Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Những sai phạm liên tiếp của tập đoàn TNR: Dự án nào bị Thanh tra CP vào cuộc?

DTVN 11:08 13/04/2020

Điều gì đang xảy ra với Tập đoàn bất động sản TNR của cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường?

Bê bối ở dự án TNR Đồng Văn

Cuối năm 2019, Văn phòng Chính phủ đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh về việc chậm cấp sổ đỏ cho các hộ dân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Dự án Khu nhà ở phục vụ Khu công nghiệp Đồng Văn (TNR Stars Đồng Văn).

Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh, kiến nghị của người dân theo quy định, thông báo kết quả đến Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Dự án TNR Stars Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) có diện tích 46 ha gồm 66 lô biệt thự và 1570 lô liền kề có giá bán từ 7-12 triệu/m2 (Tổng giá trị từ 500 triệu – 2 tỷ đồng/lô) do Công ty Cổ phần phát triển Hà Nam (HNC) làm chủ đầu tư, Công ty CP Đầu tư và phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR Holdings) là đơn vị triển khai dự án. Đến nay hạ tầng của dự án đã cơ bản được hoàn thiện.

Theo phản ánh của khách hàng tại dự án, trước khi ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty CP Phát triển Hà Nam để mua các lô đất tại dự án TNR Stars Đồng Văn, khách hàng đã ký Hợp đồng đặt chỗ. Trong đó có nêu rõ về tiến độ, phương thức thanh toán.

Cụ thể: Sau lần thứ nhất đóng 80%, lần thứ 2 khách hàng đóng tiếp 15% với điều kiện “không chậm hơn ngày bàn giao lô đất, dự kiến 30 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” – Hợp đồng đặt chỗ ghi rõ.

Đến giữa năm 2018 nhiều khách hàng đã ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty CP Phát triển Hà Nam.

Theo điều 5 của hợp đồng về bàn giao lô đất trên thực địa, sau khi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán 95% tổng giá trị chuyển nhượng công ty sẽ bàn giao lô đất trên thực địa cho khách hàng, thời hạn bàn giao dự án có thể sớm hơn hoặc muộn hơn tuỳ theo tình hình thực tế.

Về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được hợp đồng nêu rõ sau khi khách hàng nhận bàn giao lô đất trên thực địa và hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo tiến độ quy định tại hợp đồng và cung cấp đầy đủ hồ sơ giấy tờ, thông tin theo quy định chủ đầu tư sẽ tiến hành các thủ tục xin cấp sổ đỏ.

Tin tưởng vào uy tín của chủ đầu tư với những hợp đồng đã ký kết thì sau 1 tháng sẽ được bàn giao đất. Tuy nhiên, sau khi ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đóng đủ 95% giá trị hợp đồng khách hàng vẫn không được bàn giao đất để thi công xây dựng. Chủ đầu tư bội tín khiến khách hàng bức xúc liên tục gửi kiến nghị tới chủ đầu tư.

Chủ đầu tư TNR dính hàng loạt sai phạm

Dự án Trung tâm thương mại, nhà ở thấp tầng, và cao tầng Hano-VID (tên thương mại là TNR GoldSilk Complex – PV) tại số 430 Cầu Am, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông do Công ty cổ phần bất động sản HANOVID làm chủ đầu tư. TNR GoldSilk Complex có quy mô 2 đơn nguyên 32 tầng nổi, 01 tầng hầm, hiện nay đã có hoàn thành và bàn giao cho cư dân về ở.

Hàng loạt dự án của bà Nguyệt Hường liên tiếp bị Thanh tra Chính phủ vào cuộc điều tra làm rõ.

Dự án có nguồn gốc đất trước khi chuyển đổi mục đích đất do Công ty cổ phần Dệt Hà Đông Hanoisimex thuê năm 2007 để làm xưởng sản xuất kinh doanh các sản phẩm may. Đến năm 2010, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội, Công ty cổ phần Dệt Hà Nội Hanosimex và Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam ký hợp tác đầu tư thống nhất thành lập Công ty cổ phần để thực hiện dự án.

Năm 2014 UBND TP Hà Nội đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. TNR GoldSilk Complex có diện tích đất sử dụng 19.594 m2, tổng mức đầu tư là 1.180 tỷ đồng.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án TNR GoldSilk Complex cho biết, tiền sử dụng đất phải nộp là 228,059 tỷ đồng. Tại thời điểm thanh tra, chủ đầu tư đã nộp vào ngân sách 206,652 tỷ đồng, số tiền còn lại là 21,406 tỷ đồng, chủ đầu tư đã nộp đủ (ngày 16.6.2017) sau khi kết thúc thanh tra.

