Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI (Tập đoàn DOJI) với tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD được thành lập ngày 28/07/1994. Là doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động chuyên sâu về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra thị trường quốc tế, công ty được mệnh danh là ông hoàng Ruby sao của thế giới, làm cho Việt Nam được khắc họa như một điểm sáng trên bản đồ Đá quý quốc tế.
DOJI là điểm sáng trên thị trường đá quý Việt Nam với hàng loạt trung tâm vàng bạc đá quý. |
Từ doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý, việc chuyển hướng sang mảng bất động sản được xem là quyết định táo bạo của Tập đoàn DOJI. Năm 2014, tập đoàn thành lập công ty DOJILand để triển khai một chuỗi dự án bất động sản quy mô.
Thông tin đăng tải tại trang web của Doji cho biết, đến nay các dự án bất động sản của DOJILand trải dài khắp cả nước như dự án khu dịch vụ hỗn hợp thuộc khu dịch vụ cao cấp Bến Đoan với quy mô 47.708m2; tòa nhà Ruby Tower, đường Hàm Nghi, quận 1, TP HCM; tòa nhà Ruby Plaza tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; tòa trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp số 5 Lê Duẩn, Hà Nội...
Doanh nghiệp đang đầu tư nhiều dự án quy mô ở khu vực phía Bắc như khu dịch vụ hỗn hợp thuộc khu dịch vụ cao cấp Bến Đoan, TP Hạ Long, Quảng Ninh với 2 sản phẩm: khu căn hộ cao cấp The Sapphire Residence và mới đây là khu căn hộ nghỉ dưỡng Sapphire Ha Long.
Theo Kinh tế Môi trường, ngay từ những dự án đầu tay của DOJI Land đã vấp phải những “lùm xùm” về vấn đề pháp lý, tiến độ thi công chậm, mật độ xây dựng căn hộ lớn, mập mờ thông tin sổ đỏ…
Dự án đình đám của DOJI Land là khu dịch vụ cao cấp Bến Đoan, tỉnh Quảng Ninh (dự án The Sapphire Residence Hạ Long) được xây dựng trên khu đất rộng 4,77 ha thuộc dự án Vinhomes Dragon Hạ Long. Đến nay, toà S1 đã xây dựng xong với 621 căn hộ (mật độ 25 căn hộ/sàn) cùng hàng chục căn penthouse, sky villa, shop office… song thông tin chi tiết về thiết kế, mật độ xây dựng, số lượng căn hộ… đã không được công bố. Còn theo tài liệu tiếp thị của dự án, số lượng căn hộ của toà S2 đã tăng lên tới 34 căn/sàn (chia nhỏ diện tích căn hộ chỉ còn 35m2, lớn nhất 130m2). Tổng số căn hộ của toà S2 được rao bán tới hơn 1.000 căn, cao hơn 36% so với toà S1.
Dự án The Sapphire Residence Hạ Long. |
Hơn nữa, thông tin về dự án Sapphire Hạ Long được đưa ra không rõ ràng, quảng cáo “mập mờ” về sở hữu condotel và căn hộ chung cư, khiến khách hàng lầm tưởng rằng tất cả căn hộ đều có sổ đỏ sở hữu vĩnh viễn.
Được biết, Chủ tịch Tập đoàn DOJI là ông Đỗ Minh Phú đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng TPBank. Năm 2018, ông Phú mới rút khỏi vị trí Chủ tịch Tập đoàn DOJI và DOJI Land cùng nhiều công ty con… để tránh vi phạm quy định của Luật các Tổ chức tín dụng.
Ông Đỗ Minh Phú sở hữu 5,37% vốn điều lệ ngân hàng TPBank, cùng với sở hữu của các thành viên gia đình thì nhóm cổ đông DOJI đã nắm tới 18% vốn TPBank. Do đó, không hề lạ khi TPBank xuất hiện đồng hành tài trợ người mua nhà tại dự án Sapphire Hạ Long của DOJI cũng như hỗ trợ vốn cho đối tác của Tập đoàn DOJI.
Cũng theo Kinh tế Môi trường, dù Tập đoàn DOJI mới về thị trường Hạ Long song đã nhanh chóng thâu tóm 2,6 ha đất tại dự án Vinhomes Bến Đoan của Vingroup. Giá trị thương vụ chuyển nhượng đất cho Tập đoàn DOJI này không được các bên liên quan tiết lộ. Sau đó, quá trình tách nhỏ dự án, làm các thủ tục đầu tư, xây dựng dự án mới của DOJI, điều chỉnh quy hoạch 1/500… đều được làm rất nhanh chóng chỉ trong hơn 3 tháng khi có đối tác Vingroup song hành.
Ngay sau đó, TPBank đã “bơm” vốn cho Vingroup vay vào quý 3/2017, cũng là thời điểm Vingroup thi công rầm rộ dự án Vinhomes Bến Đoan với chi phí xây dựng lên tới gần 1.000 tỉ đồng (tính đến cuối năm 2017). Điều lạ là TPBank chỉ cho doanh nghiệp này vay ngắn hạn với dư nợ cuối kỳ gần 275 tỉ đồng, lãi suất vay khá thấp là 6,6%/năm, chỉ ngang với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trên thị trường. Đáng chú ý, khoản vay nợ của Vingroup cũng không có tài sản bảo đảm.
Chưa rõ TPBank đã tiến hành thẩm định, đánh giá rủi ro của đối tác DOJI ra sao để phê duyệt cho vay hàng trăm tỉ đồng mà không có tài sản bảo đảm?
Đối với dự án DOJI Land, do quy định siết chặt cho vay bất động sản và giới hạn cho vay công ty “sân sau” của lãnh đạo ngân hàng, nên TPbank chỉ xuất hiện ở vai trò cho vay mua nhà dự án và quản lý nguồn thu từ bán hàng.
Dù vậy, với tầm ảnh hưởng trong giới tài chính, cũng không khó để DOJI Land huy động vốn làm bất động sản từ các ngân hàng khác. Tìm hiểu được biết, từ tháng 4/2017, ngay sau khi được tỉnh Quảng Ninh chấp thuận đầu tư dự án tại Bến Đoan, DOJI Land đã được hai ngân hàng cho vay vốn trung và dài hạn.
Trong đó, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) đã giải ngân hơn 200 tỉ đồng với thời hạn tới 10 năm. Nhưng nợ vay ngân hàng của DOJI Land lại ở mức khá khiêm tốn, có thời điểm cao nhất là hơn 440 tỉ đồng. Trong khi nhu cầu vốn cho dự án Bến Đoan hơn 4.272 tỉ đồng, thì chủ đầu tư sẽ sử dụng vốn tự có, vốn góp của cổ đông, cùng với việc huy động vốn sớm từ khách hàng mua nhà dự án.
Liệu rằng khi DOJI có một ngân hàng trong tay thì chủ doanh nghiệp có sử dụng ảnh hưởng để “điều chuyển” dòng tiền, tạo “đòn bẩy” tài chính cho hàng loạt dự án của công ty thân hữu không, là điều cần được làm sáng tỏ? Bởi với tham vọng đầu tư 3 dự án bất động sản lớn với tổng mức vốn hơn 9.500 tỉ đồng, DOJI Land sẽ phải xoay sở tìm kiếm các nguồn vốn trung và dài hạn để đảm bảo năng lực tài chính triển khai các dự án.