Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Intimex cùng lúc đăng ký hàng trăm tờ khai gạo xuất khẩu: Có bất thường?

DTVN 09:24 16/04/2020

Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, trong thời gian rất ngắn đã đăng ký 102 tờ khai với khối lượng gạo xuất khẩu 96.234 tấn.

Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, từ việc rà soát số lượng DN đăng ký các tờ khai xuất khẩu, Tổng cục Hải quan đã nhận thấy có dấu hiệu khá bất thường.

Cụ thể, trong danh sách đăng ký thành công tờ khai xuất khẩu xuất hiện những doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo năm 2020 (theo đấu thầu của Tổng cục Dự trữ Quốc gia) nhưng theo báo cáo của Tổng cục Dự trữ thì những doanh nghiệp này lại không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia.

Tuy nhiên, khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai xuất khẩu thì các doanh nghiệp này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu lên tới hàng ngàn tấn gạo.

Đó là Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng, tuy nhiên lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn. Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.

Công ty cổ phần Mỹ Tường và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Minh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực nhưng cũng đã đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.

Cũng theo quy định tại Nghị định 107 liên quan đến xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng xuất khẩu của doanh nghiệp trong 6 tháng trước đây. Như vậy nếu doanh nghiệp không đảm bảo thực hiện các trách nhiệm của mình trong bán hàng cho dự trữ quốc gia lẫn dự trữ lưu thông mà chỉ chăm chăm xuất khẩu thì sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực.

Được biết, Tổng cục Hải quan sẽ cùng các Bộ ngành chức năng có những báo cáo cụ thể về vấn đề này tới Chính phủ, nhằm tìm giải pháp hợp lý nhất cho việc xuất khẩu gạo thời gian tới.

Cho biết, hệ thống Hải quan hoàn toàn tự động tiếp nhận tờ khai đăng ký và tự động chấp nhận tờ khai, phản hồi doanh nghiệp, được hoạt động 24/7 và trung bình một tờ khai từ khi đăng ký đến khi nhận lại kết quả chỉ trong vòng vài giây, nên con người không thể can thiệp vào quá trình đăng ký này.

Chủ tịch Intimex

Thực tế thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy có doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, trong thời gian rất ngắn đã đăng ký 102 tờ khai với khối lượng gạo xuất khẩu 96.234 tấn. Vì vậy sẽ có nhiều doanh nghiệp không còn hạn ngạch để đăng ký tờ khai. Báo Đầu tư cho biết.

Liên quan đến sự việc, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group trên báo Pháp luật TP.HCM tối 14/4 cho biết, dù may mắn đăng ký được nhưng doanh nghiệp này hiện vẫn tồn kho gần 40.000 tấn gạo.

“Mở tờ khai điện tử, ai nhanh tay thì được, khi đó chắc chắn sẽ có những doanh nghiệp chậm chân, không xuất khẩu được là chuyện hết sức bình thường”, ông Nam nói.

Theo tìm hiểu của Nhà đầu tư, CTCP Tập đoàn Intimex được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa chi nhánh Công ty xuất nhập khẩu (XNK) Intimex tại TP.HCM,và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 6/2006. Năm 2011, XNK Intimex đổi tên thành CTCP Tập đoàn Intimex (Intimex Group), trụ sở chính đặt tại số 61 Nguyễn Văn Giai, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM. Chủ tịch HĐQT là ông Đỗ Hà Nam.

Khởi điểm ban đầu là một công ty và ba chi nhánh nhỏ với vốn điều lệ 14,4 tỷ đồng. Qua 6 lần điều chỉnh tăng, số vốn điều lệ của Intimex Group tính đến tháng 6/2019 đạt mức 348 tỷ đồng. Công ty hiện có quy mô gồm 900 lao động, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm và doanh thu hàng năm đạt trên 40.000 tỷ đồng.

Trên website, Intimex tự giới thiệu làm “Tập đoàn lớn mạnh, và là một trong những thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam ở các lĩnh vực: chế biến, xuất khẩu nông sản (cà phê, hồ tiêu, gạo, hạt điều…); nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, sắt thép; kinh doanh siêu thị và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng…”, đồng thời có mạng lưới hoạt động “đa ngành, đa nghề, đa quốc gia”.

Thêm vào đó, Intimex Group còn là chủ của nhà máy cà phê hòa tan hiện đại nhất thế giới tại Bình Dương. Nhà máy chế biến cà phê hòa tan Intimex Bình Dương được đầu tư xây dựng trên dây chuyên công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới của Tập đoàn GEA Niro (Đan Mạnh), với công suất 550 kg/giờ, ước đạt 4.000 tấn cà phê hòa tan/năm với giá trị đầu tư 30 triệu USD. Nhà máy này đã được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019 và Vietinbank chính là nhà tài trợ vốn chính cho dự án này.

Vai trò của nhà băng này cũng từng được Chủ tịch Đỗ Hà Nam (SN 1956) cho biết là đơn vị đồng hành, và là điểm tựa tài chính vững vàng cho Intimex Group trong nhiều dự án.

Ngày 15/4, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2969/VPCP-KTTH dẫn lời chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, về việc làm rõ phản ánh của doanh nghiệp xuất khẩu gạo nghi ngờ có sự không minh bạch trong việc đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo lúc nửa đêm.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 3 văn bản 2827/VPCP-KTTH ngày 14/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Trong đó, nêu cụ thể vể quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công Thương trong việc này.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo việc triển khai văn bản 2827/VPCP-KTTH ngày 14/4/2020 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung trên trước ngày 18/4/2020.

Đề cập đến vụ mở tờ khai lúc “nửa đêm" của hải quan, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, ngoài việc nhiều thương nhân không nhận được thông tin chính nào từ phía cơ quan có trách nhiệm về thời gian mở hệ thống đăng ký tờ khai, họ còn gặp nhiều vấn đề bất cập khác mà chưa giải thích được.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Hiệp hội lương thực, từ ngày 24/4/2020 đến ngày 10/4/2020, phía cơ quan hải quan đã nắm rất rõ về việc có hàng trăm nghìn tấn gạo của nhiều thương nhân đã lên đến các cảng, sẵn sàng cho xuất khẩu và chưa thể đăng ký tờ khai hải quan cũng như không thông quan được sau lệnh dừng thông quan hôm 24/3 của Tổng cục Hải quan.

Việc “nằm chờ" ở cảng trong một thời gian khiến những doanh nghiệp này đang chịu gánh nặng chi phí lên tới hàng tỷ đồng.

Trước bức xúc của nhiều doanh nghiệp trong vụ mở tờ khai lúc nửa đêm, lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã đưa ra nhiều kiến nghị giải quyết các vấn đề này.

Lê Loan (TH)/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/intimex-cung-luc-dang-ky-hang-tram-to-khai-gao-xuat-khau-co-bat-thuong-d73723.html

Bạn đang đọc bài viết Intimex cùng lúc đăng ký hàng trăm tờ khai gạo xuất khẩu: Có bất thường? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp