ghi nhận doanh thu bán hàng đạt hơn 7.600 tỷ đồng và lãi sau thuế lên đến 1.341 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 84% và 241% so cùng kỳ, đây đều là các con số kỷ lục của bán niên mà doanh nghiệp ghi nhận được.
Trong năm 2022, công ty đề ra kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 43,6% và 45,6% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 83,8% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn đạt 11.531 tỷ đồng, tăng gần 32% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho của công ty ở mức 2.900 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1.800 tỷ đồng ghi nhận hồi đầu năm. Công ty cũng đang trích lập dự phòng giảm giá 131 tỷ đồng cho khoản này.
Một điểm đáng chú ý trên BCTC của Vĩnh Hoàn chính là khối tiền mà doanh nghiệp đổ vào thị trường chứng khoán để thực hiện giao dịch mua bán thu lời.
Theo BCTC, Vĩnh Hoàn đang gửi ngân hàng 1.522 tỷ đồng và đầu tư chứng khoán tới gần 200 tỷ đồng, đa phần là các cổ phiếu thuộc nhóm ngành xây dựng và bất động sản như NLG (68,9 tỷ đồng), DXS (53 tỷ đồng), KBC (39,7 tỷ đồng).
Tuy nhiên số liệu cuối quý II/2022 cho thấy Vĩnh Hoàn đang bị thua lỗ từ đầu tư chứng khoán khi doanh nghiệp phải trích lập dự phòng tới gần 63 tỷ đồng cho cả 3 mã chứng khoán trên.
Bên cạnh đó, nợ phải trả của Vĩnh Hoàn cuối quý II/2022 ghi nhận ở mức 4.141 tỷ đồng, chiếm 36% tổng tài sản. Công ty vay nợ ngắn hạn 2.541 tỷ đồng, tăng 800 tỷ đồng so với đầu năm, vay dài hạn ghi nhận ở mức 156 tỷ đồng.
Vốn góp chủ sở hữu của Vĩnh Hoàn đạt 1.833 tỷ đồng. Ngoài ra, nhờ lãi lớn trong kinh doanh nên lợi nhuận chưa phân phối của doanh nghiệp cá tra đã tích lũy lên đến 5.150 tỷ đồng (nhiều gấp 2,8 lần vốn điều lệ).
Số liệu từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy xuất khẩu cá tra cả nước tăng trưởng 83% đạt hơn 1,4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.
Không chỉ hưởng lợi từ khối lượng xuất khẩu cao sang các nước mà giá bán cũng tăng lên nhanh chóng nhờ nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường ở mức cao. Giá cá tra thương phẩm đang được thương lái thu mua xấp xỉ 28.000 đồng/kg, cao hơn 30-40% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên cũng theo VASEP, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá tra có thể chậm lại ở một số thị trường từ quý III/2022. Đáng chú ý, trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu sang Mỹ đã chậm lại khi lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất 4 thập kỷ qua và các nhu yếu phẩm ngày càng đắt đỏ.
Điều này cũng được thể hiện qua doanh số gần nhất của Vĩnh Hoàn. Tháng 6/2022, doanh nghiệp cá tra này ghi nhận doanh thu 1.063 tỷ đồng, giảm 30% so với tháng liền kề trước đó.
SSI Research cũng cho biết nhu cầu cá ổn định trong 5 tháng đầu năm nhưng doanh số trong tháng 6 đã sụt giảm 41% so với tháng liền trước. Bởi vì nhu cầu giảm khi lượng hàng tồn kho đã cao và áp lực lạm phát, một số nhà bán buôn có hiện tượng bán phá giá hàng tồn kho.
Tổ chức này còn dự báo giá bán bình quân dự kiến sẽ tăng trở lại nhưng khó đạt được mức cao nhất như trong quý II khi nhu cầu yếu đi và chi phí thức ăn chăn nuôi giảm đi. Do đó, tăng trưởng lợi nhuận của VHC có thể đã đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm