Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Sở xây dựng Hải Phòng: Nghi vấn nhà thầu “ruột” trúng thầu sát giá?

DTVN 09:47 20/07/2020

Hiện tượng nhà thầu “ruột” thay nhau thâu tóm các gọi thầu “khủng” đang khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng Sở xây dựng Hải Phòng “ưu ái” cho những doanh nghiệp thân quen trúng hàng loạt gói thầu

Các gói thầu lớn đều "rơi" vào tay liên danh nhà thầu "quen"

Theo Luật Đấu thầu (số 43/2013/QH13) năm 2013: Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Mục tiêu của đấu thầu là tìm được nhà thầu (hoặc nhà đầu tư) thỏa mãn các yêu cầu của bên mời thầu về kỹ thuật, chất lượng với chi phí thấp nhất. Do đó, đấu thầu là một hình thức kinh doanh văn minh trong nền kinh tế thị trường phát triển, mang lại lợi ích to lớn cho chủ đầu tư nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung.

Tuy nhiên, định nghĩa này dường như không đúng với những gói thầu gần đây do Sở Xây dựng Hải Phòng làm chủ đầu tư.

Theo thông tin tìm hiểu, Sở Xây dựng Hải Phòng gần đây làm chủ đầu tư, mời thầu nhiều dự án lớn, giá trị lên tới hàng trăm tỉ đồng. Đáng nói, trái ngược với những gói thầu khủng thì tỷ lệ tiết kiệm lại "nhỏ giọt", không đáng kể cho ngân sách Nhà nước và điều ngạc nhiên là xuất hiện một nhóm nhà thầu “ruột” liên tục trúng thầu.

Việc này khiến dư luận không khỏi hồ nghi, có hay không hiện tượng lợi ích nhóm trong hoạt động đấu thầu tại Sở Xây dựng Hải Phòng? Bên cạnh đó, mong muốn cơ quan ngành có chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ.

Cụ thể, tại “Dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng” được UBND TP. Hải Phòng phê duyệt cuối tháng 10/2019 với tổng số vốn đầu tư hơn 99,9 tỉ đồng. Dự án được giao cho Sở Xây dựng Hải Phòng làm chủ đầu tư, tổ chức mời thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện.

Dự án kể trên được chia thành một số gói thầu chính, trong đó có 2 gói thầu với giá trị lớn. Lạ thay, cả 2 gói thầu này đều rơi vào tay liên danh Công ty TNHH tổ chức phát triển thương hiệu Việt Nam (Công ty thương hiệu Việt Nam) – Công ty cổ phần điện chiếu sáng Hải Phòng (Công ty điện chiếu sáng Hải Phòng).

Theo đó, tại “Gói thầu số 10 thuộc dự án Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng”, tháng 1/2020, Sở Xây dựng Hải Phòng đã lựa chọn nhà thầu là liên danh Công ty thương hiệu Việt Nam, Công ty điện chiếu sáng Hải Phòng trúng thầu với giá 36.154.751.000 đồng. Gói thầu này được Sở Xây dựng Hải Phòng mời thầu là 38.389.997.000 đồng.

Vẫn nằm trong dự án kể trên, tháng 4/2020, liên danh Công ty thương hiệu Việt Nam và Công ty điện chiếu sáng Hải Phòng tiếp tục “đánh đâu thắng đó” khi trúng “gói thầu số 11” với giá 55.415.966.000 đồng. Gói thầu này trước đó được Sở Xây dựng Hải Phòng mời thầu là 55.699.379.000 đồng.

Không khó để nhận ra, với một gói thầu gần 56 tỷ đồng, Sở Xây dựng Hải Phòng chỉ tiết kiệm được vẻn vẹn khoảng 284 triệu đồng cho ngân sách Nhà nước.

Một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu nhận định, một dự án lớn được chia ra làm nhiều gói thầu, với 2 gói thầu khủng, nhưng một liên danh công ty liên tiếp thâu tóm cả 2 gói thầu này là điều bất thường. Dấu hỏi về tính minh bạch, công khai, dấu hiệu lợi ích nhóm, dàn xếp, thông thâu ở đây đang cần được cơ quan có thẩm quyền điều tra làm rõ.

Tiết kiệm "nhỏ giọt"

Không chỉ có tại “Dự án Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng”, mà tại một số dự án khác, câu chuyện nhà thầu “ruột” cũng "không lạ".

Nhân tố "quen" tiếp theo là Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng (Công ty thoát nước Hải Phòng) tại “Dự án Cải tạo, nâng cấp trạm bơm Máy Đèn và trạm bơm Vĩnh Niệm” do Sở Xây dựng Hải Phòng làm chủ đầu tư. Đầu tháng 11/2019, công ty này đã trúng thầu “gói số 4” thuộc dự án này với giá trúng là 7.368.863.000 đồng. Chiếu theo giá mời thầu là 7.374.555.194 đồng, thì gói thầu này tiết kiệm được cho ngân sách 6 triệu đồng.

Tiếp tục tại “Dự án chống ngập khu vực đường Trung Lực, quận Hải An” có tổng vốn đầu tư hơn 8,6 tỉ đồng, tháng 8/2019, Công ty thoát nước Hải Phòng lại được lãnh đạo Sở Xây dựng Hải Phòng phê duyệt trúng thầu “gói thầu số 4” (thi công) với giá 7.695.168.000 đồng. Tiết kiệm khiêm tốn ở mức 41 triệu đồng, bởi giá mời thầu trước đó được Sở Xây dựng Hải Phòng đưa ra là 7.736.380.193 đồng.

Tháng 8/2019, ông Phùng Văn Thanh, Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng lại ký văn bản thông báo Công ty thoát nước Hải Phòng trúng thầu “Gói thầu số 4 xây lắp, thuộc dự án chống ngập đường Máng nước” với giá trúng thầu 5.282.236.000 đồng. Tiết kiệm ngân sách vỏn vẹn 7 triệu đồng.

Quyết định lựa chọn nhà thầu của Sở Xây dựng Hải Phòng

Trước đó, tháng 11/2018, cũng là ông Phùng Văn Thanh ký văn bản cho Công ty thoát nước Hải Phòng trúng thầu “Gói thầu thi công xây dựng công trình (thuộc dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Lợi từ ngã ba Lê Lợi - phố Cấm đến mương Đông Bắc, tổng mức đầu tư hơn 6,8 tỉ đồng, vốn sự nghiệp)” với giá 6.056.426.000 đồng. Tiết kiệm gần 60 triệu đồng cho ngân sách.

Theo một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, việc nhà thầu "quen" thường trúng các gói thầu do 1 đơn vị tổ chức đấu thầu, và việc các gói thầu sát giá là dấu hiệu bất thường trong công tác đấu thầu. Từ dấu hiệu này, cơ quan kiểm toán, thanh tra có thể vào cuộc kiểm tra, làm rõ xem có vấn đề tiêu cực trong hoạt động đầu tư, "móc ngoặc" giữa chủ đầu tư và nhà thầu hay không?.

Đồng thời, qua kiểm tra, nếu có sai phạm, có “đi đêm” giữa các bên liên quan thì cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo sự minh bạch, trong sạch trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu”, chuyên gia này nêu quan điểm.

Theo Tài chính Doanh nghiệp

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/so-xay-dung-hai-phong-nghi-van-nha-thau-ruot-trung-thau-sat-gia-d14155.html

Bạn đang đọc bài viết Sở xây dựng Hải Phòng: Nghi vấn nhà thầu “ruột” trúng thầu sát giá? tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương