Hà Nội, Thứ Hai Ngày 29/04/2024

S99 sa sút dưới thời một vị Chủ tịch: Ông Phan Văn Hùng 'hạ cánh an toàn' ra sao?

ĐTVN 11:03 13/01/2020

Chính giai đoạn ông Phan Văn Hùng giữ cương vị Tổng Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Quản trị S99 là khoảng thời gian “đen tối” nhất đối với doanh nghiệp này.

Cựu Chủ tịch Phan Văn Hùng “giết chết” S99 như thế nào?

Như đã thông tin, Công ty Cổ phần SCI (tiền thân là Công ty Cổ phần Sông Đà 909 (mã chứng khoán: S99), thuộc Tổng Công ty Sông Đà) từng là một thế lực được nhiều nhà đầu tư quan tâm ở giai đoạn đầu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Khi đó, mã S99 của SCI (niêm yết ngày 6/12/2006), sau phiên chào sàn với giá 29.400 đồng/cổ phiếu đã chứng kiến sự tăng tốc mạnh mẽ, có lúc vượt lên mức 418.000 đồng/cổ phiếu (ngày 16/10/2007) tạo hiệu ứng lạc quan trên thị trường.

Tuy nhiên, từ 2011, cổ phiếu S99 bắt đầu giảm và liên tục chạm đáy. Nhiều thời điểm, giá một cổ phiếu S99 chỉ ngang bằng 1 cốc trà đá. Vào tháng 4/2018, mã S99 bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2017 âm.

Báo cáo tài chính cho thấy, giai đoạn 2006 – 2009, lãi ròng S99 tăng trưởng khá tốt, từ 3,2 tỷ đồng năm 2006 lên 19,7 tỷ đồng năm 2007, lên 16,8 tỷ đồng năm 2008 và đạt 22,6 tỷ đồng năm 2009.

Tuy nhiên, từ 2011, lợi nhuận S99 lao dốc, xuống 321 triệu đồng, 2,1 tỷ đồng, 2,3 tỷ đồng, lần lượt vào các năm 2011, 2012 và 2013. Cùng với giảm sút về lợi nhuận, giá cổ phiếu S99 cũng liên tục đổ đèo, sa sút cho đến nay.

Tình hình kinh doanh của S99 giai đoạn này gây nhiều thất vọng. Năm 2013, S99 thậm chí phải dừng đầu tư Dự án đầu tư cải tạo xây dựng lại nhà A2, B1, B2, B3 khu tập thể Ngọc Khánh và Dự án cải tạo xây dựng lại khu tập thể Vĩnh Hồ - Quận Đống Đa - Hà Nội.

Được biết, thời kỳ này ông Phan Văn Hùng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc S99 từ tháng 4/2007. Tháng 1/2013 ông Hùng thôi làm Tổng giám đốc và tháng 3/2014 tiếp tục thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị S99.

Đại hội thương niên Công ty CP Sông Đà 909 (Công ty Cổ phần SCI hiện nay)

Phải nói rằng, cũng chính giai đoạn ông Phan Văn Hùng giữ cương vị Tổng Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị S99 là khoảng thời gian “đen tối” nhất đối với doanh nghiệp này. Chẳng biết “bằng cách nào” ông Phan Văn Hùng đã “biến” một doanh nghiệp có vốn Nhà nước đang rất khỏe này “chết lâm sàng” kéo dài đến vậy?

Về công tác nhân sự, từ năm 2013, ông Phan Mạnh Hiệp được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc công ty. Và từ tháng 7/2015, ông Nguyễn Công Hùng ngồi ghế Chủ tịch S99. Từ năm 2014, ông Nguyễn Công Hùng cũng đã giữ chức Chủ tịch của Công ty CP SCI E&C (SCI).

Chuyển hướng kinh doanh liệu có khả thi?

Năm 2019, công ty này đặt mục tiêu lãi 69 tỷ đồng và trả cổ tức cho cổ đông 5%. Lãnh đạo S99 dự kiến quý IV sẽ chào bán hơn 10 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu S99 mấy năm gần đây có cải thiện nhưng vẫn chưa vượt khỏi mốc mệnh giá. Hiện S99 giao dịch quanh mức 8.000 đồng/cổ phiếu với thanh khoản kém.

Do đó, dù lợi nhuận đã được ban lãnh đạo công bố tăng trưởng mạnh, nhưng kế hoạch chào bán cổ phiếu vẫn còn bỏ ngỏ khi S99 hiện nay vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn đang trông đợi vào cuộc cải tổ mạnh mẽ của S99 sau khi thoát xác.

Từ cuối năm 2014, giới đầu tư đã bàn tán về câu chuyện ở Công ty Cổ phần Sông Đà 909 đổi tên thành Công ty Cổ phần SCI.

Ngay sau đó, không chỉ đạt kết quả kinh doanh bất ngờ, S99 còn tiến hành một loạt thay đổi mang tính lột xác. Đầu tiên, công ty quyết định chuyển hướng lĩnh vực ngành nghề. Thay vì tập trung vào thi công công trình công nghiệp thủy điện, S99 chuyển sang thi công công trình giao thông hạ tầng.

Lãnh đạo S99 cho rằng, đây là ngành có thị trường lớn, cơ hội nhiều, với những dự án BOT và S99 có thể tận dụng được máy móc thiết bị sẵn có. Quan trọng hơn, nếu không rẽ hướng thì trong tương lai, do Sông Đà 9 đã rút vốn khỏi S99, công ty sẽ không còn công trình thủy điện nào lớn tương tự như Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu để làm.

Về tổ chức hoạt động, S99 sẽ đi theo mô hình công ty mẹ - con. Cụ thể, công ty dự kiến thành lập các công ty con chuyên về từng mảng hoạt động như thi công xây lắp, xuất khẩu lao động. Công ty cũng định tìm kiếm cơ hội kinh doanh thông qua đầu tư góp vốn, mua cổ phần của một số công ty tương đồng với S99 và có tiềm năng.

Công ty đã mua thêm 1,2 triệu cổ phiếu PCT của Công ty Vận tải Dầu khí Cửu Long để trở thành cổ đông lớn, nắm hơn 10% vốn điều lệ tại đây. Hay từ chỗ chỉ sở hữu 1,92% vốn điều lệ ở Công ty Xây dựng và Đầu tư Sông Đà 9 (SCI), tháng 4 vừa qua, Công ty liên tục gom mua để nắm giữ 22,9% vốn điều lệ SCI.

Thông thường các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ xắn tay sắp xếp lại hoạt động khi rơi vào khó khăn. Đó là khi hoạt động bán hàng của công ty bị chậm lại, doanh thu sụt giảm, công nợ gia tăng, giá chứng khoán giảm, đánh mất các cơ hội kinh doanh...

Còn tại S99, chắc chắn đã từng có những vấn đề lớn mà không phải ai cũng hiểu và không phải ngày một ngày hai có thể “thoát xác”. Ngay cả kết quả lợi nhuận tăng trưởng cũng chưa chắc lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Và để lấy lại phong độ một thời, S99 có lẽ vẫn cần cú hích mới…

T.Hà/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/s99-giay-chet-duoi-thoi-mot-vi-chu-tich-ong-phan-van-hung-ha-canh-an-toan-ra-sao-d68819.html

Bạn đang đọc bài viết S99 sa sút dưới thời một vị Chủ tịch: Ông Phan Văn Hùng 'hạ cánh an toàn' ra sao? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp