Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Cơ hội 'thoát hiểm' của Cienco4

DTVN 06:42 11/10/2019

Số dư nợ phải trả của Cienco4 tính đến thời điểm ngày 30/6/2019 là 6.014 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu là 1.187 tỷ đồng.

Với lượng tiền hiện có Cienco4 hoàn toàn không đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản nợ trong vòng 3 tháng.

Một đồng vốn, sáu đồng nợ

Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm 2019 của Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 cho thấy có nhiều điểm sáng trong tình hình tài chính của doanh nghiệp, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có một số điểm đáng lo ngại.

Trong đó, đáng quan tâm nhất là các khoản cho vay ngắn hạn hiện đang gây áp lực rất lớn lên tình hình tài chính của tập đoàn này.

Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2019, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Cienco4 là 6 lần. Cụ thể, số dư nợ phải trả là 6.014 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu là 1.187 tỷ đồng. Nghĩa là trong cơ cấu nguồn vốn tỷ lệ là 1 đồng vốn thì 6 đồng nợ. Hệ số khả năng thanh toán tức thời là 0,045 lần. Cụ thể theo BCTC, số dư tiền và các khoản tương đương tiền là 139 tỷ đồng so với nợ ngắn hạn phải trả là 3.097 tỷ đồng.

Như vậy, với lượng tiền hiện có Cienco4 hoàn toàn không đảm bảo được khả năng thanh toán tức thời các khoản nợ phải trả trong vòng 3 tháng. Khả năng thanh toán tức thời của Cienco4 phụ thuộc lớn vào việc thu hồi các khoản phải thu ngắn hạn là 2.429 tỷ đồng. Trong đó tập trung tại các khoản cho vay ngắn hạn 1.165 tỷ đồng.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Cienco4 trong 6 tháng đầu năm nay là 249 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái là âm 308 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do công tác thu hồi công nợ của Cienco4 đạt kết quả tốt.

Dòng tiền từ các khoản phải thu đạt 505 tỷ đồng, trong khi khoản mục này ở cùng kỳ âm 278 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư 78 tỷ đồng.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư trong kỳ của Cienco4 đạt 327 tỷ đồng. Cienco4 chủ yếu sử dụng dòng tiền dương trong kỳ để trả bớt nợ gốc vay dẫn đến lưu chuyển từ hoạt động tài chính âm 364 tỷ đồng (tiền thu từ đi vay 947 tỷ đồng, tiền trả nợ gốc vay âm 1.300 tỷ đồng).

Tổng nguồn vốn của công ty ở thời điểm đó là 7.292 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm 2019. Trong đó, giá trị vốn góp chủ sở hữu là 1.192 tỷ đồng, còn lại nợ phải trả, với giá trị lên đến 6.099 tỷ đồng, chia thành 3.049 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 3.050 tỷ đồng nợ dài hạn.

Năm 2019, Cienco4 đặt mục tiêu 3.500 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng, cổ tức không dưới 20% mệnh giá cổ phần.

Cổ phiếu C4G của Cienco4 đăng ký giao dịch tập trung cổ phiếu trên UPCoM từ tháng 12/2018.

Ngày 21/5/2019, Cienco4 đã có Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua việc niêm yết toàn bộ cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và đồng thời, thông qua hồ sơ đăng ký niêm yết C4G trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của Cienco4 (mã CK: C4G) đã giảm mạnh trong 6 tháng qua từ mức 11.900 đồng/CP xuống còn quanh 6.200 đồng/CP, tương đương mức giảm 48% trong vòng 6 tháng, đã phản ánh phần nào lo ngại của thị trường chứng khoán về tình hình sức khỏe tài chính của Cienco4.

Tòa nhà Cienco4

"Điểm sáng" từ hoạt động cốt lõi

Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải và UBND tỉnh Thái Nguyên chính thức có văn bản thống nhất phương án thu phí tại trạm thu phí Km77+922,5 trên Quốc lộ 3 hoàn vốn cho dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100 theo hình thức BOT.

BOT Thái Nguyên - Chợ Mới là dự án do liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4), CTCP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, CTCP Đầu tư xây dựng và thương mại Trường Lộc Việt Nam thực hiện, tổng mức đầu tư ban đầu là 2.713 tỷ đồng.

Nằm trong nhóm dự án đầu tư lớn, nhưng do chưa thể triển khai thu phí toàn bộ nên đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho Cienco4 thời gian qua.