Đặc biệt Thanh tra Chính phủ còn nêu rõ, Sở Tài Nguyên và Môi trường trình UBND TP Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất dự án tại quyết định số 945/QĐ-UBND ngày 25/02/2016, đã không loại khoản thu nhập chịu thuế tính trước 5,5% trong suất đầu tư, và đưa khoản chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp chất lượng công trình (1%) chi phí xây dựng vào tổng chi phí phát triển để giảm từ khu xác định giá thu tiền sử dụng đất không đúng quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30.6.2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước đó, cơ quan Cảnh sát PC&CC đã tiến hành kiểm tra nghiệm thu đối với khối đế từ tầng 2 đến 4 dự án TNR Goldsik Complex. Qua kiểm tra, hạng mục công trình còn tồn tại nhiều nội dung không đảm bảo an toàn về PCCC như lối ra thoát nạn, giải pháp ngăn cháy lan, hệ thống PCCC... và chưa đủ điều kiện để cấp văn bản nghiệm thu về PCCC theo quy định. Tuy nhiên, Chủ đầu tư đã cho khu vực phòng tập Gym, lớp học mầm non, gara để xe đi vào hoạt động, vi phạm quy định về PCCC theo Điều 17 Nghị định số 79 của Chính phủ.

Năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tại Hà Nội giai đoạn 2003-2016. Theo đó, các nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp nhà nước sau khi di dời khỏi nội đô đều biến thành cao ốc gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Theo TTCP, giai đoạn 2003-2016, UBND TP Hà Nội và các sở ngành đã tích cực đưa các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành không còn phù hợp hoặc gây ô nhiễm ra ngoại thành. Các khu đất sau đó đều được chuyển mục đích sử dụng đất làm chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại...

Những chung cư, dự án của tập đoàn TNR dính nhiều bê bối với cư dân

Trong 38 dự án chuyển đổi có vị trí đất lợi thế kinh doanh TTCP kiểm tra, dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, văn phòng, căn hộ cao cấp và khách sạn tại số 47 Nguyễn Tuân (tên thương mại là dự án TNR Gold Season - PV), quận Thanh Xuân do Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông – VID làm chủ đầu tư được chỉ ra với hàng loạt sai phạm, thất thoát ngân sách của Nhà nước.

Theo TTCP, nguồn gốc đất trước khi chuyển mục đích do Công ty Dệt Mùa Đông thuê quản lý sử dụng. Để thực hiện di dời xưởng sản xuất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông đã hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam để thành lập Công ty cổ phần bất động sản Mùa Đông – VID.

Về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chủ đầu tư phải nộp là hơn 264,01 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư còn nợ 121.765,17 triệu đồng, vi phạm Khoản 3 Điều 6, Khoản 7 Điều 12, Khoản 3 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, sau khi kết thúc thanh tra, ngày 12.9.2017 chủ đầu tư đã thực hiện nộp số tiền trên vào ngân sách.

Theo TTCP, dự án được UBND TP phê duyệt cho phép điều chỉnh tiến độ, chủ đầu tư phải nộp tiền chậm tiến độ trong thời gian gia hạn thực hiện dự án tương đương với số tiền thuê đất trả tiền hàng năm theo nghị định 135/2016/NĐ-CP ngày 9.9.2016 với số tiền 13,89 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã thực hiện nộp số tiền vào ngân sách.

TTCP cũng kết luận, Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông chuyển nhượng phần vốn góp bằng lợi thế quyền sử dụng đất (45,832% vốn điều lệ) với giá trị 114,58 tỷ đồng nhưng không kê khai, cơ quan thế chưa tiến hành thu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Đoàn thanh tra tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là hơn 22, 970 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án Gold Season cũng có nhiều sai phạm. Cụ thể, UBND TP Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất dự án tại Quyết định số 1704/QĐ-UBND ngày 13.3.2017, đã không loại khoản thu nhập chịu thuế tính trước 5,5% trong suất đầu tư, và đưa khoản chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp chất lượng công trình (1%) chi phí xây dựng vào tổng chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá trị tiền sử dụng đất không đúng quy định tại Thông tư số 26/2014/TT-BTNMT ngày 30.6.2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đối với những sai phạm tại dự án Gold Season, TTCP chỉ rõ trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội, Sở Tài Nguyên Môi trường, Cục Thuế Hà Nội, Chủ đầu tư dự án và Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông.

Hiện vợ chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - ông Trần Anh Tuấn đang là chủ của tập đoàn TNR. Ngoài lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp, vợ chồng bà Hường - ông Tuấn còn được biết đến với những tai tiếng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Mới đây nhất ngân hàng MaritimesBank cũng bị doanh nghiệp tố có nhiều sai phạm trong quá trình xử lý nợ.

(Còn nữa)

Lê Huy (TH)/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nhung-sai-pham-lien-tiep-cua-tap-doan-tnr-du-an-nao-bi-thanh-tra-cp-vao-cuoc-d73497.html

Bạn đang đọc bài viết Những sai phạm liên tiếp của tập đoàn TNR: Dự án nào bị Thanh tra CP vào cuộc? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp