Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Công ty Cổ phần SCI (S99) 'giãy chết' dưới thời một vị Chủ tịch

DTVN 09:31 12/01/2020

S99 trải qua 20 năm phát triển thì có tới một thập kỷ được ông Phan Văn Hùng chèo lái. Ông Hùng cũng là người để lại nhiều dấu ấn nhất tại doanh nghiệp này.

Cổ phiếu S99 rớt thảm hại

S99 là mã cổ phiếu của Công ty Cổ phần SCI. Đây là cái tên không xa lạ với nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, nhưng đa phần giới xây dựng vẫn chỉ quen gọi S99 là Công ty Cổ phần Sông Đà 909. Nhưng nếu ai từng quan tâm S99 trong hơn thập kỷ qua sẽ dễ nhận thấy, mỗi cái tên đều ghi lại những dấu ấn phát triển đậm bản sắc từng thời lãnh đạo của doanh nghiệp ngành xây dựng này.

S99 tiền thân là Xí nghiệp Sông Đà 903, thuộc Công ty Sông Đà 9 (Tổng Công ty Sông Đà) được thành lập ngày 20/11/1998. Ngành nghề kinh doanh cơ bản của S99 là nhận thầu thi công các công trình dân dụng, công nghiệp, xây dựng thủy điện, bưu điện, công trình thủy lợi,... nhận thầu thi công bằng phương pháp khoan nổ mìn; sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng; kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị công nghệ xây dựng...

Ngày 6/12/2006, công ty đã được chính thức đăng ký giao dịch cổ phiếu tại HNX. Sau nhiều lần tăng vốn điều lệ, đến nay S99 có vốn điều lệ hơn 400 tỷ đồng. Gần đây nhất S99 thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 11 ngày 26/6/2015.

Như vậy đến nay S99 đã có 13 năm lên sàn chứng khoán với nhiều bước thăng trầm. Và cũng từ khi niêm yết trên HNX, S99 thực sự được chú ý nhiều hơn. Nhưng giai đoạn 2003, khi S99 có Phó Giám Đốc - Giám đốc mới cũng là khi cổ phiếu S99 giảm khủng khiếp trong lịch sử với mức giảm 12 lần.

Giai đoạn này, S99 được lãnh đạo dưới thời ông Phan Văn Hùng - người có lẽ đã ghi đậm dấu ấn trong quá trình phát triển của S99 khi đưa từ “cổ phiếu vua”, thành “cổ phiếu rau”…

Ông Phan Văn Hùng trước khi lên ghế Chủ tịch S99, đã từng có giai đoạn dài trước đó gắn bó với Tổng Công ty Sông Đà và các công ty thành viên. Ví dụ như từ Đội trưởng TH số 1 Xí nghiệp Sông Đà 903, Công ty Sông Đà 9, Phó Giám đốc – Giám đốc Công ty CP Sông Đà 909, Tổng Giám đốc và Chủ tịch Công ty CP Sông Đà 9.09

Vốn là cổ phiếu ngành thi công xây dựng hái ra tiền, S99 khi mới lên sàn cũng đắt giá 45.000 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng cứ liên tục giảm giá, đến khi S99 xuống về dưới mệnh giá (bằng giá một mớ rau - 3.500 đồng/cổ phiếu). Sau đó trong năm 2019, cổ phiếu này cũng được phục hồi dần lên nhưng vẫn nằm dưới mệnh giá. Đến nay (đầu năm 2020), S99 lên được mức 8.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá S99 dần cải thiện một phần nhờ lợi nhuận quý 4/2018 đến quý 2/2019 đạt khoảng hơn 20 tỷ đồng.

Trong giai đoạn mất giá, cũng phải thừa nhận rằng, S99 cũng trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế 2009 - 2013. Khi thị trường chứng khoán rơi vào khủng hoảng, S99 cũng giống như các cổ phiếu khác đều giảm giá mạnh. Tuy nhiên, mức giảm của S99 vẫn là kỷ lục và so với giá cổ phiếu cùng ngành, S99 nằm ở vùng đáy.

Nhiều nhà đầu tư đã mất niềm tin vào ban lãnh đạo?

Thực tế từ năm 2006 – 2009, lợi nhuận của S99 không cao nhưng tăng trưởng tốt, từ 3 tỷ đồng năm 2006 lên 22 tỷ đồng năm 2009. Bắt đầu từ năm 2011, lợi nhuận doanh nghiệp này giảm 10 lần, thậm chí báo lỗ trong báo cáo tài chính chưa kiểm toán.

Thời đó, khi cổ phiếu S99 mất giá mạnh không chỉ bởi lợi nhuận sụt giảm hay thua lỗ, mà nhiều nhà đầu tư đã mất niềm tin vào ban lãnh đạo cũng như sự minh bạch của doanh nghiệp này.

Còn nhớ năm 2011, S99 đã phải giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh bán niên trước và sau kiểm toán. Nguyên nhân là trước kiểm toán công ty báo lỗ gần 5 tỷ đồng, nhưng thực tế sau kiểm toán công ty lãi hơn 600 triệu đồng.

