Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tại sao SCIC khó có thể trở thành cổ đông 'cứu cánh' cho Vietnam Airlines?

Mai Hương(T/H) 16:51 16/07/2020

Có ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng, SCIC không được phép đầu tư vào Vietnam Airlines, vì trái quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

SCIC không được phép đầu tư vào Vietnam Airlines?

Chiều ngày 13/7, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Toạ Đàm “Chủ sở hữu nhà nước: Hành động và trách nhiệm hậu Covid-19 trong trường hợp Vietnam Airlines”.

Tại toạ đàm, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhận định rằng Vietnam Airlines đang rơi vào tình cảnh khó khăn và đây là bối cảnh chung đối với ngành hàng không trên toàn cầu.

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines.

Nguyên nhân là do từ tháng 4, Vietnam Airlines đã không còn chuyến bay chở khách thương mại quốc tế, trung bình mỗi ngày, hãng chỉ bay 4 chuyến. Đến tháng 6, thị trường khách nội địa của Vietnam Airlines hồi phục, tăng lên mức bằng 84% năm ngoái, nhưng doanh thu thì vẫn rất thấp.

Dòng tiền thâm hụt 16.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, Vietnam Airlines sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ về thanh khoản của Chính phủ với vai trò là chủ sở hữu.

Trước đó, Trưởng ban tài chính kế toán Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền cũng khẳng định hãng đang gặp khó khăn rất lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nếu không sớm nhận được hỗ trợ từ Chính phủ trong việc bổ sung nguồn vốn thì Vietnam Airlines sẽ cạn tiền mặt vào tháng 8.

Đứng trước khó khăn, các hãng hàng không cũng đã kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ và các Bộ, ngành có những chính sách hỗ trợ miễn giảm nhiều loại thuế phí để giúp ngành hàng không thoát khỏi suy thoái. Trong đó, Vietnam Airlines đề nghị Chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng.

Liên quan tới việc xin vay số vốn “khủng” của Vietnam Airlines, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đề xuất được tham gia tái cơ cấu Vietnam Airlines, với mục tiêu trở thành cổ đông của doanh nghiệp này.

Nhưng có ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng, SCIC không được phép đầu tư vào Vietnam Airlines, vì trái quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Theo quy định của luật này, Nhà nước chỉ đầu tư vào doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực, gồm: Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Quan trọng nhất, vì SCIC là doanh nghiệp nhà nước nên phải thực hiện theo Luật 69 (Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp). Tại khoản 6, điều 5 Luật 69, cơ quan chủ sở hữu và doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc phát triển vốn.

Trong giai đoạn hiện nay, SCIC không thể đảm bảo khoản đầu tư vào Vietnam Airlines sẽ bảo toàn, và phát triển vốn, vì chưa thể dự báo thời điểm doanh nghiệp hàng không này phục hồi.

Có ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng, SCIC không được phép đầu tư vào Vietnam Airlines, vì trái quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Về vấn đề này, TS Võ Đình Trí (Đại học Kinh tế TP HCM) cho rằng VNA có thể thực hiện vay Chính phủ hoặc vay ở các định chế tài chính khác có Chính phủ bảo lãnh. Song, các phương án vay kể cả vay trực tiếp hay có bảo lãnh của Chính phủ thì cũng cần được xem xét ở góc độ tất cả các doanh nghiệp hàng không, chứ không chỉ ưu ái riêng VNA để đảm bảo có sự cạnh tranh lành mạnh.

Chưa kể đến việc Chính phủ cho Vietnam Airlines vay hay bảo lãnh vay cũng khiến cho nợ công đội cao lên dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho nền kinh tế.

Lối đi nào cho Vietnam Airlines?

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng việc hỗ trợ nguồn vốn của Chính phủ chỉ là giải pháp ngắn hạn, nhằm khuyến khích doanh nghiệp duy trì hoạt động, điều quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực, cố gắng của chính bản thân các doanh nghiệp.

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, doanh nghiệp này cần lên nhiều phương án tái cấu trúc nội tại, tiếp tục cắt giảm chi phí, giãn nợ, xin giảm lãi suất, chấp nhận giảm lương của người lao động, phương án tổng thể lâu dài... Để từ đó, có thể nhận được sự hỗ trợ không chỉ từ Nhà nước, mà còn đến từ các nhà đầu tư khác.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc "giải cứu" Vietnam Airlines bằng khoản đầu tư hàng nghìn tỷ là khá mạo hiểm. Cách tốt nhất là tư nhân hoá hơn nữa Vietnam Airlines.

Để “giải cứu” VNA lúc này, một đề xuất được dư luận quan tâm là phải cứu hàng không Việt bằng cơ chế, chính sách để bảo đảm tính bền vững, phải triệt để “cởi trói cơ chế” để VNA được “bay thẳng”, đó chính là lối thoát duy nhất để không bị phá sản.

Về dài hạn thì Chính phủ vẫn cần đẩy mạnh cổ phần hóa, giảm tỷ lệ nắm giữ vốn xuống dưới 60% nhằm đa dạng hóa chủ sở hữu và giảm thiểu rủi ro mất vốn Nhà nước...”, ông Trí đề nghị.

Còn về vấn đề hợp tác với SCIC và các hãng hàng không Việt trong vấn đề hạch toán thì tiền của Chính phủ hay của SCIC thì cũng là tiền thuế của dân, cần hết sức cẩn trọng để tránh sai lầm trong sử dụng.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tai-sao-scic-kho-co-the-tro-thanh-co-dong-cuu-canh-cho-vietnam-airlines-d79177.html

Bạn đang đọc bài viết Tại sao SCIC khó có thể trở thành cổ đông 'cứu cánh' cho Vietnam Airlines? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp