Công ty Cổ phần Đầu tư Long Biên là Chủ đầu tư Dự án sân golf và dịch vụ Long Biên, địa chỉ trụ sở chính tại Khu trung đoàn, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Thanh phố Hà Nội (TP).
Kết luận thanh tra số 172/KL-TTr ngày 24/4/2018 của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ, Công ty Cổ phần Đầu tư Long Biên và các đơn vị có liên quan đã lập đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết xây dựng sân golf và dịch vụ Long Biên chậm 14 tháng so với quy định, là vi phạm Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP. Không có hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đã được duyệt, là vi phạm Điều 57 Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12.
Qua kiểm tra nhận thấy, hiện trạng khu đất ký hiệu HH và CL2 là các dãy nhà cấp 4 và cao 01 tầng, tường xây gạch, mái tôn và khu đất ký hiệu BT hiện trạng là mặt bằng đã được san lấp có hệ thống thoát nước, cấp điện, cấp nước và có ươm cỏ. Đây là những khu đất không nằm trong Giấy chứng nhận đầu tư, không có giấy phép xây dựng, nhưng Chủ đầu tư vẫn đầu tư xây dựng công trình trên đó. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 56C/QĐ-HĐQT-LB ngày 05/6/2014 của Công ty Cổ phần Đầu tư Long Biên về việc phê duyệt dự án đầu tư thì có khoảng 10,15 ha diện tích đất không nằm trong Giấy Chứng nhận đầu tư do UBND TP cấp.Đáng lưu ý, khi thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch được duyệt, Chủ đầu tư không hề có hồ sơ lấy ý kiến về thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước để tổ chức thẩm định dự án; chưa có hợp đồng thuê đất hoặc quyết định cho thuê đất để đầu tư xây dựng sân golf và dịch vụ Long Biên theo quy hoạch chi tiết xây dựng. Ngày 05/8/2012, Chủ đầu tư khởi công xây dựng công trình khi thiết kế bản vẽ thi công chưa được phê duyệt, không hề có giấy phép xây dựng…
Tại Công văn số 18/2019/BC-LB ngày 03/4/2019 của Công ty Cổ phần Long Biên báo cáo, giải trình, trong thời gian thi công xây dựng Dự án Chủ đầu tư đã xây dựng một số nhà cấp 4 tại Khu đất ký hiệu HH và CL2 làm nhà văn phòng điều hành dự án và san lấp mặt bằng khu đất trên ký hiệu BT để tập kết vật liệu xây dựng. Hiện nay, dự án cơ bản hoàn thiện trên diện tích đất khoảng 109,04ha, chưa đầu tư xây dựng trên diện tích đất ký hiệu HH, CL và BT theo quy hoạch được duyệt nên Chủ đầu tư tạm sử dụng nhà văn phòng điều hành dự án trước đây làm nhà ở cho người lao động của Công ty và lô đất ký hiệu BT làm bãi để xe, ươm trồng cây, cỏ phục vụ cho dự án.
Tuy nhiên, việc Chủ đầu tư đưa công trình, hạng mục công trình vào khai thác sử dụng khi chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu của Chủ đầu tư là vi phạm Điểm b Khoản 1 Điều 32 Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/2/2013 của Chính phủ.
Không chỉ vậy, còn xây dựng một số công trình chậm so với tiến độ được phê duyệt; chưa đầu tư công trình xử lý nước mặt để kiểm soát chất lượng nước tưới cỏ và phân bón đảm bảo điều kiện đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường bên ngoài là trách nhiệm thuộc Chủ đầu tư. Nhà thầu giao cho một số cá nhân đảm nhận chức danh chủ nhiệm khảo sát, chủ trì thiết kế hạ tầng kỹ thuật, chủ trì thiết kế Nhà bảo trì mà không có chứng chỉ hành nghề theo quy định. Trách nhiệm này thuộc về Chủ đầu tư và các nhà thầu.
Từ những sai phạm kể trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát, xử lý và khắc phục những vi phạm về việc quy hoạch xây dựng và thực hiện theo quy hoạch được duyệt tại Dự án Sân goft và dịch vụ Long Biên theo quy định. Bên cạnh đó, yêu cầu Sở xây dựng TP Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm tại Dự án. Thanh Tra Việt Nam cho hay.
Dự án làm khổ người dân
Năm 2015, 335 hộ dân thuộc tổ 17, phường Phúc Đồng,Long Biên, Hà Nội đã chấp thuận bàn giao toàn bộ nhà và đất cho UBND quận Long Biên để phục vụ dự án xây dựng công viên công nghệ thông tin Hà Nội (do công ty CP Him Lam làm chủ đầu tư). Trong đó, hơn 200 hộ được bố trí tái định cư tại dự án khu nhà ở Him Lam. Đây là khu đất do công ty Him Lam đấu giá thành công năm 2015, với diện tích hơn 1,3 ha.
Theo phản ánh của người dân, tại thời điểm giao đất năm 2016, ông Đỗ Huy Chiến –Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên (thời điểm đó) đã hứa với người dân rằng, bà con cứ yên tâm nhận đất để xây nhà. Quận Long Biên sẽ có trách nhiệm lo thủ tục làm sổ đỏ cho người dân.
Nhưng, 4 năm qua, người dân vẫn không nhận được sổ đỏ. Còn ông Đỗ Huy Chiến hiện đã chuyển công tác, làm Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai.
Phản ánh đến báo Tài nguyên và Môi trường, ông Bùi Văn Thắng – đại diện tổ dân phố 16 cho biết, thời quan qua, cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn vì không có sổ đỏ. Phần lớn các hộ không được nhập hộ khẩu, con cháu không thể xin học đúng tuyến. Nhiều hộ dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng để làm ăn, xây dựng nhà cửa nhưng thiếu sổ đỏ nên không vay được, phải chấp nhận vay ngoài với lãi suất cao.
“Năm 2016, khi quận Long Biên bàn giao đất, ông Đỗ Huy Chiến (PCT UBND quận Long Biên ) có cam kết với bà con rằng cứ yên tâm nhận đất để xây nhà ở. Quận sẽ chịu trách nhiệm về việc làm sổ đỏ. Vì vậy, các hộ dân tin tưởng tuyệt đối. Nhưng ai ngờ, 4 năm trôi qua, sổ đỏ vẫn không được cấp” – ông Thắng nói.
Còn anh Đ. N.S (người dân) chia sẻ, năm 2016, sau khi được giao đất, gia đình anh đã phải vay nặng lãi số tiền 1 tỷ đồng để xây nhà. Theo hợp đồng vay, hạn đến tháng 9/2020, anh S phải trả hết số nợ và tiền lãi. Nếu không trả được, anh sẽ phải bán nhà cho chủ nợ với giá 1,5 tỷ đồng trong khi căn nhà có giá trị thực tế 4,5 tỷ đồng. Hiện, vợ chồng anh rất mong sớm nhận được sổ đỏ để vay tiền ngân hàng trả khoản nợ trên.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc hơn 200 hộ dân không được cấp sổ đỏ là do quận Long Biên và công ty Him Lam đã tự ý chia đất tái định cư cho dân khi chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch.
Năm 2015, sau khi trúng đấu giá khu đất 1,3 ha, công ty Him Lam đã xin TP Hà Nội cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất đấu giá sang đất tái định cư để phục vụ việc giải phóng mặt bằng các dự án của doanh nghiệp trên địa bàn quận. Đề xuất này đã được ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP Hà Nội (thời điểm đó) chấp thuận.
Lẽ ra, sau khi được TP Hà Nội chấp thuận về mặt chủ trương, công ty Him Lam phải làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lập quy hoạch. Nhưng doanh nghiệp này đã không làm đúng trình tự thủ tục mà phối hợp với chính quyền quận Long Biên giao đất cho dân theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Bằng cớ, vào giữa năm 2016, công ty Him Lam đã thực hiện việc bàn giao vị trí đất cho các hộ dân để xây nhà ở. Trong biên bản bàn giao mặt bằng, căn cứ để giao đất là phương án chia lô 1/500 do công ty CP khảo sát và địa chính lập có đóng dấu của quận Long Biên.
Toàn bộ quá trình giao đất đều có sự chứng kiến của các cán bộ đại diện chính quyền quận Long Biên bao gồm ban bồi thường giải phóng mặt bằng, phòng Tài nguyên và Môi trường; chủ tịch UBND phường Thạch Bàn và phường Phúc Đồng.
Ngay sau khi giao đất, quận Long Biên còn cấp giấy phép xây dựng cho 102 hộ dân xây nhà ở.
Thế nhưng, phải đến gần 1 năm sau đó, ngày 25/ 1/2017, Chủ tịch UBND quận Long Biên bà Vũ Thu Hà mới ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng cho dự án này. (Bản điều chỉnh quy hoạch này chủ yếu điều chỉnh khu nhà cao tầng, còn phần thấp tầng được giữ nguyên theo bản đồ tổng mặt bằng đã cấp vào năm 2015 - PV).
Điều đáng ngạc nhiên, diện tích các ô đất được phê duyệt trong quyết định này lại không đúng với diện tích các ô đất đã giao cho các hộ dân tái định cư.
Anh N.V.T (người dân) cho biết, trong phương án điều chỉnh tổng mặt bằng mới, dãy A1 có 35 ô đất nhưng trên thực địa lô đất A1 bị chia thành 48 ô đất (tăng thêm 13 ô). Diện tích các ô đất được phê duyệt đều có mặt tiền rộng 4m -5m, chiều dài 13m nhưng các ô tái định cư đều đươc chia mặt tiền 3,3-3,5 m, chiều dài hơn 12m. Chính vì vậy, các căn nhà đều bị thiếu diện tích so với bản đồ điều chỉnh quy hoạch.
“ Chúng tôi không hiểu lý do vì sao quận Long Biên lại để xảy ra việc giao đất cho dân một đằng, duyệt quy hoạch một nẻo. Nghĩa là, khi giao đất, ông Đỗ Huy Chiến đã căn cứ vào bản đồ hiện trạng do chính ông Chiến ký. Nhưng ngày 25/1/2017, Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng khu đất, nhưng toàn bộ số lô, diện tích đất tái định cư lại khác hoàn toàn so với thực tế. Chính vì có sự chênh lệch về diện tích này đã dẫn đến việc hơn 200 hộ dân bị treo sổ đỏ”. Ông T bức xúc nói.
Đại diện công ty Him Lam cho biết, năm 2015, công ty Him Lam đã trúng đấu giá hơn 1ha đất với giá 17,8 triệu đồng/m2. Do thiếu quỹ đất tái định cư cho dự án khu công viên công nghệ thông tin HN. Doanh nghiệp đã xin chuyển đổi toàn bộ diện tích đất đấu giá này sang làm quỹ đất tái định cư cho hơn 200 hộ dân. Mặc dù việc chuyển đổi này gây thiệt hại lớn về tài chính nhưng công ty Him Lam vẫn tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân sớm ổn định cuộc sống.
Trước khi giao đất, công ty Him Lam đã làm thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng. Năm 2017, quận Long Biên đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch này. Tuy nhiên, việc giao đất tái định cư được áp dụng theo các quy định riêng để phù hợp với phương án bồi thường cho các hộ dân mất đất nên có sự chênh lệch về diện tích giữa thực tế. Chủ đầu tư cũng đã có báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Xuân Trường – Phó chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, sau khi nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân, Lãnh đạo Thành phố đã giao cho quận Long Biên và chủ đầu tư rà soát toàn bộ dự án, giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tham mưu đề xuất phương án giải quyết. Hiện, quận Long Biên đã có văn bản báo cáo và đề xuất TP cho phép tách 1,09 ha đất thuộc dự án khu nhà ở Him Lam (toàn bộ diện tích đất công ty Him Lam đã bố trí tái định cư cho người dân) để giao về cho UBND quận Long Biên làm thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận cho người dân. (Còn nữa).
Ngọc Bình (TH)/Sở hữu trí tuệ