Theo lãnh đạo S99, nguyên nhân chênh lệch là do cách tạm tính doanh thu xây lắp công trình thủy điện không chuẩn với con số thực tế. Thứ hai là do kinh phí tính đẩy lên hơn 2 tỷ đồng do tính cả chi phí mua bảo hiểm xe máy và một số cách phân bổ các loại phí khác chưa đúng.

Không chỉ vậy, S99 cũng khiến nhà đầu tư thất vọng khi nhiều dự án đã lên kế hoạch thực hiện, sau đó lại bị hủy. Năm 2011, S99 lỗ hoạt động kinh doanh 4,3 tỷ đồng và chỉ đạt 320 triệu đồng lợi nhuận sau thuế. Công ty không thể trả cổ tức 4% như kế hoạch đặt ra.

Kết quả kinh doanh của S99 những năm gần đây

Trả lời cổ đông, S99 giải trình rằng, các chủ đầu tư công trình gặp khó khăn về nguồn vốn đồng thời chi phí lãi vay tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của công ty. Đến cuối năm 2011, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của S99 lên đến 68 tỷ đồng và các khoản phải thu khách hàng là 28 tỷ đồng, tổng cộng là 96 tỷ đồng chiếm đến 42% tổng tài sản của công ty. Giá trị các khoản này chủ yếu nằm tại công trình thủy điện Lai Châu, Sê San 4 và Pleikrong.

Chi phí tài chính của công ty tăng mạnh lên 19 tỷ đồng do lãi suất thực tế tăng cao đẩy chi phí lãi vay tăng và chi phí trích lập dự phòng đầu tư tài chính lớn. S99 đầu tư cổ phiếu 12 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng đến 8 tỷ đồng trong năm 2011.

Tại Đại hội cổ đông thường niên vào tháng 5/2012, ông Phan Văn Hùng cho biết: “Sau khi các gói thầu tại Thủy điện Lai Châu cơ bản hoàn thành, S99 đã chủ động tìm kiếm các dự án mới và trúng thầu một số dự án trong đó có dự án BV Việt Tiệp với giá trị khoảng 350 tỷ đồng. Tuy nhiên do nghị quyết 11 của Chính Phủ, dự án này bị dừng triển khai đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty”.

Chưa kể có khả năng làm dự án hàng trăm tỷ hay không, nhưng ngay cả dự án chục tỷ, S99 cũng phải xem xét lại nguồn vốn. Khi đó, trả lời câu hỏi của cổ đông về dự án bất động sản tại Ngọc Khánh và 2 dự án mỏ tại Hà Tĩnh, lãnh đạo công ty cũng cho biết – Dự án tại Ngọc Khánh cơ bản đã hoàn thành các thủ tục giấy tờ pháp lý, chỉ còn chờ văn bản chấp thuận mang tính thủ tục của Bộ kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên ngay cả khi được chấp thuận S99 hiện tại cũng không có nguồn vốn để triển khai và thị trường bất động sản cũng không thuận lợi để triển khai.

Về hai dự án mỏ tại Hà Tĩnh, do nhu cầu xây dựng giảm mạnh nên S99 cũng chủ động giãn tiến độ đầu tư vào hai mỏ này. “Nếu đầu tư 35 tỷ đồng vào mỏ để khai thác đất san lấp và đá ra mà không bán được sẽ không có hiệu quả trong khi nguồn lực của công ty có hạn”, công ty giải thích.

Tổng nợ của Công ty Cổ phần SCI tính đến 30/9/2019 là hơn 1.243 tỷ đồng

ĐHCĐ năm 2012 khi đó của S99 cũng đã thông qua việc hủy kế hoạch tăng vốn lên 400 tỷ đồng như đề ra trong năm 2011 và đồng ý phương án tăng vốn mới từ 99 lên 200 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng vốn của S99 nhiều lần thất bại, trước đó, năm 2011, S99 đã xin giấy phép phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn từ 99 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng tuy nhiên do giá cổ phiếu giảm xuống dưới mệnh giá nên việc phát hành không thể thực hiện, sau đó, giấy phép đã hết hạn. S99 cũng không thể thực hiện giai đoạn tăng vốn từ 170 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu mới và trả cổ tức bằng cổ phiếu 15% của năm 2010.

Năm 2019, công ty này đặt mục tiêu lãi 69 tỷ đồng và trả cổ tức cho cổ đông 5%. Lãnh đạo S99 dự kiến quý IV sẽ chào bán hơn 10 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9/2019, Công ty Cổ phần SCI đang có tổng nợ hơn 1.243 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ ở mức hơn 740 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu S99 mấy năm gần đây có cải thiện nhưng vẫn chưa vượt khỏi mốc mệnh giá. Hiện S99 giao dịch quanh mức 8.000 đồng/cổ phiếu với thanh khoản kém.

Còn nữa...

T.Hà/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/cong-ty-co-phan-sci-s99-giay-chet-duoi-thoi-mot-vi-chu-tich-d68774.html

Bạn đang đọc bài viết Công ty Cổ phần SCI (S99) 'giãy chết' dưới thời một vị Chủ tịch tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp