Soya Garden đóng cửa hầu hết cửa hàng tại TP. HCM
Soya Garden đã đóng cửa một vài cửa hàng ở miền Bắc. Trên Facebook, một chủ cửa hàng nhận nhượng quyền từ Soya Garden tại Hà Nội đã đăng status muốn sang nhượng cửa hàng.
Vào cuối tháng 1/2020, tức là trước Tết Nguyên Đán, trên Fanpage Soya Garden, họ cho biết có tất cả 45 cửa hàng: 29 tại Hà Nội, 13 tại TP. HCM và 2 tại Hải Phòng, 1 ở Nha Trang. Còn nhớ, Soya Garden đã khai trương cửa hàng thứ 50 tại Ngã 6 Phù Đổng vào tháng 9/2019. Tức trong vài tháng cuối năm 2019, Soya Garden đã đóng cửa 5 cửa hàng.
Sau khi thành công kêu gọi vốn trên chương trình Shark Tank 2018, Soya Garden đã nhận được tổng cộng 100 tỷ đồng từ EGroup của Shark Thủy, rồi ồ ạt mở cửa hàng trong năm 2018 và 2019.
Trong 1 lần trả lời phỏng vấn vào giữa năm 2019, CEO Soya Garden đã tiết lộ tham vọng mở 100 cửa hàng trong năm 2019 và 300 cửa hàng trong năm 2020 tại Việt Nam đồng thời sẽ đặt chân đến những thị trường khác trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản.
Về mục tiêu dài hạn, trong 3 năm tới, thương hiệu này muốn hoàn tất sứ mệnh đưa các sản phẩm từ đậu nành lên ngang tầm với cà phê và trà, để việc "đi Soya" sẽ trở nên quen thuộc như "đi cafe" hay "đi trà sữa".
Dũng cảm đóng bớt mô hình chưa phù hợp
Với Soya Garden, Covid-19 không hẳn là hoàn toàn xấu. Tất nhiên, việc đóng ½ cửa hàng tại TP. HCM không thể xem là tốt; nhưng nói như Hoàng Anh Tuấn – CEO của Soya Garden, nếu không có Covid-19, hẳn anh không đủ dũng cảm để đóng liên tục 6 cửa hàng và quyết tâm thay đổi mô hình quyết liệt đến vậy.
Nhìn ở góc độ quản trị: việc đóng gần ½ cửa hàng tại TP. HCM là hành động tái cơ cấu doanh nghiệp, bỏ bớt đi cửa hàng kinh doanh chưa hiệu quả và giữ lại các cửa hàng có doanh thu tốt, vị trí đẹp; đồng thời chuẩn bị ra mắt một concept cửa hàng khác nhỏ hơn đồng nghĩa với ít tốn chi phí mặt bằng – nhân công hơn.
Sở dĩ, Soya Garden vẫn sống tốt xuyên suốt mùa dịch tại Hà Nội, chính nhờ các cửa hàng kiosk nhỏ dưới 20 chỗ ngồi, phục vụ một lượng ít khách hàng tại chỗ và tập trung bán take-away hoặc delivery. Những cửa hàng như thế có chi phí vận hành thấp, hoạt động đơn giản nhưng hiệu quả kinh doanh thậm chí còn lớn hơn các cửa hàng lớn.
Không chỉ Soya Garden, nhiều chuỗi F&B lớn khác vẫn sống tốt xuyên suốt mùa dịch chính nhờ vào nhu cầu mua hàng qua delivery và take-away tăng cao. Riêng Soya Garden, doanh thu từ việc bán hàng qua kênh này đã tăng vọt trong thời cao điểm mùa dịch vừa qua.
Ở khía cạnh khác, vào cuối năm 2020, Soya Garden sẽ chính thức giới thiệu concept cửa hàng nhỏ như ở Hà Nội tại thị trường TP. HCM. Không như quán lớn, những quán nhỏ hay kiosk sẽ dễ len lỏi vô các khu dân cư cũng như giới nhân viên văn phòng hơn.
Mặc dù mô hình kiosk dạng này không phải là chưa có tại TP.HCM, tuy nhiên với sản phẩm khác biệt và tập trung vào phân khúc khách hàng khác với các thương hiệu F&B, cùng với việc đã thành công tại Hà Nội và mức độ am hiểu thị trường sau hơn 1 năm Nam tiến; Hoàng Anh Tuấn tin rằng, lần khởi động lại này sẽ định vị được thương hiệu Soya Garden trong lòng người tiêu dùng.
"Đại dịch Covid-19 cũng khiến nhiều doanh chủ phải thay đổi hoàn toàn tư duy sản xuất – kinh doanh, nhất là những người điều hành chuỗi F&B như tôi. Để tồn tại, chúng tôi cần ưu tiên tính hiệu quả chứ không phải hình ảnh hay đốt tiền để chiếm lĩnh thị trường nữa. Covid-19 cũng thúc đẩy việc chuyển đổi số đối với các mô hình kinh doanh truyền thống tại Việt Nam nhanh hơn từ 3-5 năm.
Các chuỗi sẽ làm mọi cách để tối ưu hóa chi phí, giảm chi phí nhân sự, nâng cao hiệu quả vận hành và kết hợp với các nền tảng số để tăng cường doanh thu. Cái quan trọng là hiệu quả thu lại so với chi phí bỏ ra ở thời điểm tức thời, chứ không phải kết quả suy đoán ở tương lai.
Xu hướng phát triển này chắc chắn là tất yếu tại thị trường Việt Nam và chúng ta sẽ chứng kiến sự chuyển đổi này trong tương lai. Soya Garden có lợi thế là một startup trẻ và nhỏ so với các ông lớn trên thị trường nên việc xoay chuyển sẽ diễn ra dễ dàng và nhanh chóng hơn", CEO Soya Garden khẳng định.
Sau 1 năm đổ nhiều ‘máu và nước mắt’ ở thị trường này, anh nhận ra thêm 1 điều: dù biết thị trường TP. HCM khó hơn Hà Nội, nhưng khi bắt tay vào việc mới biết nó còn khó hơn mình nghĩ và mức độ cạnh tranh cũng khốc liệt hơn.
Tại Hà Nội, không dễ để thuyết phục người tiêu dùng thử cái mới, nhưng mỗi khi họ đã thử, nếu ngon và phù hợp họ sẽ ở lại dài lâu thành khách hàng trung thành. TP. HCM thì ngược lại, sẽ dễ hơn để thuyết phục người tiêu dùng thử cái mới nhưng cũng họ dễ bỏ đi để thử những thương hiệu mới xuất hiện liên tục mỗi ngày. Theo đó, anh Tuấn cho rằng, muốn tồn tại ở thị trường TP. HCM, việc của các CEO là phải liên tục thay đổi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Có thể nói, trong nửa năm đầu 2019, Soya Garden vừa là niềm ao ước vừa là nỗi đố kỵ của không ít startup trong ngành F&B.
Rút kinh nghiệm sâu sắc là lần khởi hành đầu tiên, lần triển khai concept quán nhỏ và cuối năm này, Soya Garden đang chuẩn bị kỹ lưỡng. Hơn nữa, mô hình bán hàng qua các quán nhỏ và take-away đã thành công tại Hà Nội, nên Hoàng Anh Tuấn tin là nó sẽ tiếp tục thành công ở TP. HCM và các địa phương khác.
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