Hà Nội, Thứ Tư Ngày 01/05/2024

Sau khi nhận phạt nặng, Cienco 1 đã có phương hướng đưa cổ phiếu lên sàn?

DTVN 15:13 22/11/2019

Hơn 5 năm trôi qua, Cienco 1 vẫn nợ nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên HNX theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông

Bị phạt nhưng vẫn chây ì, cổ đông mòn mỏi đợi chờ

Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (Cienco 1) là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2014.

Tại kỳ Đại hội đồng cổ đông lần đầu diễn ra vào cuối tháng 4/2014, với số phiếu ủng hộ lên đến 99,73%, đại hội đã thông qua chủ trương niêm yết 70 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (Cienco 1) đã 5 năm nợ nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên HNX

Thế nhưng, hơn 5 năm trôi qua, Cienco 1 vẫn nợ nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên HNX theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, cũng như theo quy định pháp luật là sau cổ phần hóa, dù có là công ty đại chúng hay không thì doanh nghiệp đều phải có nghĩa vụ đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Cuối tháng 2/2019, Cienco 1 bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 450 triệu đồng do hai lỗi vi phạm: không đăng ký giao dịch chứng khoán, không báo cáo theo quy định pháp luật.

9 tháng đã trôi qua kể từ khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vì vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (Cienco 1) vẫn chưa đưa phương án thực hiện quy định. Thời điểm lên sàn cũng như thông tin về kết quả kinh doanh từ đầu năm đến nay của Cienco 1 đều mờ mịt.

Thông tin về hoạt động doanh nghiệp mù mờ

Không chỉ thời hạn đưa cổ phiếu của Cienco 1 lên sàn chứng khoán vẫn mờ mịt, mà kết quả kinh doanh từ đầu năm đến nay chưa được doanh nghiệp công bố. Năm ngoái, kết quả kinh doanh của Cienco 1 giảm mạnh.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018, doanh nghiệp ghi nhận mức lãi 3,4 tỷ đồng, chỉ bằng một phần ba mức lãi đạt được trong năm 2017 (9,6 tỷ đồng).

Theo giải trình của Cienco 1, nguyên nhân khiến lợi nhuận suy giảm là do ảnh hưởng của việc đầu tư tại một số dự án BOT đang trong giai đoạn đầu thu hồi vốn có lỗ theo kế hoạch như Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì, Công ty TNHH Đầu tư Cổ Chiên, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng FCC.

Cụ thể, lỗ từ hoạt động liên kết trong năm 2018 là 47,6 tỷ đồng (năm 2007, lỗ từ hoạt động liên kết là 34,6 tỷ đồng).

Ngoài ra, Cienco 1 thông báo ngày 30/8/2019 là thời hạn chốt danh sách cổ đông để họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, dự kiến diễn ra vào ngày 25/9/2019, nhưng đến nay vẫn không có thông tin gì thêm.

Tính đến ngày 20/11/2019, trên website của Cienco 1 không thấy đăng tải biên bản họp hay nghị quyết đại hội. Liên quan đến thông tin tài chính - một trong những thông tin quan trọng mà các cổ đông quan tâm, tại mục “Quan hệ cổ đông” của website Cienco 1, đến ngày 15/2/2019, kết quả hoạt động kinh doanh mới nhất được doanh nghiệp công bố là báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán. Các thông tin về hoạt động kinh doanh năm 2017 - 2018 chưa được công khai.

Những cái vướng… khó nói

Ông Ngô Bá Toản, Nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) cho biết, trong quá trình quyết toán CPH vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là các dự án của Bộ Giao thông - Vận tải, nên Cienco 1 chưa thể giải quyết được. Ðây chính là lý lo khiến Cienco 1 tiếp tục gặp khó khăn trong việc đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), ngoài việc không đủ điều kiện để đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán thì còn một số nguyên nhân khác.

Thứ nhất, lãnh đạo công ty sợ bị thay thế do cổ đông có thể tiến cử người có năng lực hơn vào bộ máy quản trị của công ty. Thứ hai, những cổ đông muốn nắm giữ công ty lâu dài sợ bị ảnh hưởng do nguy cơ bị thâu tóm cao khi giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Thứ ba, doanh nghiệp sợ minh bạch thông tin và sợ bị theo dõi của dư luận khi có các hoạt động mờ ám.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

Cũng theo ông Trương Thanh Đức, việc nêu tên các doanh nghiệp CPH chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán vẫn là chưa đủ để tạo áp lực thúc các doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Mặt khác, khi có một thị trường chứng khoán đủ sức hấp dẫn, minh bạch, doanh nghiệp sẽ lên một cách tự nguyện.

Việc Thông tư số 36/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 217/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/6/2017 là điều mà các nhà đầu tư đã mong đợi từ nhiều năm nay. Cùng với đó, những động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc CPH doanh nghiệp nhà nước đang được kỳ vọng sẽ tạo ra một thị trường minh bạch và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư, đồng thời bổ sung những cổ phiếu tốt cho thị trường.

Phương Lê (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/sau-khi-nhan-phat-nang-cienco-1-da-co-phuong-huong-dua-co-phieu-len-san-d65622.html

Bạn đang đọc bài viết Sau khi nhận phạt nặng, Cienco 1 đã có phương hướng đưa cổ phiếu lên sàn? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp