Thông tin từ tờ The Register, thương hiệu Toshiba hiện nay sẽ tồn tại dưới danh nghĩa công ty Toshiba Tec Corporation - đơn vị cung cấp máy in, bộ mã vạch và thiết bị bán hàng.
Tập đoàn cũng bán 40% cổ phần đang nắm giữ tại nhà sản xuất bộ nhớ Kioxia, số tiền thu được sẽ chia cho các cổ đông.
Một bộ phận khác trở thành công ty Device Co., kế thừa mảng kinh doanh bán dẫn của Toshiba, bao gồm thành phẩm và dây chuyền sản xuất, cùng với mảng kinh doanh ổ cứng. Hiện tại doanh thu của Toshiba trên lĩnh vực này vào khoảng 6,7 tỷ USD/năm.
Infrastructure Service sẽ đóng vai trò quan trọng khi các quốc gia trên thế giới tiến tới trung hoà carbon. Sau khi tách khỏi Toshiba, công ty này dự kiến có doanh thu hàng năm khoảng 18 tỷ USD.
Hãng điện tử có tiếng tại Nhật Bản cho biết, việc áp dụng biện pháp chia nhỏ nhằm tạo điều kiện cho mỗi bộ phận tập trung hơn vào lĩnh vực kinh doanh của mình, ra quyết định nhanh chóng và tiết giảm chi phí hoạt động.
Khủng hoảng của Toshiba bắt đầu từ một vụ bê bối kế toán năm 2015. Một báo cáo được công bố vào tháng 6 cho thấy bằng chứng về sự thông đồng giữa các giám đốc điều hành của Toshiba và quan chức tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp để ngăn chặn tiếng nói của các cổ đông nước ngoài trước cuộc họp cổ đông thường niên vào tháng 7/2020. Sau đó, các cổ đông của Toshiba đã cách chức Chủ tịch Osamu Nagayama.
"Toshiba đã để mất lòng tin sau khi bê bối kế toán được đưa ra ánh sáng. Hãng cho biết đã tự cải tổ. Nhưng sau đó, Toshiba lại nảy sinh thêm vấn đề khác. Vì thế, việc tách thành 3 công ty và xây dựng lại hệ thống quản trị là một quyết định đúng đắn", chiến lược gia Masayuki Kubota tại Công ty chứng khoán Rakuten Securities nhận xét.
Kubota cho rằng Toshiba sẽ rất khó vận hành cùng lúc cả mảng kinh doanh đã bão hòa và mảng liên quan đến công nghệ thay đổi nhanh.