Theo đó, ngày 24/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý khai thác cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ bãi sông (sau đây gọi tắt là Nghị định số 23/2020/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/4/2020, trong đó có các quy định cụ thể về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Triển khai thực hiện Nghị định nêu trên, ngày 22/9/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 5195/BTNMT-TNN đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND tỉnh) tổ chức thực hiện Nghị định nêu trên.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương vẫn có tình trạng san, lấp, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông hoặc hoạt động khai thác khoáng sản, cát, sỏi lòng sông gây ra hiện tượng sạt, lở bờ sông. Do đó, để bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, đảm bảo sự lưu thông của dòng chảy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan tổ chức thực hiện đầy đủ nội dung của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP và yêu cầu tại Văn bản số 5195/BTNMT-TNN, trong đó lưu ý khi thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác cát, sỏi và cải tạo cảnh quan cần tuân thủ đầy đủ về thẩm quyền, quy định kỹ thuật và các yêu cầu về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Tình trạng khai thác cát trên sông Lô thuộc địa phận huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ có diễn biến ngày càng phức tạp |
Cụ thể, đối với các dự án khai thác cát, sỏi lòng sông, việc cấp phép thăm dò, khai thác ngoài việc tuân thủ pháp luật về khoáng sản, môi trường còn phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 14 và Điều 15 của Nghị định, trong đó phải bảo vệ, duy trì khả năng thoát lũ của sông; không gây bồi lắng, xói, lở lòng sông, gây mất ổn định bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng của nguồn nước. Yêu cầu tổ chức, cá nhân được phép khai thác cát, sỏi lòng sông thực hiện nghiêm yêu cầu công khai thông tin Giấy phép khai thác về thời gian khai thác; phương tiện khai thác đã đăng ký khi cấp phép; phạm vi, công suất khai thác để người dân, địa phương giám sát.
Đối với các dự án cải tạo cảnh quan ven sông: đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 14 và Điều 18 của Nghị định, trong đó hạn chế tối đa việc lấn sông, thu hẹp không gian chứa, thoát lũ của sông. Trường hợp đặc biệt phải lấn sông để thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt, lở bờ sông, bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông hoặc các yêu cầu khác về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, thì phải gắn với các yêu cầu về chỉnh trị sông, cải tạo cảnh quan ven sông và phần diện tích sông bị lấn chỉ sử dụng cho các mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan có chung ranh giới hành chính là các dòng sông tăng cường kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khoáng sản theo “Quy chế phối hợp trong quản lý cát, sỏi lòng sông, kiểm tra, xử lý vi phạm tại khu vực giáp ranh” đã ký kết hoặc tiếp tục xây dựng Quy chế phối hợp nếu chưa ban hành.
Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều tra, đánh giá diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông trên địa bàn tỉnh; tổ chức khoanh định khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh; khi xây dựng quy hoạch tỉnh phải có nội dung về quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông theo quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP.
Tại tỉnh Phú Thọ, sau gần một năm tạm dừng việc khai thác cát sỏi trên sông Lô, vào tháng 12/2020 UBND tỉnh Phú Thọ mới ra quyết định số 5826/UBND-KTN về việc cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô, sông Chảy thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ theo giấy phép đã được cấp.Đồng thời, UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, xem xét việc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của các doanh nghiệp trước khi tiến hành khai thác, trong hoạt động khai thác, trường hợp không thực hiện, thực hiện không đầy đủ theo quy định.
Phối hợp với UBND các huyện liên quan tổ chức triển khai xác định các khu vực cần bảo vệ (khu vực xung quanh khu vực khai thác và khu vực đất bãi ven sông tiếp giáp với khu vực khai thác).
Giao Công an tỉnh Phú Thọ chỉ đạo lực lượng công an, phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương thường xuyên tuần tra, kiểm soát đảm bảo toàn bộ hoạt động khai thác cát sỏi trên tuyến sông Lô, sông Chảy đúng theo các quy định.
Giám đốc Công an tỉnh chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra hiện tượng khai thác sai phép, khai thác ngoài chỉ giới được cấp phép mà không phát hiện, không xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Yêu cầu UBND thành phố Việt Trì, UBND huyện Phù Ninh, Đoan Hùng tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Chỉ đạo UBND các xã, phường và các đơn vị chức năng giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác cát, sỏi của doanh nghiệp được cấp giấy phép.
Đối với các Doanh nghiệp được cấp phép khai thác, trước khi tiếp tục hoạt động khai thác cát, sỏi phải thực hiện đầy đủ các quy định của giấy phép và các định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng bờ bãi sông.
Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện nghiêm chỉnh theo quyết định mà các cơ quan chức năng cấp phép. Thực tế cho thấy, đang có nhiều đơn vị lợi dụng khai thác vượt ranh giới, độ sâu, trữ lượng... Cùng với đó, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép có hình thức rất tinh vi, máy móc hiện đại, công suất lớn đang làm chảy máu tài nguyên và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân nơi đây.
Có thể nhìn thấy bằng mắt thường là việc khai thác đã và đang làm sạt lở bãi sông 1 cách nghiêm trọng. |
Mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra Công văn số 2077/BTNMT-TNN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 10/4/2020, cấm khai thác cát, sỏi tại khu vực bờ sông có nguy cơ sạt, lở. Vậy nhưng tại huyện Phù Ninh, vẫn thấy nhiều tàu cẩu dây văng và gầu quăng đang khai thác cách bờ đê chưa đầy chục mét. Thậm chí, nhiều tàu cuốc còn vào tận sát chân bãi bồi để hút cát. Tại đây xuất hiện hàng chục vết nứt sâu 5 – 10 m, kéo dài hàng chục mét. Ngoài việc khai thác quá gần bờ, không đảm bảo khoảng cách thì doanh nghiệp này còn không thực hiện cắm mốc, biển báo, neo phao theo quy định?
Việc khai thác cát có được giám sát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền hay không? Một thực tế có thể nhìn thấy bằng mắt thường là việc khai thác đã và đang làm sạt lở bãi sông 1 cách nghiêm trọng.
Những đơn vị nào được cấp phép khai thác cát và hoạt động có đúng theo giấy phép được cấp hay không? Chúng tôi đã liên hệ với UBND huyện Phù Ninh, nhưng sau 2 tuần vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Ngoài việc khai thác quá gần bờ, không đảm bảo khoảng cách thì doanh nghiệp này còn không thực hiện cắm mốc, biển báo, neo phao theo quy định? |
Sông Lô vẫn ngày ngày ‘chảy máu’ tài nguyên, Việc khai thác tràn lan trên sông gây ảnh hưởng đến sinh kế, tài sản, đất đai của người dân, an toàn của các công trình quốc gia... trách nhiệm thuộc về ai?
Đề nghị UBND huyện Phù Ninh, UBND tỉnh Phú Thọ vào cuộc kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép hoặc sai phép, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có dấu hiệu buông lỏng quản lý để cát tặc hoành hành, tài nguyên quốc gia ngang nhiên bị chảy máu, ngân sách nhà nước bị thất thu. Môi trường sống của người dân bị đảo lộn.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo