Hà Nội, Thứ Hai Ngày 25/11/2024

PV Oil xây dựng kịch bản chống đỡ tác động kép ra sao?

DTVN 14:51 15/04/2020

Năm 2020, giá dầu đã rớt 70% xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua và dịch COVID-19 khiến PVOil phải đặt ra kịch bản xấu nhất là giảm hơn 30% so với kế hoạch.

Tác động kép

Từ cuối tháng 1/2020, dịch COVID-19 bùng phát và ngày càng diễn biến phức tạp, đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội trên phạm vi toàn cầu. Giá dầu thô và giá các sản phẩm dầu thế giới đều giảm mạnh từ cuối tháng 1/2020 và hiện tại giá dầu thô Brent DTD đã xuống dưới 20 USD/thùng, giảm hơn 70% so với thời điểm cuối năm 2019 do nhu cầu của thị trường giảm bởi tác động ngày càng sâu rộng và chưa được kiểm soát của dịch bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Đông thời do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước cũng giảm mạnh. Đối với PVOIL và các đơn vị thành viên PVOIL, tác động kép của cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 và suy giảm giá dầu đã làm sản lượng kinh doanh sụt giảm khoảng 20% so với cùng kỳ - là mức sụt giảm chưa từng xảy ra trước đây và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài.

Đối với PVOIL, tác động kép của cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 và suy giảm giá dầu đã làm sản lượng kinh doanh sụt giảm khoảng 20% so với cùng kỳ - là mức sụt giảm chưa từng xảy ra trước đây và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài. Thêm vào đó, chi phí kinh doanh bình quân trên đơn vị sản phẩm tăng trong khi vẫn phải tăng chiết khấu để bán hàng và phát sinh lỗ do giảm giá hàng tồn kho khi giá bán lẻ liên tục giảm mạnh.

Mặc dù sản lượng chung bị sụt giảm, sản lượng bán qua PVOIL Easy tiếp tục tăng trưởng tốt (sản lượng giao dịch tháng 3/2020 tăng 12% so với tháng 12/2019).

Kế hoạch đặt ra lãi 376 tỷ đồng dựa trên giá dầu tới 60 USD/thùng

Theo Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil, UPCoM: OIL), năm 2020, giá dầu thô và xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, phụ thuộc vào các yếu tố địa chính trị trên thế giới. Chỉ trong một thời gian ngắn, do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, giá dầu thô liên tục lao đốc, giảm khoảng 70% so với thời điểm đầu năm, xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Kinh tế toàn cầu và trong nước dự báo khó đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng tại thời điểm đầu năm (Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020) vì nhiều hoạt động bị ngưng trệ kéo dài do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu suy giảm mạnh (giảm khoảng 20%).

Về điều hành kinh doanh xăng dầu, Chính phủ tiếp tục duy trì biên độ điều chỉnh giá 15 ngày và thông qua các công cụ thuế, quỹ bình ổn giá và nỗ lực kiểm soát thị trường bằng nhiều giải pháp. Nghị định 83/2014/CP có khả năng được điều chỉnh theo hướng siết chặt và bất lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Thị trường trong nước ngày càng gia tăng cạnh tranh do có thêm các đầu mối và thương nhân phân phối được cấp phép mới, tình trạng kinh doanh trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ ngừng hoạt động để bảo dưỡng khoảng 50 ngày từ cuối quý 2/2020, cònNhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chưa thực sự hoạt động ổn định sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong năm.

Với tình hình đó, năm 2020, PVOil đặt mục tiêu sản lượng xuất khẩu 8,89 triệu tấn, giảm 20% so năm 2019. Trong khi đó sản xuất xăng, dầu mỡ nhờn và sản lượng kinh doanh xăng dầu đều bằng với năm ngoài khi lần lượt ở mức 604.000 m2/tấn và 3,25 triệu m3/tấn.

Doanh thu sụt giảm tới 35% xuống mức 52.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lại tăng 14% lên con số 376 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này của PVOil đặt ra dựa trên giá dầu thô 60 USD/thùng.

Kế hoạch 2020 của PVOil

Trong khi đó, năm 2019, PVOil thực hiện được 80.294 tỷ doanh thu, vượt 64% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế 347 tỷ đồng, đạt 94% chỉ tiêu đề ra.

Do đó trước tác động kép của dịch bệnh và giá dầu sụt giảm dự báo còn kéo dài trong các tháng tiếp theo đã xây dựng các kịch bản về sản lượng tiêu thụ và giá dầu kế hoạch năm 2020

3 kịch bản thích ứng với giá dầu và dịch COVID-19

Kịch bản 1, các khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và suy giảm giá dầu chỉ tác động trong ngắn hạn (quý I và quý II/2020), giá dầu và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thị trường sẽ phục hồi trong 2 quý còn lại.

Cụ thể, giá dầu phục hồi và tăng trưởng từ nửa cuối quý II/2020, dầu Brent trung bình cả năm đạt mức 45-50 USD/thùng. Tổng sản lượng kinh doanh của PVOIL sụt giảm tới 10% so với dự kiến kế hoạch.

Kịch bản 2, các khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và suy giảm giá dầu tác động kéo dài hết quý III/2020, giá dầu và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thị trường sẽ phục hồi trong quý IV.

Cụ thể, giá dầu phục hồi chậm, dầu Brent trung bình cả năm đạt mức 30-40 USD/thùng. Tổng sản lượng kinh doanh của PVOIL sụt giảm tới 20% so với dự kiến kế hoạch.

Kịch bản 3, các khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và suy giảm giá dầu tác động sâu rộng đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp sẽ phải đóng cửa, dừng vận hành do thiếu nguyên liệu; nền kinh tế bị đình trệ; Nhà nước phong tỏa, hạn chế đi lại trên diện rộng do ảnh hưởng của dịch bệnh... làm sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu.

Cụ thể, giá dầu tiếp tục giảm sâu và chưa phục hồi, dầu Brent trung bình cả năm đạt mức 20-25 USD/thùng. Tổng sản lượng kinh doanh sụt giảm tới 30% và thậm chí hơn 30% so với dự kiến kế hoạch.

PVOIL dự kiến sẽ báo cáo ĐHĐCĐ thường niên ủy quyền cho HĐQT cập nhật kế hoạch SXKD 2020 chi tiết phù hợp với thực tế tình hình dịch bệnh và các kịch bản giá dầu.

Thanh Nga (TH)/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/pv-oil-xay-dung-kich-ban-chong-do-tac-dong-kep-ra-sao-d73670.html

Bạn đang đọc bài viết PV Oil xây dựng kịch bản chống đỡ tác động kép ra sao? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp