Da giày là một trong những ngành "thấm đòn" của Covid-19. Và Công ty TNHH Nhựa và Thương mại Liên Đoàn (Leedo), đơn vị chuyên sản xuất đế giày, dép cũng không ngoại lệ.
Từ năm 2019, các công ty sản xuất da giày tại Việt Nam đã cảm nhận được tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Các công ty Trung Quốc sang đầu tư nhà máy tại Việt Nam để tránh thuế quan hoặc giả mác "Made in Vietnam" cũng như hàng Trung Quốc giá rẻ tràn sang khiến tiêu thụ giày dép trong nước chậm lại. Và giờ đây đến "bóng ma" Covid-19.
Công ty TNHH Nhựa và Thương mại Liên Đoàn, thành lập từ những năm 1990, hiện có 200 công nhân vận hành băng chuyền sản xuất tự động cho các sản phẩm đế giày các loại. Hiện công ty có 1 nhà máy tại TPHCM và 1 nhà máy ở Long An.
"Cú đánh kép" tấn công trực diện đến ngành da giày Việt Nam
Anh Đoàn Ngọc Hiếu, Giám đốc điều hành Leedo, cho biết từ năm 2019, thị trường nội địa của công ty đã thấy nhiều vấn đề phát sinh từ thương chiến Mỹ - Trung điển hình là việc hàng Trung Quốc khi không xuất khẩu được sẽ bán tháo qua thị trường Việt Nam, tuy nhiên mảng xuất khẩu vẫn ổn định
Các nước lân cận như Lào, Myanmar, Cambodia và Thái Lan cũng ghi nhận về việc hàng Trung Quốc tăng số lượng tại các chợ ảnh hưởng đến việc sản xuất nội địa.
"Bước qua năm 2020 thì phải nói là chịu một cú sốc lớn với sức ảnh hưởng toàn cầu của Covid-19 khiến cho mọi kênh phân phối đều bị tác động nặng", anh Ngọc Hiếu chia sẻ.
Với một công ty cung ứng nguyên phụ liệu như Leedo, do nằm ở gần cuối chuỗi cung ứng giày dép nên gặp nhiều bất lợi khi các công ty giày dép không có đơn hàng.
So với cùng kỳ năm 2019, những tháng sau Tết, sản lượng của Leedo đã giảm xuống 50%
Giải pháp vượt qua khó khăn
Sau khi tổng kết tình hình chung của năm 2019, Leedo lên 2 kịch bản năm 2020 để đối phó với tình trạng hàng Trung Quốc bán tháo sang Việt Nam là:
(1) Đẩy mạnh việc cung cấp phụ liệu cho các công ty da giày xuất khẩu
"Việc bùng phát Covid-19 khiến thị trường toàn cầu bị ảnh hưởng nên hiện Leedo đang đi theo kịch bản thứ 2", anh Ngọc Hiếu cho hay.
Theo anh Hiếu, kịch bản thứ 2 như nêu trên là kịch bản xấu nhất khi đơn hàng các kênh cạn kiệt dẫn đến quyết định phải tự xây dựng một thương hiệu nội địa để duy trì hoạt động và thay đổi rất nhiều trong bộ máy sản xuất.
Thay vì cắt giảm thì chuyển đổi và đào tạo cho công nhân sản xuất giày để phục vụ nhu cầu nội địa
"Thay vì cắt giảm thì Leedo đang tiến hành chuyển đổi và đào tạo tay nghề lại cho các anh chị em cán bộ công nhân viên từ việc sản xuất nguyên phụ liệu đơn giản chuyển sang các công đoạn sản xuất giày chi tiết hơn. Từ trước thì Leedo cũng đã có sản xuất các loại giày dép nhựa đi mưa tương tự như Crocs nhưng quy trình tự động đơn giản hơn rất nhiều so với việc may gò chi tiết", anh Hiếu cho hay.
Về việc phòng chống Covid-19 cho cán bộ nhân viên, anh Hiếu cho hay các thông tin cập nhật của bộ y tế đề được truyền đạt kỹ lại cho các anh chị em cán bộ nắm rõ để phòng chống dịch. Bên phía công ty cũng có trang bị máy đo thân nhiệt và khẩu trang để đảm bảo mọi người an tâm khi làm việc. Tuy nhiên bài toán khó nhất là việc duy trì khoảng cách 2m giữa người lao động trên dây chuyền sản xuất thì hiện vẫn chưa có lời giải nên cũng đang cùng hội ý với các công ty thành viên hiệp hội da giày để tìm kiếm phương án.
Theo thông tin đăng tải từ Hiệp hội da giày, Eurolink, công ty sản xuất thời trang đồ da cao cấp một khu công nghiệp ở Hà Nội, đã dừng toàn bộ sản xuất từ cuối tháng Ba. Công ty này không còn khả năng duy trì sản xuất do doanh thu quý I/2020 sụt giảm 80%, riêng tháng 3 giảm tới 95%. Sản xuất và kinh doanh của Eurolink phụ thuộc hoàn toàn vào xuất nhập khẩu. Công ty thường nhập nguyên liệu 3 tháng/lần, nhưng năm nay, dịch Covid- 19 đã chặt đứt nguồn cung nguyên liệu từ Itali, một trong những ổ dịch lớn nhất châu Âu.
Cũng theo thông tin từ Hiệp hội Da giày, Bà Phan Thị Thanh Xuân, tổng thư ký Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) trả lời báo chí, cho biết, diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19 khiến các thị trường mua hàng lớn của ngành da giày - túi xách Việt Nam là Mỹ, EU giảm mạnh đơn hàng, nhất là khi các quốc gia và khu vực này đóng cửa biên giới.
So với cú sốc nguyên liệu, cú sốc thị trường nghiêm trọng hơn rất nhiều, bởi không chỉ ảnh hưởng tới tài chính của doanh nghiệp mà còn là vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động và biến động lao động sau dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, các hợp đồng đàm phán của quý 2, thậm chí quý 3 chưa thể chốt được do lượng tiêu thụ tại EU, Mỹ giảm mạnh sau các lệnh phong tỏa, đóng cửa điểm bán ở những quốc gia này.
CEO Leedo cho hay, hiện tại các doanh nghiệp da giày vẫn còn đang chờ xem sự hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể của nhà nước như thế nào đối với ngành da giày, nhưng ở thời điểm hiện tại thì mọi người đều đang bước vào trạng thái sinh tồn, cân đối lại nguồn lực, cắt giảm chi tiêu để duy trì hoạt động.
Thanh Nga (TH)/ Sở hữu trí tuệ