Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) - Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm. |
Mới đây, tại lễ công bố Giải Bóng đá Sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM mở rộng (SV – LEAGUE 2020), Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức, một trong những nhà tài trợ chính cho giải đấu đã xuất hiện với tư cách là lãnh đạo Công ty cổ phần cà phê Ông Bầu.
Đây là doanh nghiệp được thành lập vào cuối tháng 11/2019 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là bà Trần Thị Kim Oanh (51%); tỷ lệ góp vốn còn lại được chia đều cho hai cá nhân là bà Đoàn Hoàng Anh (24,5%) và ông Võ Quốc Lợi (24,5%).
Bà Kim Oanh hiện tại là thành viên ban kiểm soát của Công ty Cổ phần Cà phê Phước An, công ty con của Tập đoàn NutiFood. Trong khi đó, bà Đoàn Hoàng Anh là con gái của bầu Đức, còn ông Võ Quốc Lợi là con trai của doanh nhân Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group. Điều này phần nào khẳng định đối tác chính cùng bắt tay kinh doanh cà phê với bầu Đức là bầu Thắng.
Đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh hai ông bầu này song hành với nhau, trước đó, bầu Đức và bầu Thắng cũng từng được biết đến là đối tác thân thiết trong thời kỳ bóng đá Việt Nam mới bắt đầu đi lên chuyên nghiệp. Trong giai đoạn 2003-2006, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức và Gạch Đồng Tâm Long An của bầu Thắng đã thay nhau thống trị tuyệt đối giải vô địch bóng đá quốc gia với 2 chức vô địch chia đều cho mỗi đội.
Cách đây gần 2 năm, bầu Đức cũng từng làm nổi sóng trong giới đầu tư khi "bắt tay" với tỷ phú Trần Bá Dương, làm nên một thương vụ hợp tác thu hút nhiều chú ý của dư luận của hai tập đoàn hàng đầu cả nước.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco. |
Cụ thể, ngày 8/8/2018, Thaco và HAGL đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó Thaco cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) vay 2.464 tỷ đồng, mua 35% cổ phần HAGL Agrico với giá 3.949 tỷ đồng. Công ty con trong lĩnh vực nông nghiệp của Thaco là Thadi đồng thời chi 7.626 tỷ đồng mua 3 công ty cao su của HAGL Agrico.
Bắt tay với Thaco song khó khăn với bầu Đức vẫn còn rất lớn. Trong một diễn biến mới nhất, để tăng cường tập trung vào nông nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức đã chuyển nhượng 248,5 triệu cổ phần tại Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, tương đương 99,4% vốn điều lệ. Quyết định này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của Bầu Đức chính thức chấm dứt mảng thủy điện sau khi đã nói lời chia tay mảng bất động sản (bán trong nước và cả ở Myanmar) cũng như mảng chăn nuôi bò đầy kỳ vọng trước đó.
Nhờ một loạt các động thái tái cấu trúc nên nợ vay của hệ thống HAGL đã giảm đáng kể. Các khoản vay ngắn hạn giảm từ xấp xỉ 7.000 tỷ xuống còn 4.052 tỷ đồng và vay dài hạn giảm từ 14.803 tỷ xuống 10.703 tỷ đồng (tính đến ngày 30/9/2019).
Cái bắt tay lịch sử khác cũng cần được nhắc đến là việc hợp tác giữa tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vào cuối năm 2019.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Tập đoàn Masan. |
Cùng là hai tỷ phú xuất phát kinh doanh mì gói tại Đông Âu, khi đầu tư về Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng và ông Nguyễn Đăng Quang đã chọn những lĩnh vực khác nhau nên cả hai có rất ít thương vụ đầu tư trực tiếp. Tuy nhiên, giữa hai vị doanh nhân này lại có rất nhiều quan hệ hợp tác trong kinh doanh, mà đóng vai trò trung tâm giao dịch lại là Ngân hàng Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh.
Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 15% vốn tại Techcombank, đồng thời, ông Quang còn là Phó chủ tịch HĐQT tại nhà băng này. Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup dù không có hợp tác đầu tư hay góp vốn tại Techcombank nhưng lại là khách hàng lớn nhất tại đây. Techcombank đóng vai trò là nhà cấp vốn vay lớn nhất cho các công ty con, thành viên của Vingroup.
Dẫu những mối liên hệ giữa Vingroup, Masan và Techcombank hiếm khi được những bên liên quan lên tiếng một cách rộng rãi trước công chúng, nhưng động thái theo đuổi các chiến lược phát triển gần đây đã khiến ba tập đoàn này có xu hướng đến gần nhau hơn.
Cuối năm 2019, sau một quãng thời gian dài liên tục mở rộng và đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực hoạt động, Tập đoàn Vingroup đã quyết định chuyển hướng chiến lược kinh doanh, rút khỏi mảng bán lẻ và đặt trọng tâm phát triển các lĩnh vực công nghệ - công nghiệp.
Trong quá trình rút khỏi mảng bán lẻ, Masan và Vingroup đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Tại thỏa thuận này, hai tập đoàn đã thống nhất việc hoán đổi cổ phần sở hữu tại các công ty để sáp nhập thành một tập đoàn mới. Trong đó, Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động tại công ty mới, còn Vingroup đóng vai trò là cổ đông.
Ở diễn biến mới nhất Masan đã nhận 540 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển thương mại và dịch vụ VCM - doanh nghiệp do Vingroup thành lập vào tháng 9 năm ngoái để quản lý mảng bán lẻ.
Theo Nhà đầu tư