Chính vì vậy, việc thống nhất được phương án miễn, giảm phí tại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới hứa hẹn sẽ giúp Cienco4 sớm triển khai việc thu phí trên toàn dự án, qua đó đảm bảo phương án tài chính hoàn vốn cho dự án, bên cạnh các dự án BOT khác đang được khai thác như dự án Tuyến tránh TP. Vinh, dự án Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh Hà Tĩnh, dự án Quốc lộ 38 đoạn Yên Lệnh - Vực Vòng, dự án Nghi Sơn - Cầu Giát…

Trả lời trên Báo Đầu tư Chứng khoán, Tổng Giám đốc Cienco4 ông Nguyễn Tuấn Huỳnh cho biết, năm 2018, mặc dù nguồn vốn bố trí cho ngành GTVT tiếp tục hạn chế, các dự án giao thông khởi công ít..., nhưng Cienco4 vẫn duy trì được sự ổn định trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

“Chỉ tính riêng lĩnh vực thi công xây lắp, năm qua, Cienco4 đã hoàn thành 5 công trình giao thông quy mô lớn như dự án đường lăn, sân đỗ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường cất hạ cánh Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, sân bay Vinh (giai đoạn 1 và 2), dự án cầu Hiếu 2 (Nghĩa Đàn, Nghệ An); dự án Quốc lộ 48B - Lạch Quèn…”, ông Huỳnh thông tin.

Song song với đó, Cienco4 tiếp tục triển khai hàng loạt dự án giao thông gối đầu từ các năm trước như dự án cầu Đông Khê (Hải Phòng); dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện; gói thầu CP1A dự án xây dựng tuyến đường sắt số 1 TP. HCM Bến Thành - Suối Tiên;

Gói thầu số 1 dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; tiểu dự án đường đô thị Lao Bảo; dự án xây dựng đường đô thị Mộc Bài; gói thầu J3 cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án xây dựng đường giao thông từ Quốc lộ 1A đến Đầm Môn...

Theo lãnh đạo Cienco4, giá trị thi công các công trình chuyển qua cho năm 2019 và các năm sau lên tới 5.687 tỷ đồng.

Bên cạnh lĩnh vực cốt lõi đầu tư thi công xây lắp hạ tầng giao thông, Cienco4 còn đóng vai trò là nhà đầu tư tại nhiều dự án bất động sản, khu du lịch nghĩ dưỡng , cao ốc văn phòng quy mô như Tòa nhao cao ốc văn phòng Cienco4 Tower 180 Minh Khai (TP.HCM), dự án 116 Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM), dự án khu du lịch dịch vụ hỗn hợp và nhà nghỉ dưỡng Cầu Cau (Nghệ An), Khu chung cư 61 - Nguyễn Trường Tộ - Vinh...

Theo lãnh đạo Tập đoàn CIENCO 4, năm 2019, Tập đoàn này tiếp tục đấu thầu tại các dự án cầu đường, cảng, sân bay, đặc biệt tập trung vào các tuyến Metro tại Hà Nội và TP HCM. CIENCO 4 cũng mở rộng đấu thầu vào lĩnh vực xử lý nước thải sinh hoạt, rác y tế, năng lượng, nước sạch.

Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO 4 tiền thân là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 được cổ phần hóa vào ngày 2/6/2014 với tỷ lệ nắm giữ vốn Nhà nước thông qua Bộ GTVT là 35%. Tháng 12/2014, Nhà nước thoái vốn toàn bộ tại Tổng Công ty này

Tập đoàn CIENCO 4 chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần vào cuối tháng 4/2017. Trụ sở chính của CIENCO 4 hiện nay ở tòa nhà ICON4, 243A Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CIENCO 4 là ông Nguyễn Văn Tuấn. Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Tuấn Huỳnh. Ngoài ra, các thành viên HĐQT còn có ông Ngô Trọng Nghĩa, Lê Đức Thọ, Nguyễn Anh Tân, Văn Hồng Tuân và bà Trần Thị Thu Hà.

CIENCO 4 có 2 Công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư Cienco4 Land (tỷ lệ sở hữu 68,88%) và công ty Cổ phần Green Tea Islands (sở hữu 100%).

Bên cạnh đó, Tập đoàn CIENCO 4 còn có nhiều Công ty liên doanh, gồm: Công ty cổ phần 414 (sở hữu 49%), Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư 415 (sở hữu 35%), Công ty cổ phần 407 (sở hữu 49%), Công ty cổ phần 412 (sở hữu 35%), công ty cổ phần 422 (sở hữu 49%), Công ty cổ phần 499 (sở hữu 49%), Công ty cổ phần thiết bị giáo dục 2 (sở hữu 31,3%).

Trong lĩnh vực BOT, Tập đoàn CIENCO 4 liên doanh với nhiều công ty để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, dự án giao thông theo hình thức BOT nghiệp như: Công ty TNHH BOT Cầu Yên Lệnh (sở hữu 50%), Công ty TNHH Hai thành viên BOT Quốc lộ 1A Cienco4 - TCT 319 (sở hữu 51%), Công ty TNHH BOT Thái Nguyên Chợ Mới (sở hữu 49,31%).


Theo Khánh Hà/Diễn đàn Doanh nghiệp

Bạn đang đọc bài viết Cơ hội 'thoát hiểm' của Cienco4 tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh