Hà Nội, Thứ Hai Ngày 07/10/2024

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm

VIETQ 07:03 28/07/2022

Đại diện doanh nghiệp cho rằng cần có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Ngăn chặn các hành vi gian lận xuyên biên giới

Hoạt động truy xuất nguồn gốc ngày càng trở nên cần thiết và là tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu. Việc minh bạch hóa nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại xuyên biên giới... Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc còn giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế thương hiệu.

Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 19/1/2019, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc, phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Sau 3 năm thực hiện Đề án, đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng được 23 tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc và dự kiến, năm 2022 sẽ công bố thêm ít nhất 22 tiêu chuẩn quốc gia.

Ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện tại, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc của Việt Nam chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khép kín, không có khả năng tương tác, liên kết, chia sẻ và trao đổi dữ liệu... Vì vậy, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc cần được thúc đẩy, hướng tới thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau.

Đồng thời, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia cần được thiết lập, xây dựng, vận hành theo đúng mục tiêu của Quyết định số 100/QĐ-TTg đề ra. Dự kiến, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ vận hành vào cuối năm 2022.

Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia có sự tham gia của tất cả các bên trong chuỗi cung ứng như: Nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước... hướng tới mục tiêu: Thu thập, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu, từ đó bảo đảm sự kết nối giữa hệ thống truy xuất của các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Cổng thông tin cũng hướng tới việc kết nối quốc tế để hỗ trợ việc xuất, nhập khẩu sản phẩm hàng hóa, thông quan và vượt qua các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại xuyên biên giới

Trước thực tế về đảm bảo bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch và hướng tới triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các địa phương vùng trồng và sản xuất nông, thủy sản rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động truy xuất nguồn gốc để bảo đảm quy trình sản xuất an toàn theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 từ khâu trồng, thu mua, bao gói, phân loại tới khâu vận chuyển để xuất khẩu. Ngoài ra, điều tiết sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng trái cây để có định hướng sản lượng thu hoạch trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, thúc đẩy tiêu thụ qua biên giới.

Truy xuất nguồn gốc nông sản: Ảnh minh hoạ

Đưa nông sản tiếp cận thị trường quốc tế

Theo ông Bùi Bá Chính, Việt Nam đang triển khai thực hiện và để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản phẩm thanh long xuất khẩu. Một trong số đó là Dự án hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc trong quản lý an toàn và chất lượng thuộc Chương trình Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực tại các nước Tiểu vùng Mekong của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia phối hợp thực hiện triển khai dự án tại Việt Nam.

Dự án thí điểm có mục đích áp dụng truy xuất nguồn gốc, minh bạch chuỗi cung ứng nông sản, từ đó giảm thiểu rủi ro trong hệ thống cung ứng thực phẩm, đồng thời giải quyết những thách thức của các quy định mới, chặt chẽ hơn về thương mại xuyên biên giới.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc và kinh nghiệm từ Tổ chức mã số mã vạch quốc tế (GS1), Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia Việt Nam (GS1 Việt Nam) sẽ giúp dự án hoàn thành mục tiêu đặt ra, giúp nông sản an toàn của Việt Nam tiếp cận các thị trường quốc tế.

Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ áp dụng truy xuất nguồn gốc, nông nghiệp bền vững, vệ sinh an toàn thực phẩm; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn toàn cầu GS1; đăng ký mã định danh quốc tế GS1, mã vùng trồng, mã xưởng; được cấp lại chứng chỉ GAP và tham gia các khóa đào tạo về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, các yêu cầu về nhập khẩu của Trung Quốc...

Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia cho biết, do đây là triển khai mô hình thí điểm nên yêu cầu đối với doanh nghiệp tham gia dự án phải là đơn vị tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm thanh long; có kinh nghiệm tham gia hoặc có các chứng chỉ về GAP, GMP (thực hành sản xuất tốt), nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn, đồng thời, quan tâm tới việc tuân thủ tiêu chuẩn, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, nông nghiệp bền vững và có sự tham gia của các nhân sự trẻ dưới 35 tuổi. Đơn vị triển khai dự án sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá chuỗi cung ứng nông sản, qua đó lựa chọn từ 3 đến 5 doanh nghiệp để triển khai mô hình thí điểm và các doanh nghiệp tham gia dự án thí điểm được hỗ trợ toàn bộ kinh phí.

Cụ thể hoá tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc

Liên quan tới vấn đề trên, khi nói về giải pháp để thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc nông sản, ông Mai Quang Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP VN Check (một đơn vị cung cấp nền tảng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp) cho hay, cần quy định chi tiết, cụ thể tiêu chuẩn đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc theo kịp công nghệ hiện đại, minh bạch dữ liệu và thông tin của đơn vị sản xuất theo thời gian thực, có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đồng thời nhanh chóng hoàn thiện cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia để các đơn vị cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc kết nối dữ liệu. Công khai, minh bạch hệ thống đạt tiêu chuẩn theo quy định chung về truy xuất nguồn gốc giúp đơn vị sản xuất yên tâm sử dụng công nghệ. Nghiêm khắc loại bỏ những hệ thống truy xuất nguồn gốc có công nghệ cũ, thiếu minh bạch.

Bởi trên thực tế, minh bạch là yếu tố sống còn của sự phát triển, nâng cao ý thức tự minh bạch đối với doanh nghiệp nông sản, thực phẩm thông qua truy xuất nguồn gốc cũng sẽ góp phần giúp xã hội văn minh và phát triển.

Link gốc : https://vietq.vn/ho-tro-doanh-nghiep-phat-trien-cong-nghe-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-d202538.html

Bạn đang đọc bài viết Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương